Tại dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên xảy ra hiện tượng lạ: Một số doanh nghiệp tham gia xây dựng tại đây phải gắn biển hiệu, buộc công nhân mặc áo của đơn vị khác. Nguyên nhân của sự việc tự lột bỏ “màu cờ sắc áo” này là do nạn bán thầu chui...
Việc các nhà thầu chính không đủ năng lực thi công hoặc muốn “ngồi mát ăn bát vàng” tại các dự án giao thông trong đó có dự án đường Hồ Chí Minh được đồn đại từ lâu. Tuy nhiên, mới đây, khi một hợp đồng “ngầm” bị đổ bể, hiện tượng này mới lộ sáng.
4 km “bán cái” cho 2 nhà thầu
Sự việc xảy ra tại gói thầu số 9 trên đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên. Gói thầu này được Bộ GTVT chỉ định cho liên doanh Tổng Cty Sông Hồng (Bộ Xây dựng) và Cty Xây dựng & Thương mại Sài Gòn thực hiện. Đoạn tuyến vẫn được thi công trên hiện trường từ trước Tết Nguyên đán đến nay dưới danh nghĩa liên danh này làm nhà thầu.
Tiến độ dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đang bị ảnh hưởng bởi hiện tượng bán thầu chui (hiện trường gói 9). |
Tuy nhiên, vừa qua, Cty Đầu tư xây dựng Hạ tầng & khai thác mỏ Tân Việt Bắc (Cty Tân Việt Bắc, trụ sở tại Hà Nội) bất ngờ tự nhận mình là doanh nghiệp chính thi công gói thầu này.
Ông Nguyễn Việt Bắc, Tổng GĐ Cty này gửi đến Tiền Phong đơn tố cáo cùng các chứng cứ khẳng định đã chi 1,7 tỷ đồng cho lãnh đạo Cty Sông Hồng 36 (Cty con của Tổng Cty Sông Hồng) để được nhận 2 gói thầu (gói số 9 nêu trên và một gói thầu khác tại dự án QL 1A đoạn qua Khánh Hòa).
Tuy nhiên, khi đến hiện trường dự án QL 1A tại Khánh Hoà, Tân Việt Bắc mới biết Sông Hồng 36 không phải là tổng thầu; công ty mẹ (Tổng Cty Sông Hồng) chỉ là một thành viên trong liên doanh các nhà thầu. Thành thử, Tân Việt Bắc đành ngậm ngùi “kéo quân” lên Tây Nguyên thực hiện gói số 9 trên đường Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, khi lên đến huyện Krong Buk - Đắk Lắk (điểm thi công dự án), cán bộ của Tân Việt Bắc lại bất ngờ phát hiện ra Cty Xây dựng Thành Đô (ở Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk) cũng được Tổng Cty Sông Hồng ký hợp đồng cho thi công ở đây. Mọi việc bắt đầu vỡ lở: Một gói thầu không quá lớn (nâng cấp tuyến đường có chiều dài 4 km) được “bán cái” cho hai nhà thầu thi công.
Hơn nữa, sau nhiều tháng thi công, đại diện Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án (QLDA) Đường Hồ Chí Minh (Bộ GTVT) bắt đầu giải ngân, nhưng Tổng Cty Sông Hồng, cũng như Sông Hồng 36 không chuyển tiền cho thầu phụ. Mới đây, Tân Việt Bắc bị một số cán bộ tự xưng là cán bộ Tổng Cty Sông Hồng “mời” ra khỏi công trường.
Mời công an và đuổi hết thầu phụ
Trong một biên bản làm việc vào cuối năm 2013, bà Nguyễn Thị Thắng, Phó tổng GĐ Tổng Cty Sông Hồng đưa ra một yêu cầu rất cụ thể với Cty Thành Đô: Lô gô và trang phục phải thống nhất lấy tên Cty Sông Hồng. Việc này cũng xảy ra tương tự với Tân Việt Bắc: Tất cả công nhân phải mặc quần áo của Tổng Cty Sông Hồng; máy móc cũng phải dán lô gô Sông Hồng.
|
Ông Nguyễn Văn Huấn - Phó tổng GĐ Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết: Hiện đang phối hợp để giải quyết các nội dung tố cáo của nhà thầu chính và nhà thầu phụ. Tuy nhiên, trước mắt, ban đã “đuổi” tất cả các nhà thầu phụ ra khỏi công trường, yêu cầu Tổng Cty Sông Hồng trực tiếp thi công để đảm bảo tiến độ dự án. Nếu Tổng Cty Sông Hồng không đảm bảo, ban sẽ tiếp tục thay thế.
Ông Huấn cho biết, do đường Hồ Chí Minh là dự án cấp bách nên Thủ tướng cho phép chỉ định thầu. Việc lựa chọn nhà thầu cho gói 9 đã được thực hiện đúng theo quy định tuyển chọn của Bộ GTVT; một trong các điều kiện là nhà thầu phải có 10% kinh phí ứng trước để thi công. Các gói thầu sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ quy định không được phép bán thầu, không được sử dụng nhà thầu phụ nếu không được phê duyệt.
Ông Huấn thừa nhận, quy định là vậy nhưng các nhà thầu chính có nhiều cách để lách. Ngoài việc nhà thầu phụ đội lốt, “thay tên, đổi họ” như trên, nhà thầu chính vẫn lập văn phòng, cắt cử người làm việc trực tiếp để hợp thức hóa với Ban QLDA. “Từ ngày 1/4, có nghe dư luận về việc bán thầu, chúng tôi cũng mời công an vào điều tra; chứ chúng tôi không có nghiệp vụ” – ông Huấn nói.
Ông Trần Kiên, nguyên chỉ huy trưởng công trình của Tân Việt Bắc tại gói thầu trên cho rằng, hậu quả việc làm của Sông Hồng không chỉ gây ra thiệt hại kinh tế, vi phạm nguyên tắc chủ đầu tư mà còn chặn đường phát triển của các nhà thầu nhỏ.
Ông Kiên phân tích: Hiện nay, Bộ GTVT áp dụng biện pháp quản lý bằng việc xếp hạng các nhà thầu. Tân Việt Bắc tham gia gói thầu này cũng nhằm mục đích “đánh trống ghi tên” với Bộ, để được ghi trong “hồ sơ năng lực” của doanh nghiệp là đã từng tham gia xây dựng dự án đường Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, việc Sông Hồng buộc các nhà thầu con khoác “màu cờ sắc áo” của họ làm Tân Việt Bắc hết cơ hội.
Theo TPO
Bình luận