• Zalo

Lỗ khủng, lương thấp, sếp lớn vẫn quyết không rời PVA

Kinh tếThứ Ba, 09/08/2016 07:26:00 +07:00Google News

Khiến công ty thua lỗ nặng nề như ông Trịnh Xuân Thanh và nhận mức lương bèo bọt nhưng ông Phan Hải Triều vẫn quyết không rời ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị của PVA.

Bị xem là tội đồ khi khiến Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam lỗ hàng ngàn tỷ đồng, ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty này đang phải từng bước chịu trách nhiệm. Thế nhưng, cùng với ông Trịnh Xuân Thanh, nhiều sếp lớn ngành dầu khí đã khiến công ty thua lỗ nặng nề vẫn khá “an toàn”.

PVA thua lỗ triền miên

Công ty Cổ phần Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An (PVA) là ví dụ điển hình cho việc thua lỗ triền miên. Giống như nhiều công ty dầu khí khác, PVA có chuỗi 5 năm liên tiếp thua lỗ. Tổng số lỗ của công ty trong khoảng thời gian này lên tới 414 tỷ đồng. Trong đó, 2012 là năm tồi tệ nhất khi lợi nhuận sau thuế của công ty âm tới 174 tỷ đồng.

Sang quý 2/2016, công ty lại tiếp tục điệp khúc thua lỗ. Tuy nhiên, may mắn hơn, khoản lỗ này được hạn chế “chỉ còn” 3,8 tỷ đồng.

phan-hai-trieu

Ông Phan Hải Triều, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVA

Xét theo quý, chào năm 2016, tình hình tại PVA có vẻ bớt căng thẳng hơn khi công ty đạt lợi nhuận gần 480 triệu đồng trong quý 1/2016. Tuy nhiên, sang quý 2, PVA lại trở về xu hướng quen thuộc, đó là lợi nhuận âm. Trong quý 2/2016, PVA thua lỗ 3,8 tỷ đồng,

Tính tới thời điểm cuối quý 2/2016, lợi nhuận chưa phân phối của công ty là âm 254 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số 250 tỷ đồng hồi cuối năm 2015. Đi cùng với lợi nhuận âm là vốn chủ sở hữu âm 3,7 tỷ đồng. Con số này cuối năm 2015 “chỉ” là 431 triệu đồng.

Trong quý 2/2016, PVA gây sốc khi doanh thu giảm rất mạnh. Chỉ tiêu doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty chỉ đạt 512 triệu đồng, giảm 53,1 tỷ đồng, tương ứng 99% so với cùng kỳ năm ngoái, lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 512 triệu đồng. Các số liệu này cho thấy công ty không phát sinh doanh thu trong quý 1/2016.

Với việc thua lỗ nặng, kéo dài trong thời gian dài, PVA bị nhà đầu quay lưng, cổ phiếu PVA phải giao dịch ở upCom với mức giá siêu thấp, chỉ 500 đồng/CP. Giá PVA quá thấp khiến vốn hóa thị trường Tổng công ty xây lắp Dầu khí Nghệ An chỉ là 11 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn thực của công ty lên tới gần 211 tỷ đồng.

Thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu nên công ty rơi vào tình trạng trả lương rất thấp cho người lao động. Và dù trả lương rất thấp, PVA vẫn thường xuyên phải nợ lương, nợ Bảo hiểm xã hội.

Lãnh đạo vẫn “trụ hạng”

Mặc dù khiến công ty thua lỗ triền miên trong 5 năm liền. Thậm chí, sang tới quý gần đây nhất, quý 2/2016, tình hình PVA vẫn tiếp tục èo uột khi doanh thu sa sút nghiêm trọng. Thế nhưng lãnh đạo của công ty vẫn “trụ hạng” thành công.

Ông Phan Hải Triều, người trải qua nhiều thăng trầm với PVA trong suốt thời gian qua đã nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị PVA từ khá lâu. Dù sở hữu tấm bằng Kỹ sư Xây dựng và Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh quốc tế nhưng ông Triều chưa thể giúp PVA ra khỏi khó khăn.

“Trụ hạng” khá lâu bấp chấp PVA thua lỗ nên ông Triều không hưởng lợi nhiều từ PVA (ít nhất từ các dữ liệu được công bố chính thức”. Theo báo cáo thường niên 2015, ở chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Triều chỉ nhận mức lương 15 triệu đồng/tháng. Có lẽ đây là mức lương hợp lý tại công ty mà thu nhập bình quân của người lao động chỉ là 3,7 triệu đồng/người/tháng.

Tại PVA, không chỉ ông Hải và nhân viên nhận mức lương bèo bọt, dàn lãnh đạo công ty cũng không có thu nhập cao. Thành viên Hội đồng quản trị chuyên trách chỉ nhận thù lao 8 triệu đồng/người/tháng, Lương của trưởng ban Kiểm soát chỉ là 10 triệu đồng/tháng.

Dù chấp nhận mức lương thấp để “chia sẻ” khó khăn cùng công ty nhưng vẫn có ý kiến cho rằng khi khiến công ty thua lỗ nặng nề trong thời gian dài, cần phải quy trách nhiệm cho từng cá nhân cụ thể. PVA cũng giải thích công ty thua lỗ một phần do cán bộ yếu kém nhưng ai yếu kém, yếu kém như thế nào lại không được chỉ rõ.

“Công tác tổ chức cán bộ nhìn chung chưa đạt yêu cầu nhất là chất lượng một số cán bộ chủ chốt chưa đáp ứng với yêu cầu và nhiệm vụ mới ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả sản xuất kinh doanh của đơn vị” – PVA chỉ giải thích chung chung trong báo cáo thường niên 2015.

Bảo Linh
Bình luận
vtcnews.vn