Trao đổi với phóng viên VTC News về sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam trong vụ việc 36 container hạt điều xuất sang Italia nguy cơ bị lừa đảo, ông Nguyễn Đức Thanh - Tham tán thương mại Việt Nam, Thương vụ Đại sứ quán (ĐSQ) nói, đến chiều ngày 17/3, cảnh sát kinh tế Italia đã ra quyết định tạm giữ 16 container của doanh nghiệp Việt Nam không giao hàng cho bất cứ cá nhân hay tổ chức nào kể cả có bộ chứng từ gốc.
Trong 36 container hạt điều xuất sang Italia thì có 8 đã cập cảng Genoa, vài container đang ở cảng Singapore và còn hơn 20 container đang trên đường đến Italia trong tháng 3 này.
Với can thiệp của Thương vụ ĐSQ và đại diện của hai công ty Việt Nam, hãng tàu COSCO đã đồng ý dừng ngay việc giao lô hàng cho người mua trong nhóm nghi vấn là lừa đảo, mặc dù họ đã có chứng từ gốc, đã nộp phí cảng và đang đòi lấy container ra khỏi cảng.
Như vậy cho đến nay chỉ còn khoảng 20 container bị mất kiểm soát với bộ chứng từ. Trị giá mỗi container khoảng 200 ngàn USD, tổng cộng khoảng 4 triệu USD, tương đương khoảng 86 tỷ đồng. Như vậy nguy cơ thiệt hại đối với doanh nghiệp Việt Nam đã được giảm thiểu.
Cũng theo ông Thanh, Thương vụ ĐSQ đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong vụ việc nhằm giải quyết số container hạt điều đang mắc lại Italia, bởi chí phí để vận chuyển lô hàng này trở lại Việt Nam là rất lớn.
“Tôi nghĩa rằng việc tìm kiếm khách hàng mua lại lô hạt điều đang mắc lại không gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi đã liên hệ với nhiều hệ thống siêu thị tại Italia, với những nhà máy sản xuất và chế biến hạt điều”, ông Thanh cho biết.
Theo Tham tán thương mại Việt Nam, bản thân các doanh nghiệp chế biến điều trong nước cũng có mối hàng quen trong châu Âu, họ có thể bán ở Italia hoặc các nước lân cận trong châu Âu. Tuy nhiên, để bán lại được hàng, điều quan trọng nhất bây giờ là doanh nghiệp Việt Nam cần dành được quyền sở hữu hàng hóa.
Người mua đã lộ diện là kẻ lừa đảo, chiếm đoạt bộ chứng từ gốc một cách bất hợp pháp và chưa thanh toán cho doanh nghiệp Việt Nam
Ông Nguyễn Đức Thanh - Tham tán thương mại Việt Nam tại Italia
Qua vụ việc lần này Tham tán thương vụ Việt Nam tại Italia một lần cảnh báo các doanh nghiệp trong nước về lừa đảo thương mại khi làm ăn với các đối tác không chỉ ở Italia mà ở tất cả các quốc gia trên thế giới.
“Từ trước tới nay, hàng năm Thương vụ vẫn phải giải quyết vài vụ việc lừa đảo với nhiều hình thức khác nhau như, công ty Việt Nam trả tiền hàng rồi nhưng đối tác phía Italia không giao hàng, hoặc công ty Italia đặt cọc rồi nhưng lấy hàng và không thanh toán số tiền còn lại hoặc lừa lấy bộ chứng từ gốc”, ông Thanh cho biết thêm.
Ông Thanh cũng nói rằng các vụ việc trước đây chỉ dừng lại ở vài container nhưng lần này lến đến cả vài chục container, giá trị lô hàng rất lớn và diễn ra cùng một lúc.
Theo ông Thanh bên được cho là khách hàng mua lô hạt điều của Việt Nam thậm chí đã thuê luật sư và có hành vi dọa dẫm đại diện của các doanh nghiệp Việt Nam, gây áp lực với hãng tàu và tòa án Italia để đòi trả hàng.
Đến nay, hãng tàu COSCO đã nhận được một bộ chứng từ gốc của một container và xác nhận đó là bộ chứng từ gốc thật, không phải giả.
Thương vụ ĐSQ cho rằng đây là chứng cứ đầu tiên và quan trọng để các cơ quan điều tra tố tụng của Việt Nam và Italia khởi động nhanh quy trình điều tra vụ việc lừa đảo hàng loạt, giá trị lớn của nhóm người nước ngoài đối với doanh nghiệp Việt Nam.
“Người mua đã lộ diện là kẻ lừa đảo, đã chiếm đoạt bộ chứng từ gốc một cách bất hợp pháp và chưa thanh toán hợp đồng cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Thanh nhấn mạnh.
Tại nhiều hội thảo hợp tác hoặc diễn đàn thương mại trước đây Thương vụ Việt Nam luôn lưu ý doanh nghiệp trong nước cần thận trọng trong các giao dịch thương mại quốc tế. Không chỉ tại Italy, mà tình trạng lừa đảo trong kinh tế diễn ra ở khắp các nước trên thế giới.
Bài học rút ra là các doanh nghiệp cần thận trọng trong các điều khoản của hợp đồng, nhất là điều khoản về thanh toán, cần xác minh doanh nghiệp để hiểu về đối tác của mình. Các doanh nghiệp nên liên hệ với Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại các nước để được hỗ trợ các vấn đề liên quan đến xuất nhập khẩu trước khi ký hợp đồng.
Nhiều vụ việc đã xảy ra rồi, doanh nghiệp Việt Nam mới liên hệ với Thương vụ để đi xác minh thông tin. Nhiều địa chỉ của doanh nghiệp chỉ là địa chỉ giả mạo, khi đến thực tế địa chỉ đó không có văn phòng công ty nào như phía Việt Nam đưa ra hoặc công ty rất nhỏ. Mà kể cả công ty có quy mô nhưng có thể họ gặp khó khăn kinh doanh nên vẫn gây thiệt hại cho doanh nghiệp Việt Nam.
Sắp tới nếu có điều kiện Thương vụ Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thêm nhiều hội thảo khóa học hướng dẫn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước về phòng chống chống lừa đảo thương mại.
Bình luận