Gần đây, dư luận lại tiếp tục dậy sóng trước đề xuất loại tác phẩm Chí Phèo khỏi SGK Ngữ văn 11 của tác giả Sóng Hiền - nghiên cứu sinh Trường ĐH Newcastle (Australia).
Tác giả Sóng Hiền đưa ra quan điểm, tác phẩm Chí Phèo có thể có những tác động xấu về mặt nhận thức của học sinh: “Chí Phèo là một đứa không cha không mẹ, được trao tay từ người này đến người khác nuôi. Nếu Chí đại diện cho tầng lớp nhân dân Việt Nam thì thiệt thòi cho dân mình quá”.
Dưới góc độ giáo dục, ông Hiền cho rằng, sau khi ra tù, không chỉ Chí mà bất kỳ đứa trẻ nào ở xã hội nào cũng khó có thể trở thành người tốt.
Không đồng tình với ý kiến trên, Thạc sĩ Vũ Thị Hoài Thanh - Giám đốc Trung tâm luyện thi Đại Học Hà Nội, người có hơn chục năm nghiên cứu và giảng dạy bộ môn Văn học đã có những phân tích, lập luận phản đối đề xuất của tác giả Sóng Hiền.
VTC News xin trích dẫn nguyên văn ý kiến của Thạc sĩ Văn học Vũ Thị Hoài Thanh:
"Đối với một tác phẩm Văn học, người ta phải nhìn nhận từ tấm lòng mới nhìn thấy cái đẹp. Có thể vị tác giả này đã thực tế hóa và soi mói vấn đề quá. Đừng nhìn văn chương dưới con mắt soi mói vấn đề phiến diện như vậy.
Nếu vị tác giả này soi mói phiến diện như vậy thì hãy đọc tác phẩm chữ người tử tù của Nguyễn Tuân hay bất kỳ một tác phẩm nào cùng thời để cảm nhận sâu sắc hơn. Tại sao Nguyễn Tuân lại gọi nơi quản ngục là nơi nhơ nhuốc bẩn thỉu. Vậy trong hoàn cảnh ấy, nhân vật Huấn Cao có gột rửa thế nào cũng không thể là thanh âm trong trẻo được.
Nhà văn Nam Cao cho nhân vật Chí Phèo là đứa trẻ mồ côi. Ông muốn cho mọi người thấy Chí Phèo là điển hình tận cùng của nỗi đau. Một số phận bi kịch mà không thể bi kịch hơn nữa. Chí Phèo thiệt thòi như vậy, đáng để những con người trong xã hội này nâng đỡ, đáng được bao dung, chia sẻ hơn.
Kể cả ở xã hội hiện tại, tất cả những đứa trẻ như vậy cần được chúng ta đùm bọc và yêu thương. Nhưng trong xã hội “quần ngư tranh thực” ấy, Chí Phèo lại càng không được yêu thương, càng bị đẩy đến con đường cùng.
Khi Chí Phèo là một đứa trẻ, mọi người truyền tay người này bán cho người khác, nghĩa là ngay từ đầu, trong xã hội ấy người ta đã là vì cơm áo gạo tiền mà coi con người là thứ vật chất có thể trao đi bán lại.
Trong xã hội ấy, Bá Kiến cùng bọn cường hào ác bá đại diện cho bộ máy chính quyền nhà nước đẩy con người đến độ như vậy.
Chúng ta phải nhìn ở góc độ nào để dạy học sinh chứ không thể đánh giá như tác giả Sóng Hiền phân tích được. Hãy đón nhận nó ở một góc độ nhân văn để thấy Chí Phèo từng có một ước mơ, ước mơ một gia đình hạnh phúc bình dị.
Con người thấp bé trong xã hội ấy có một ước mơ cũng vô cùng thấp bé, nhưng vẫn là ước mơ để soi chiếu trong văn học.
Nói rộng ra, tác giả Sóng Hiền hãy soi chiếu ước mơ vào tác phẩm "Hai Đứa trẻ" cùng bác phở Siêu và mẹ con chị Tý. Tất cả ước mơ của họ đâu có gì lớn lao - ước mơ một chuyến tàu qua.
