Trong chuyến thám hiểm bằng tàu ngầm, các nhà sinh vật biển của Viện Nghiên cứu Thủy cung Vịnh Monterey (MBARI) đã bắt gặp một con cá cái, màu cam sáng, thuộc bộ cá dạng cá voi (cetomimiformes), đang bơi ở độ sâu khoảng 2.013m, ngoài khơi Vịnh Monterey, California, Mỹ. Đây là 1 trong 18 lần hiếm hoi các nhà khoa học của MBARI bắt gặp loài này trong suốt 34 năm thám hiểm dưới biển sâu.
Video: Cá màu cam có khả năng thay đổi hình dạng (Nguồn: MBARI)
“Loài cá này hiếm khi được nhìn thấy còn sống dưới đáy biển sâu, vì vậy vẫn còn nhiều điều bí ẩn liên quan đến loài cá này. Mỗi lần thám hiểm dưới biển sâu, chúng tôi lại khám phá ra nhiều điều bí ẩn hơn”, MBARI cho biết trên Twitter.
Có ít thông tin về cuộc sống của loài cá này trong hơn một thế kỷ kể từ khi chúng được 2 nhà khoa học của Viện Smithsonian phát hiện ra vào năm 1895. Điều làm cho loài sinh vật này trở nên khó nắm bắt nằm ở 3 hình dạng rất khác nhau mà chúng biến đổi trong vòng đời. Bởi vậy, các nhà nghiên cứu thường nhầm lẫn chúng với các loài động vật biển khác.
Cả cá đực (cá mũi to) và cá cái (cá dạng cá voi) thường được phát hiện ở độ sâu từ 1.500-2.000m dưới đáy đại dương, mặc dù một số báo cáo cho rằng chúng có thể lặn sâu hơn nữa đến độ sâu hơn 3.500m.
Theo Live Science, những biến đổi cơ thể kỳ lạ của bộ Cetomimiformes là chưa từng có ở động vật có xương sống. Trong nhiều thập kỷ, giới khoa học chưa biết đến trường hợp biến đổi cơ thể thành các hình dạng khác nhau trong cùng một họ động vật. Chỉ tới năm 2009, một nghiên cứu về gene mới cho phép các nhà khoa học lý giải rõ ràng về hiện tượng này.
Tuy nhiên, khám phá này chỉ được thực hiện ở một loài và tính chất khó nắm bắt của loài động vật sống dưới đáy biển đồng nghĩa với việc còn rất nhiều bí ẩn khác về họ hàng của loài cá này vẫn chưa thể khám phá hết.
Các nhà khoa học cũng có rất ít thông tin về thói quen của loài cá này, nhưng họ cho rằng chúng sinh sống ở độ sâu khoảng 600m dưới mặt biển để kiếm ăn bằng ánh sáng sao và sống ở độ sâu an toàn vào ban ngày.
Bình luận