Ngày 2/7, ông Hoàng Văn Đức (trú đường Hàn Mặc Tử, phưỡng Vỹ Dạ, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế - Cán bộ Sở Y tế Thừa Thiên – Huế) cho biết, gia đình ông vừa phát hiện một chùm hoa trắng nhỏ li ti nghi là hoa Ưu Đàm 3.000 năm mới nỏ một lần.
Quan sát của PV VTC News cho thấy, chùm hoa mà ông Đức nói mọc theo dạng chùm với khoảng 38 nhánh hoa màu trắng nhỏ li ti và mọc tại cầu thang tầng 2 của gia đình ông Đức. Chùm hoa được em Hoàng Dương Thụy Anh (con trai ông Đức) phát hiện khi đang lau chùi nhà cửa.
Ông Đức chia sẻ: “Tôi rất bất ngờ khi lần đầu tiên nhìn thấy loài hoa lạ, thấy rất giống hoa Ưu đàm mà báo chí từng đưa.”.
Tìm hiểu của PV VTC News được biết, hoa Ưu Đàm còn gọi là ưu đàm bát la, ưu đàm ba la, ưu đàm bạt la, ưu đàm bà la... là phiên âm Hán-Việt của từ "udumbara" trong tiếng Phạn hay tiếng Pali, có nghĩa là “loài hoa linh thiêng mang điềm lành từ trời”, có truyền thuyết nói rằng "3.000 năm mới nở một lần".
Việc đề cập thời gian nở của hoa Ưu Đàm 3.000 năm một lần mang ý nghĩa biểu tượng hơn là nghĩa thực của nó.
Ông Đức cũng không phải trường hợp đầu tiên ở Huế phát hiện hoa Ưu đàm. Trước đó, gia đình anh Lê Tiến Dũng (trú phường Trường An, thành phố Huế) cũng bất ngờ phát hiện chùm hoa nhỏ trắng li ti mọc trên xe ô tô của gia đình anh.
Ngày 28/6, trong lúc đang làm công việc Tiếp sức mùa thi tại trường Đại học Khoa học Huế, bạn Nguyễn Công Sáng bất ngờ phát hiện và chụp lại chùm hoa lạ, nghi là loài hoa Ưu đàm mọc trên tăm chiếc xe máy mình, chùm hoa có 24 bông hoa màu trắng rất đẹp.
Dù loài hoa này xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây và đều được đồn là hoa Ưu Đàm nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa có cơ sở khoa học nào khẳng định loài hoa này chính xác là hoa Ưu đàm trong truyền thuyết.
Trong một lần trả lời báo chí GS.TSKH Trịnh Tam Kiệt, phòng Công nghệ và giống gốc nấm, Viện vi sinh vật và công nghệ sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, thực chất loài hoa mà người ta gọi tên là hoa Ưu đàm là sinh vật bậc thấp, chưa có cấu trúc mô. Có thể gọi tên đúng của “hoa” này là nấm nhầy bởi cơ thể là một khối nhầy.
Qua quan sát bằng kính hiển vi có độ phóng đại lên 400 lần, GS Kiệt càng khẳng định hơn giả thiết mình đưa ra. GS Kiệt miêu tả, theo mẫu hoa Ưu đàm mà ông có được thì đây là một thể nhầy trong suốt vắt ngang chiếc lá. Thân của thể nhầy này mới phát triển, chưa có hoa và cũng trong suốt như pha lê. GS Kiệt cho biết, nấm nhầy có thể nhận biết được dễ dàng vì cơ thể chúng là một khối nhầy, khi muốn sinh sản sẽ tạo ra các thể sinh sản mang bào tử.
GS Kiệt lý giải, sở dĩ người ta thường thần thánh hóa loài nấm này là vì sự xuất hiện của chúng cũng thực sự đặc biệt. Chúng thường xuất hiện trên các bức tượng phật bằng đồng, đá hoặc các thanh thép, lá cây… trong điều kiện môi trường tốt lành, điều kiện môi trường sinh thái tốt chúng sẽ xuất hiện chứ không phải là 3.000 năm mới nở một lần.
PGS.TS Nguyễn Thị Chính, Bộ môn Vi sinh, Khoa Sinh học (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, chưa thể khẳng định được loài này. Nếu cho rằng đây là loài nấm nhầy cũng chưa đủ cơ sở vì nấm nhầy không dễ xuất hiện cả trên đồng, sắt và trên lá cây giống như ảnh các báo chí đã nêu.
TS Chính cũng nghĩ nhiều đến nấm mốc, bởi với nấm mốc cũng có thể xuất hiện cả ở trong tủ lạnh. “Nếu cho đây là nấm nhầy thì cần phải nghiên cứu kỹ về môi trường sống. Cần hướng nhiều hơn đến sự biến đổi của môi trường”, TS Chính nói.
Video: Nhà sư ROBOT đầu tiên được sử dụng tại Trung Quốc
Bình luận