Nếu phân tích theo quan điểm, cách nhìn nhận của tác giả Sóng Hiền thì không chỉ loại bỏ tác phẩm Chí Phèo mà còn phải loại bỏ nhiều tác phẩm khác. Tuy nhiên, ở đây Nam Cao muốn tố cáo chế độ nhà tù thực dân, nhưng trong mắt người đề xuất loại bỏ tác phẩm này, ông chỉ nhìn dưới góc độ nhà tù.
Nếu soi xét cùng thời đó, ở một tác phẩm lãng mạn hiện thực người ta vẫn ca ngợi Huấn Cao vì Huấn Cao chống lại triều đình, đại diện triều đình không ai khác chính là Bá Kiến, là bọn “quần ngư tranh thực”, là chế độ thối nát, là nhà tù thực dân.
Chúng ta cần xâu chuỗi và nhìn nhận bản chất của vấn đề. Những người không hiểu chế độ Việt Nam, họ không bao giờ nâng đỡ được tâm hồn con người. Làm cho con người sống thực và người hơn, chứ không phải cho con người sống vì văn chương.
Phải đặt tác phẩm đó trong hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ để nhìn nhận và soi chiếu cho người đọc thấy được xã hội thời đó và xã hội hiện tại có gì tương đồng để chúng ta có thể tố cáo và phản ánh.
Tôi nhận thấy tác giả không phải là dân văn chương, không phải là con người đào sâu trong văn chương, mục đích của văn chương là gì có lẽ người đàn ông này cũng chưa bao giờ hiểu được ngọn ngành.
Ths. Vũ Thị Hoài Thanh
Không hiểu biết gì về văn chương nên không bao giờ thấu cảm được nhân vật. Trong bài viết của mình, tác giả cho rằng “Chí Phèo là một tên tội phạm, một kẻ lưu manh, còn Thị Nở là cô gái đáng thương, một người thiểu năng về nhận thức.
Tôi nhận thấy tác giả không phải là dân văn chương, không phải là con người đào sâu trong văn chương, mục đích của văn chương là gì có lẽ người đàn ông này cũng chưa bao giờ hiểu được ngọn ngành.
Theo tôi, ở góc độ này vị Tiến sĩ ngoại nói hoàn toàn không hợp lý. Bởi vì sau việc đó là kết thành nảy nở tình yêu từ Thị Nở. Nở mang tính dở hơi của người phụ nữ ở giá không lấy được chồng bởi vì Nở ảnh hưởng tính cáu bẳn từ người bà cô già. Ai cũng có thể nhận thấy, dù rất ngắn ngủi nhưng Thị Nở đã thay đổi trong cử chỉ: “Khi yêu Nở cũng biết lườm”. Thứ giá trị mà nhiều người cho là xấu xa bì ổi, nhìn nhận thực sự đó là tình yêu.
Nguyện vọng cuối cùng của một con người là ước mơ hạnh phúc. Một tác phẩm hay và giá trị đến như vậy mà người đàn ông không nhìn ra được cái hay, cái nhân văn, thật là điều đáng tiếc.
Video: Đề xuất bỏ ‘Chí Phèo’ khỏi SGK lớp 11 và 'Cách nhìn non nớt và dung tục'
Vị này không phải là dân văn chương, không thể nhìn ra phong cách của tác giả Nam Cao. Nam Cao là ngòi bút cực kỳ sắc lạnh với nhân vật của mình nhưng trong Nam Cao vẫn là người suy tư trĩu nặng với nhân vật của mình.
Ông ấy để cho Chí Phèo phải chết, đẩy Chí Phèo vào con đường phải tha hóa. Không chỉ dừng ở đó, sự tha hóa ấy còn bị đẩy lên đến bi kịch cự tuyệt quyền làm người để người khác mới nhìn nhận ra được bản chất vấn đề mà Nam Cao muốn hướng đến là tố cáo bộ mặt xã hội của chế độ thực dân.
