Theo The Guardian, dù có kích thước to lớn nhưng Blue Bastard khó bị phát hiện vì chúng thường sống ở các vùng biển xa xôi, khuất tầm nhìn và có đặc tính đổi màu khi trưởng thành.
Blue Bastard, cái tên dân dã của loài cá này được hình thành từ hai đặc điểm nó sở hữu là màu xanh và khó bắt. Tính đến năm 2015, Blue Bastard chính thức được khoa học nhận diện và trở thành thành viên mới nhất của gia đình cá môi dày.
Theo các nhà khoa học từ bảo tàng Queensland, Australia, hành vi hôn của loài cá này thực chất là hành động chiến đấu và thường xảy ra ở giống đực vì lí do lãnh thổ. Khi nhìn thấy con cá khác tiếp cận từ xa, Blue Bastard sẽ tiến thẳng đến đối thủ, khóa hàm và vật lộn cho đến khi một con chiến thắng.
Năm 2015, Jeff Johnson, nhà khoa học ở Queensland chính thức nhận dạng loài cá hung dữ này với cái tên Plectorhinchus caeruleonothus, trong đó, caeruleo nghĩa là màu xanh và nothus nghĩa là vô lại.
Trước đó, loài cá này chủ yếu được các ngư dân biết đến. Có nguồn gốc từ vùng biển xa xôi phía Bắc cùng với cá mập và cá sấu, Blue Bastard là một loài cá khó bắt. Phát hiện loài cá này là sự kiện thú vị với các nhà khoa học vì với 12 đốt sống lưng, nó hoàn toàn khác với những loài cá môi dày khác chỉ có 9-10 đốt sống.
Một con Blue Bastard trưởng thành có thể dài đến 1 m, trước khi có màu xanh, nó có màu vàng hoặc trắng sọc đen khi còn non.
Bình luận