Theo đó, trong dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) vừa được Chính phủ trình Quốc hội, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan (bao gồm cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Kho bạc Nhà nước; ngân hàng thương mại; cơ quan quản lý nhà, đất…) trong việc cung cấp thông tin về người nộp thuế.
Đặc biệt, ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp nội dung giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản của người nộp thuế trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan quản lý thuế.
Theo luật sư Trương Thanh Đức (Cty Luật Basico), quy định này đã có trong Luật quản lý thuế năm 2006 và có thông tư hướng dẫn thực hiện từ trước đến nay. Tuy nhiên, hiện nay, cơ quan quản lý sắp xếp lại các quy định.
“Khi thực hiện quy định này sẽ liên quan đến bảo đảm thông tin mật của khách hàng. Việc đảm bảo độ tin cậy, độ an toàn như thế nào? Nếu quy định không rõ ràng sẽ tạo ra kẽ hở, thực hiện nhanh hay chậm sẽ ảnh hưởng quyết định cung cấp thông tin. Ngoài ra, nếu cơ quan thuế được tra cứu tự động tìm kiếm thông tin sẽ không đảm bảo nguyên tắc, ngân hàng sẽ không kiểm soát được và sẽ không đảm bảo được bí mật của khách hàng”, ông Đức cho biết.
Theo ông Đức, để quy định phù hợp, cơ quan quản lý nhà nước cần phân loại, việc cung cấp số dư thuế nhằm chống gian lận thương mại hay tuân thủ pháp luật. Các văn bản pháp luật cũng cần làm rõ, việc cơ quan thuế yêu cầu cung cấp thông tin theo thẩm quyền như thế nào, yêu cầu bảo mật ra sao, chứ không thể yêu cầu ngân hàng cung cấp danh sách hàng nghìn khách hàng.
Trước đó, khi Bộ Tài chính đề nghị ngân hàng tham gia vào một số khâu trong phối hợp truy thu thuế đối với cá nhân có thu nhập lớn từ kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản trả lời về dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Quản lý thuế là chức năng của ngành thuế nên việc quy trách nhiệm cho ngân hàng thương mại (NHTM) là không phù hợp.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, việc quy định thêm trách nhiệm phối hợp trong quản lý thuế là không phù hợp với chức năng và các mục tiêu của NHNN. Qua rà soát kinh nghiệm quốc tế, NHNN chưa thấy có quốc gia nào có quy định tương tự đối với ngân hàng trung ương.
Văn bản của NHNN nêu rõ: Việc phối hợp thu thuế, thu khác thuộc ngân sách nhà nước dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa NHTM và cơ quan thuế. Trong quan hệ phối hợp thu này thì NHTM là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ liên quan tài khoản của cá nhân, tổ chức có nghĩa vụ nộp thuế. Theo đó, trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý thuế, xử lý, đối soát dữ liệu, truyền nhận thông tin, hỗ trợ người nộp thuế… quy định tại khoản này phải do NHTM và cơ quan thuế thỏa thuận.
Về việc ngành Thuế đề xuất NHTM tự động khấu trừ tiền trên tài khoản của khách hàng để nộp thuế mà không được sự đồng ý của khách hàng, NHNN cho biết, nếu làm điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp về tài sản của tổ chức, cá nhân được Hiến pháp, pháp luật ghi nhận và không phù hợp với trách nhiệm bảo vệ quyền lợi khách hàng.
Trao đổi với PV, một đại diện NHNN lý giải thêm: Trên thực tế, NHTM chỉ là doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thanh toán chứ không phải đơn vị trả tiền nên họ không có quyền khấu trừ. “Ngân hàng cũng không thể làm nhiệm vụ thay ngành Thuế. Muốn làm từ gốc, ngành Thuế phải làm việc trực tiếp với đơn vị chi trả chứ không phải qua cơ quan trung gian”, vị này nhấn mạnh.
Cũng trong văn bản trả lời Bộ Tài chính, NHNN lưu ý: Pháp luật hiện hành quy định, NHTM chỉ được cung cấp thông tin theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan Nhà nước trong quá trình thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án...
“Việc định kỳ cung cấp thông tin tài khoản, cung cấp thông tin của người nộp thuế quy định tại khoản này có phạm vi quá rộng và có thể dẫn tới việc lạm dụng quy định trong quá trình thực thi, đồng thời không phù hợp với yêu cầu về bảo mật thông tin quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 14, Luật Các tổ chức tín dụng.”, NHNN nêu rõ.
Cũng vì thế, NHNN khẳng định: Lượng thông tin tài khoản của người nộp thuế mở tại ngân hàng là rất lớn, do đó việc yêu cầu cung cấp thông tin định kỳ cho các cơ quan quản lý thuế sẽ gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng và khó thực hiện trên thực tế. Ngoài ra, về nguyên tắc, việc cung cấp thông tin chỉ nên áp dụng đối với các tài khoản liên quan giao dịch về thuế và người nộp thuế có thái độ trốn tránh, chây ỳ thực hiện nghĩa vụ thuế.
“Việc định kỳ cung cấp thông tin tài khoản, thông tin người nộp thuế có phạm vi quá rộng có thể dẫn tới việc lạm dụng quy định này trong quá trình thực thi”- Ngân hàng Nhà nước khẳng định tại văn bản trả lời Bộ Tài chính.
Chiều 15/11, thảo luận về Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) bày tỏ sự lo ngại trước quy định, NHTM có trách nhiệm cung cấp số dư tài khoản của khách hàng theo yêu cầu của cơ quan thuế.
Theo bà Trang, quy định như trên là chưa phù hợp vì yêu cầu đảm bảo bí mật thông tin khách hàng là nguyên tắc của ngân hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.
Bình luận