“Từ 10/4, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ gặp lãnh đạo chính phủ và quân đội các nước để thảo luận về tầm quan trọng của mối quan hệ quốc phòng, củng cố cam kết của Mỹ trong việc răn đe và phòng thủ, chia sẻ gánh nặng và đảm bảo an ninh xuyên Đại Tây Dương", thông cáo của Lầu Năm Góc cho biết.
Theo kế hoạch, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ thăm Đức, Anh, trụ sở NATO ở Bỉ và quốc gia ở Trung Đông - Israel.
Tại Đức, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ gặp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer và Cố vấn Chính sách An ninh và Đối ngoại của Thủ tướng Đức - Jan Hecker. Ông Austin và các đối tác sẽ thảo luận về "đối phó với các nguy cơ từ các đối thủ chiến lược chung" và tình trạng của các quân Mỹ đóng tại Đức.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc sau đó sẽ tới Bỉ để gặp Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và thảo luận về “cách thức hành động của NATO nhằm giải quyết hành vi gây bất ổn của Nga, sự trỗi dậy của Trung Quốc, chủ nghĩa khủng bố và các thách thức toàn cầu như COVID-19 và biến đổi khí hậu”.
Trong chuyến thăm Anh, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ gặp Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace để thảo luận về các vấn đề quốc phòng mà hai bên cùng quan tâm.
Tại Trung Đông, ông Lloyd Austin sẽ thăm Israel. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin là quan chức cấp cao nhất của chính quyền Biden gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz. Hai bên dự kiến sẽ thảo luận về "các ưu tiên chung" và tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với Israel, đảm bảo để quốc gia Trung Đông này tiếp tục giữ lợi thế quân sự so với các nước khác trong khu vực.
Chuyến đi của người đứng đầu Lầu Năm Góc diễn ra trong bối cảnh mối quan ngại về các nguy cơ đe dọa của Nga ngày càng gia tăng. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden phải nâng cao cảnh giác trước lực lượng tại Đông Âu và Bắc Cực của Nga thời gian gần đây.
Gần đây, Matxcơva có động thái được xem là thách thức Washington và các đồng minh trên bộ, trên không và trên biển. Theo đó, Nga gia tăng khí tài ở miền Đông Ukraine, tiến hành các chuyến bay quân sự gần không phận Alaska và hoạt động tàu ngầm tại Bắc Cực.
Trong khi đó, đầu tuần này, các cuộc đàm phán đầu tiên để đưa Iran và Mỹ trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đã diễn ra. Đây được xem là những bước đi tích cực mà chính quyền Biden đã thực hiện như một phần trong nỗ lực quay trở lại thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ đơn phương rút khỏi dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Bình luận