Anh buộc phải rút nhân viên tình báo khỏi một số nước sau khi xuất hiện thông tin Nga và Trung Quốc giải mật được hàng triệu tài liệu do cựu nhân viên NSA Edward Snowden tiết lộ hai năm về trước.
Hãng tin AFP hôm qua dẫn nguồn từ Bộ Ngoại giao Anh cho biết không thể xác nhận hoặc bác bỏ thông tin trên, trong khi Chính phủ Anh thẳng thừng nói họ "không bình luận về các vấn đề tình báo”.
Trụ sở cơ quan tình báo Anh |
Trước đó, Sunday Times và hãng tin BBC dẫn lời một quan chức giấu tên trong Chính phủ Anh cho biết Bắc Kinh và Matxcơva giải mã được thông tin cho biết cách thức hoạt động của một số nhân viên tình báo Anh, dẫn đến khả năng những điệp viên này bị lộ là rất lớn.
Song quan chức trên khẳng định đến nay 'chưa có bằng chứng cho thấy bất kỳ nhân viên tình báo nào của Anh bị tổn hại'.
Tình báo phương Tây
bị ảnh hưởng?
Nguồn tin từ Chính phủ Anh cho biết số thông tin mà Nga và Trung Quốc đã giải mã khiến ngành tình báo nước này không thể thu thập thêm 'các thông tin tình báo quan trọng và hữu ích'.
Truyền thông Anh cho rằng vấn đề nước Anh đang đối mặt hiện nay là những hậu quả trực tiếp sau khi các nhân viên tình báo bị rút khỏi những nước trên.
Thêm vào đó là những thiệt hại trước mắt liên quan đến an ninh khi số nhân viên tình báo này không còn được làm việc ở các quốc gia mà họ đã quen đường đi nước bước.
Đó là bởi những tài liệu được giải mã này chứa nhiều chi tiết bí mật về thông tin cũng như kỹ thuật tình báo có thể cho phép nhận dạng các nhân viên tình báo Anh và Mỹ.
Từ lâu, giới chức tình báo Anh cảnh báo những mối nguy hiểm và ảnh hưởng tiềm tàng liên quan đến việc giữ an toàn cho người Anh một khi Snowden tiết lộ thông tin.
Chính đương kim Thủ tướng Anh David Cameron từng khẳng định ông chia sẻ những mối quan ngại này. Song khi London còn loay hoay giải quyết vấn đề thì “mối nguy tiềm tàng đang trở thành sự thật”.
Tờ Sunday Times dẫn lời ông David Omand, cựu giám đốc Cơ quan tình báo Anh GCHQ, cho biết những thông tin mà Trung Quốc và Nga đang giải mã sẽ “gây hại” đến Anh, Mỹ và các đồng minh NATO.
Cựu nhân viên của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) Snowden hiện đang sống ở Nga sau khi rời Mỹ vào năm 2013. Snowden gây sốc cho chính quyền nước Mỹ và nhiều nước khác sau khi tiết lộ với báo Guardian rằng NSA đã nghe lén hàng chục triệu điện thoại của người dân Mỹ.
Người ta tin Snowden đã tải khoảng 1,7 triệu tài liệu bí mật trong thời gian làm ở Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) và NSA. Washington đã cáo buộc Snowden là “kẻ phản bội” khi ôm những bí mật này rời khỏi đất nước hai năm trước.
Anh sẽ cải tổ
luật tình báo
Trong khi đó, luật sư chuyên về luật chống chủ nghĩa khủng bố của Anh David Anderson đã đệ trình hồ sơ 400 trang kêu gọi Chính phủ Anh xem xét lại luật tình báo của nước này.
Ông Anderson kêu gọi chính phủ ban hành những đạo luật mới phải có tính an toàn hơn, có những giới hạn về thời gian và cách thức các cơ quan tình báo thu thập dữ liệu cá nhân của công dân Anh, đồng thời phải tiếp cận nội dung thông tin hợp pháp hơn.
Chuyên gia độc lập này cũng đề xuất chính quyền Thủ tướng Cameron cần phải có sự quản lý tốt hơn và làm cho công chúng hiểu hơn về luật tình báo.
Báo Wall Street Journal dẫn lời luật sư Anderson chỉ trích cách tiếp cận tình báo của Chính phủ Anh, nhấn mạnh nhiều vấn đề hóc búa mà Thủ tướng Cameron phải thông qua khi ông xúc tiến kế hoạch công bố đạo luật tình báo mới của London.
Các đạo luật này đòi hỏi nhiều nước phương Tây phải có sự cân bằng khéo léo hơn trong việc theo dõi các hoạt động trực tuyến, đòi hỏi vừa phải điều tra khủng bố và các loại tội phạm khác vừa phải bảo vệ bí mật cá nhân cho công dân. 'Luật hiện nay không dân chủ, không cần thiết và khó hiểu', ông Anderson nói.
Video: Anh hùng tình báo bị CIA cưa chân
Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May cho biết chính phủ sẽ xem xét những khuyến nghị của luật sư David Anderson khi soạn thảo luật tình báo mới, dự kiến trình Quốc hội Anh trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 10-2015.
Trước đó, Thủ tướng Cameron hôm 11-5 cho biết ông sẽ ưu tiên nâng cấp luật tình báo của nước này nhằm theo kịp với sự thay đổi liên tục của chủ nghĩa khủng bố và các mối đe dọa khác trong thời đại công nghệ thông tin số.
Tuyên bố này được đưa ra ngay khi Washington tuyên bố hủy bỏ từng bước trong chương trình ghi âm điện thoại hàng loạt của NSA, tiến tới chấm dứt chương trình lưu dữ liệu điện thoại của hàng chục triệu người Mỹ.
Giới chức tình báo Anh từng bác bỏ việc thu thập và lưu trữ những thông tin mà cơ quan tình báo Anh có được “không phải là do thám hàng loạt” vì hầu hết dữ liệu này không bị săm soi hay sờ đến.
Họ khẳng định việc thu thập này là cần thiết để các cơ quan tình báo hoạt động thành công. Tuy nhiên, luật sư Anderson phản ứng rằng việc “thu thập thông tin cá nhân hàng loạt này cần phải hợp pháp và được xử lý minh bạch”.
Nguồn: Tuổi Trẻ
Bình luận