Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu đã có buổi làm việc khẩn với UBND xã Trà Vân và huyện Nam Trà My về công tác khắc phục hậu quả vụ lở núi. Khu vực xảy ra sự việc nằm ở nóc Ông Tuân (thôn 2) xa xôi, phải mất hơn 2 giờ đồng hồ chạy xe máy và đi bộ mới có thể tiếp cận..
Tại đây, 7 ngày trước đã xảy ra vụ lở núi kinh hoàng. Cả thôn với 121 hộ giờ đây chỉ còn ít bóng người. Vì sợ hãi, người dân đành bỏ nhà cửa đi tìm nơi khác để ở.
Khoảng 16h ngày 6/11, sau tiếng nổ lớn, nguyên quả núi phía sau nóc Ông Tuân đổ tràn xuống khu dân cư ở thôn 2. Vụ việc khiến 4 ngôi nhà đổ nát, 5 người chết và 9 người khác bị thương nặng.
Là một trong số ít người còn ở lại ở thôn 2, anh Đinh Văn Linh (SN 1989) buồn bã nói, sau trận sạt lở, dòng người bồng bế nhau băng rừng lội suối, đến 11h đêm mới tìm được khu trú chân.
Theo anh Linh, hầu hết vật dụng đã bị bỏ lại ở thôn nên người dân phải sống trong các lán trại với điều kiện rất thiếu thốn, khổ sở.
"Từ cái ăn đến cái mặc đều không đủ, không biết sống cảnh lán trại đến lúc nào”, ông Hồ Văn Phương (SN 1947, thôn 2) nói thêm. Ông cũng cho biết ở thôn 3 kế bên cũng có 23 hộ dân phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Trả lời PV, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Hồ Quang Bửu cho biết, đợt mưa lũ sau cơn bão số 12 khiến 7 người dân ở địa bàn bị thiệt mạng, 14 người bị thương. Điều nguy hiểm là mưa lũ khiến nhiều ngọn núi ở các xã vùng cao có nguy cở sạt lở, hàng trăm nóc nhà nằm trong diện phải di dời.
"Tại xã Trà Vân, khu vực thôn 2 và thôn 3 là nguy cấp nhất. UBND huyện đã có phương án bố trí nơi ở mới cho 165 hộ dân cả 2 thôn này ở khu vực nóc Khe Chữ", ông Bửu nói và cho biết theo phương án này, mỗi hộ dân sẽ được bố trí khoảng 200m2 để dựng nhà mới.
Video: Mưa lũ cuốn sập nhà, đứa con ngây thơ không biết người mẹ đã chết
Bình luận