Sau phiên đấu giá thử nghiệm thành công, trong vòng 7 – 10 ngày, lô vàng đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước sẽ bán ra thị trường.
Ngày 3/3, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc đấu thầu bán vàng miếng cho ngân hàng, doanh nghiệp sẽ được Ngân hàng Nhà nước dự kiến thực hiện trong khoảng 7 - 10 ngày tới.
Trước đó, ngày 1/3, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức thử nghiệm thành công đấu thầu bán vàng miếng. Đến ngày 2/3, thị trường tài chính đón nhận thông tin Ngân hàng Nhà nước dự kiến chính thức đấu thầu bán vàng miếng vào ngày 5/3.
Theo nguyên tắc can thiệp thị trường của Ngân hàng Nhà nước khi tổ chức đấu thầu bán vàng ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải mua trên thị trường quốc tế và nhập về. Tuy vậy, theo Ngân hàng Nhà nước, trong lúc này chưa cần thiết phải nhập vì lượng vàng trong dự trữ ngoại hối quốc gia đủ để can thiệp thị trường.
Về số lượng đấu thầu, các chuyên gia cho rằng không lớn lắm vì cầu ngoài thị trường hiện không nhiều, không đến mức 30 tấn như một số báo đưa tin.
Cơ quan này cho biết, sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép, họ đã tổ chức thực hiện phương án tạm xuất vàng phi SJC, tái nhập vàng nguyên liệu tiêu chuẩn quốc tế để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi, đáp ứng nhu cầu chi trả vàng miếng SJC cho người dân tại các ngân hàng thương mại.
“Về bản chất, phương án tạm xuất, tái nhập là việc Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng đổi vàng miếng phi SJC thành vàng tiêu chuẩn quốc tế bằng cách xuất khẩu vàng miếng phi SJC và nhập khẩu nguyên liêu tiêu chuẩn quốc tế với khối lượng xuất khẩu bằng nhập khẩu. Toàn bộ chi phí thực hiện do các tổ chức tín dụng tự trang trải”, Ngân hàng Nhà nước giải thích.
Phương án trên giúp đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi, khắc phục điểm nghẽn kiểm định của SJC thời gian qua. Nếu không theo cách này, công ty SJC phải mất ít nhất 6 tháng mới có thể kiểm định xong để tiến hành chuyển đổi (do thực tế việc kiểm định thời gian qua cho thấy không phải tất cả vàng cần chuyển đổi đều đủ tiêu chuẩn chất lượng).
Tổng lượng cần chuyển đổi là hơn 9 tấn, từ tháng 2/2013 đến nay đã tạm xuất tái nhập khoảng 2 tấn, phần còn lại dự kiến xong trong tháng 3. Do tạm xuất trước (có ngay ngoại tệ) rồi mới tái nhập sau nên không tác động đến cầu ngoại tệ và gây biến động tỷ giá, cũng như loại trừ tình huống bán khống từ việc tạm nhập rồi mới tái xuất.
Một vấn đề được chú ý là, chênh lệch giá giữa hơn 9 tấn vàng phi SJC đó với vàng miếng SJC sau khi chuyển đổi rơi vào túi ai? Ngân hàng Nhà nước cho biết, phần lớn số vàng đó là của người dân gửi các ngân hàng trước đây. Cơ quan này đã kiểm tra thực tế lượng tồn quỹ này 2 lần trước khi cho thực hiện phương án chuyển đổi.
Trước đây, nhiều người dân gửi vàng miếng phi SJC cho ngân hàng, nhưng khi đáo hạn chỉ chịu nhận vàng miếng SJC. Do vậy lượng vàng miếng phi SJC nói trên nằm kho suốt thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đưa ra giải pháp chuyển đổi trên để tháo gỡ với điều kiện các ngân hàng không được thu thêm phí khi chi trả cho người gửi.
Theo Minh Linh/Vietnamnet
Bình luận