Là một người yêu Văn học và yêu những tác phẩm của Nam Cao, càng đọc những lập luận của vị tiến sĩ này, tôi càng nhận ra sự nông nổi trong cách cảm thụ văn học của người ấy.
Tôi không biết tại sao họ lại có đề xuất nông nổi và hời hợt như vậy. Phải chăng, họ dùng cách này để gây sự chú ý đối với cộng đồng?"
Tóm tắt tác phẩm "Chí Phèo"
Chí Phèo vốn là đứa con hoang bị bỏ rơi khi vừa lọt lòng trong một lò gạch cũ bỏ không. Được người ta nhặt về nuôi, lớn lên đi ở hết nhà này sang nhà khác. Năm 20 tuổi, hắn làm canh điền cho nhà Lí Kiến. Lí Kiến ghen với anh canh điền trẻ lại được bà ba kêu bóp chân xoa bụng... gì đấy. Thế là một hôm, hắn bị giải lên huyện và phải đi tù.
Sau bảy tám năm biệt tích, hắn trở về, bộ dạng khác hẳn ngày trước. Vừa về say khướt, cầm vỏ chai đến nhà Bá Kiến - bây giờ Lí Kiến đã là Bá Hộ, Nghị Viên, tiên chỉ làng Vũ Đại - chửi bới, rạch mặt ăn vạ. Lão Bá Kiến khôn róc đời đã xử nhũn với hắn. Với những kẻ cố cùng liều thân "trị không được thì dùng", "dùng thằng đầu bò trị những thằng đầu bò". Thế chỉ là một bữa rượu, một đồng bạc, Chí Phèo hả hê ra về và trở thành "chỗ đày tớ tay chân" của lão để khi cần chỉ cho hắn năm hào uống rượu, là có thể sai nó đến tác hại bất cứ anh nào không nghe mình.
Từ đó, Chí Phèo luôn say. "Hắn say thì hắn làm bất cứ cái gì người ta sai hắn làm" và trở thành "con quỹ dữ của làng Vũ Đại để tác oai tác quái cho bao nhiêu dân làng".
Cuộc đời hắn cứ thế trôi đi... Một đêm trăng rười rượi, trong một cơn say, Chí Phèo gặp Thị Nợ, người đàn bà xấu ma chê quỷ hờn bị mọi người hắt hủi. Họ ân ái với nhau.
Nửa đêm Chí Phèo đau bụng và nôn mửa. Sáng hôm sau, tỉnh dậy thì hắn bâng khuâng buồn. Tiếng chim hót, tiếng gõ mái chèo đuổi cá, tiếng nói chuyện của mấy người đi chợ về... làm hắn nhớ lại "có một thời hắn đã ước ao, có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải...".
Hắn thấm thía nhận ra tình cảnh trơ trọi khốn khổ của mình. Hắn cảm động vì đây là lần đầu tiên được chăm sóc bởi một tay đàn bà. Nhớ lại khi xưa, những lần cái bà quỷ quái gọi hắn lên bóp chân, "Hắn chỉ thấy nhục chứ yêu đương gì!". Hắn bỗng thấy "thèm lương thiện, muốn làm hòa với mọi người biết bao! Thị Nở sẽ mở đường cho hắn".
Nhưng khi Thị Nở về xin ý kiến của bà cô Thị, bà gào lên: "Ai lại đi lấy thằng Chí Phèo", "thằng chỉ có một nghề rạch mặt ăn vạ!". Bị từ chối, Chí Phèo lại uống rượu và ôm mặt khóc rưng rức, rồi như mọi lần, lại xách dao ra đi, vừa đi vừa chửi.
Cuối cùng, Chí Phèo đến nhà Bá Kiến, chỉ tay vào mặt lão: "Tao muốn làm người lương thiện (...) Ai cho tao lương thiện (...) Tao không thể làm người lương thiện nữa! (...) chỉ còn một cách..." và hắn rút dao đâm chết Bá Kiến, sau đó dùng dao đâm cổ tự sát (Ngữ văn lớp 11)
Bình luận