• Zalo

Lo ngại 'biểu tình quy mô chưa từng có', Pháp điều động hàng nghìn cảnh sát

Thế giớiThứ Bảy, 21/09/2019 15:16:00 +07:00Google News

Khoảng 7.500 cảnh sát được triển khai trên các con phố trung tâm Paris chiều 21/9 vì lo ngại cuộc biểu tình chống biến đổi khí hậu của phong trào Áo Vàng.

Cảnh sát Pháp trước đó theo dõi các bài đăng trên các phương tiện xã hội của các nhóm mà chính quyền liệt vào danh sách "gây rắc rối" và nhận thấy rằng nhiều người kêu gọi chuẩn bị cho một ngày đặc biệt bạo lực vào 21/9. 

"Một buổi tối đầy chướng ngại vật", "một cuộc biểu tình lịch sử" là những lời kêu gọi khiến giới chức Paris lo ngại một cuộc biểu tình với quy mô có thể còn lớn hơn các tháng trước. 

"Ngày mại sẽ có người tìm cách trả thù", người đứng đầu Sở cảnh sát Paris Didier Lallement nói, nhắc tới các nhóm cực tả từng biểu tình phản đối chủ nghĩa tư bản tại thành phố Bayonne, gần nơi diễn ra hội nghị G-7. 

canh sat phap

Pháp huy động hàng nghìn cảnh sát vì lo ngại biểu tình quy mô lớn. (Ảnh: AP) 

Cảnh sát chống bạo động Pháp khi đó phải sử dụng tới vòi rồng và hơi cay để trấn áp. 

Jerome Rodrigues, một thủ lĩnh phong trào áo vàng tại Pháp mới đây khẳng định cuộc biểu tình ngày thứ 7 sẽ là chưa từng có và rất nhiều người sẽ có mặt tại Paris.

Theo The Local, 2 sự kiện chính được lên kế hoạch ở quận Denfert-Rochereau và quận 14 của Paris. Ngoài ra còn có một cuộc tuần hành với điểm kết thúc ở khu Bercy. 

Một đơn vị chữa cháy đã được huy động di chuyển vòng quanh thành phố để sẵn sàng dập lửa ở các khu vực mà các đối tượng quá khích đốt cháy. 

Gần 8.000 thành viên của cơ quan thực thi pháp luật sẽ được chia thành 65 đơn vị, tập trung chủ yếu ở các điểm trung tâm. 

"Chúng ta sẽ huy động một lực lượng lớn nhưng không may là chúng tôi không thể bao quát tất cả các vùng. Đó là lý do vì sao một di tích phải chăng dây bảo vệ", Philippe Capon, Tổng thư ký của Liên minh cảnh sát UNSA cho hay. 

Phong trào "Áo vàng" bắt đầu với các cuộc biểu tình vào thứ 7 ngày 17/11/2018 xuất phát từ việc phản đối tăng giá nhiên liệu, chi phí sinh hoạt cao, sau đó biến thành phong trào đòi Tổng thống Macron từ chức. Phong trào này sau đó còn lan sang các nước láng giềng như Italy, Bỉ, Hà Lan.

Ở thời điểm đỉnh điểm, phong trào này thu hút tới 300.000 người xuống đường biểu tình. Tuy nhiên, trong vài tháng gần đây, số lượng người biểu tình đã giảm dần. Các cuộc biểu tình diễn ra ở quy mô nhỏ, lẻ tẻ và không rầm rộ như trước. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn