(VTC News) – “Khi Hương Tràm thi The Voice, tôi giúp đỡ cô ấy, về mặt chuyên môn một ít và chủ yếu là tinh thần” – Sao mai Nguyễn Phương Thanh chia sẻ.
Nguyễn Phương Thanh, sinh năm 1988, là ca sĩ xứ Nghệ, hiện đang theo học năm thứ 3 – Học viện Âm nhạc Quốc gia.
Năm 2011, Nguyễn Phương Thanh đã tham gia cuộc thi Sao Mai năm 2011 theo phong cách dân gian. Với lối hết mộc mạc, ân tình, đậm chất thuần dân gian, cô gái xứ Nghệ đã lọt vào đêm Chung kết xếp hạng của cuộc thi uy tín bậc nhất này.
Cô không chỉ chinh phục được Ban giám khảo cuộc thi khi đoạt giải Nhì phong cách dân gian, cô còn ghi dấu ấn bởi ngoại hình sáng, giọng hát ngọt ngào đầy kĩ thuật, cô đã đoạt luôn giải “Thí sinh được yêu thích nhất” thông qua số lượng bình chọn tin nhắn trong đêm thi đó.
Bìa album Tìm về nỗi nhớ của Nguyễn Phương Thanh. |
Sau hơn một năm làm việc miệt mài, tìm tòi và trau dồi về chuyên môn, Nguyễn Phương Thanh tự tin cho ra mắt album “Tìm về nỗi nhớ”, đánh dấu cột mốc quan trọng trong sự nghiệp theo đuổi dòng nhạc dân gian của mình.
Trong suốt giai đoạn sau cuộc thi, Nguyễn Phương Thanh miệt mài trong phòng thu, nhiều khi cô phải bỏ bản hòa âm để thay mới, thu đi thu lại một ca khúc đến khi chính bản thân cô hài lòng mới thôi.
Album “Tìm về nỗi nhớ” cũng đánh dấu sự hợp tác của Nguyễn Phương Thanh với ca sĩ nhạc nhẹ Tiến Mạnh trong vai trò biên tập âm nhạc (Top 10 – Sao mai Điểm hẹn năm 2010).
Bên cạnh đó, NSƯT Tiến Dũng (vốn là 1 nghệ sĩ hát dân ca nổi tiếng của xứ Nghệ, bố của ca sĩ Tiến Mạnh và ca sĩ Hương Tràm, một hiện tượng gần đây của chương trình The Voice of Vietnam) cũng chỉ dẫn cho Phương Thanh trong cách xử lí các ca khúc, đặc biệt là 2 ca khúc của NSƯT sáng tác là “Hết giận rồi thương” và “Cảm xúc từ câu Hò điệu Ví”.
Album “Tìm về nỗi nhớ” có nhiều ca khúc cũ như “Câu đợi câu chờ” (Ngọc Thịnh); “Thương về xứ Nghệ” (Nguyễn Tất Tùng); “Ơi con sông Ngàn Phố” (Trần Hoàn)…, và ca khúc mới nhất là “Con sông tuổi thơ tôi” cũng là ca khúc nhạc sĩ Tuấn Phương dành cho giọng ca đầy cảm xúc của Nguyễn Phương Thanh.
- Hơn một năm sau khi rời sân chơi Sao mai, chị mới cho ra album đầu tay, sao chị không chớp cơ hội còn nóng hổi sau giải thưởng nhỉ?
Điều tôi luôn trăn trở là sản phẩm của mình đưa tới công chúng phải được trau truốt, hài lòng về chất lượng nghệ thuật nhất. Không phải là sản phẩm đầu tiên mà tất cả các sản phẩm sau này, tôi cũng sẽ làm trên nguyên tắc thận trọng như vậy.
Tôi không phải là người vội vã để đưa ra những sản phẩm, chỉ để lấy thời điểm, độ nóng của các cuộc thi nhưng chất lượng thì đến ngay cả bản thân mình cũng áy náy.
- Ở album đầu tay, giống như nhiều ca sĩ khác thuộc dòng dân gian, chị chọn nhiều ca khúc cũ để làm album thay vì đặt hàng những ca khúc mới. Xin hỏi, lý do vì sao?
Đúng là tôi có một phần nghi ngại vì công chúng của dòng nhạc này thích nghe những ca khúc quen thuộc, đi vào đời sống và tâm hồn của họ. Vì thế, là người nghệ sỹ, tôi phải đáp lại sự yêu mến của khán giả bằng những điều như thế.
Tuy nhiên, trong album cũng có một vài ca khúc mới hoặc ít người thể hiện trước đó. Tôi mong đem đến một chút gì đó mới mẻ trong nhu cầu thưởng thức của khán giả.
Mặt khác, anh cũng biết đấy, để có một ca khúc thuộc dòng dân gian hay không phải là chuyện dễ trong thời điểm hiện tại bời vì có rất ít nhạc sỹ sáng tác dòng này, đặc biệt là nhạc sỹ trẻ.
- Cũng hỏi về sự giống nhau giữa các ca sĩ thuộc dòng dân gian, các album đầu tay của các nghệ sỹ rất giống nhau ở chỗ là mang tính vùng miền rất đặc trưng. Thành Lê hát dân ca xứ nghệ, Nguyệt Anh hát dân ca Bắc Ninh. Và giờ đến chị tiếp tục là dân ca miền Trung?
Với album đầu tay, tôi muốn dành tặng cho quê hương, nơi mình sinh ra và lớn lên. Tôi vẫn mong muốn sau này, tôi có thể chiêu đãi khán giả dân ca của tất cả các vùng miền. Mong là lúc ấy tôi cũng được đón nhận như hát dân ca quê mình vậy.
- Chị có nghĩ đến một lúc nào đó sẽ thử nghiệm nhiều hơn trong âm nhạc của mình?
Có chứ, đó là mong muốn không chỉ riêng tôi. Tôi cũng đã suy nghĩ đến chuyện đó rồi. Có thể là sự kết hợp giữa âm nhạc dân gian và nhạc trẻ. Ví dụ, tôi và Hương Tràm (The Voice) sẽ hát chung chẳng hạn. Bình thường đi diễn thì tôi là ca sĩ thuần dân gian nhưng thực ra tôi cũng thích nghe nhạc trẻ và nhạc quốc tế lắm.
- Chứ không phải chuyển mình hát world music sao?
Tôi nghĩ, hát cái gì cũng phải hợp với mình và có thể đem lại cảm hứng cho khán giả. Tôi sẽ chú trọng vào những việc mình có thể làm tốt chứ không dàn trải ra quá nhiều.
- Chị vừa nhắc đến Hương Tràm (The Voice), mối quan hệ của hai người thế nào?
Chúng tôi chơi với nhau từ lâu. Trước tôi là học trò của bố Tràm, một nghệ sỹ hát dân ca nổi tiếng xứ nghệ. Từ đó, chúng tôi thân thiết và chia sẻ với nhau nhiều.
Hồi tôi thi Sao mai cũng nhận sự giúp đỡ của NSƯT Tiến Dũng và khi Tràm thi The Voice thì tôi lại giúp đỡ cô ấy, về mặt chuyên môn một ít và chủ yếu là tinh thần.
- The Voice là một cuộc thi rất tạo được hiệu ứng truyền thông. Chị có thấy, những nghệ sỹ như chị rất thiệt thòi không?
Mỗi dòng nhạc có một đặc thù. Thực ra, tôi vẫn theo dõi những cuộc thi The Voice và cũng nhận thấy sự quan tâm của báo giới và công chúng dành cho nó quá lớn. Thực ra, như thế nhìn vào thì cũng thấy ghen tỵ lắm. Tôi tiếc là dòng nhạc của mình không có một format nào hay và được đầu tư cẩn thận như vậy.
Nhưng nói đi thì phải nói lại, chúng tôi lại là những người có khán giả trung thành, yêu mến một cách thầm lặng và được giới chuyên môn đánh giá cao. Tôi nghĩ, cái gì cũng đều có thước đo giá trị của nó.
- Nhìn Phương Thanh bây giờ chẳng ai bảo là “gái quê”, trông chị như hotgirl vậy?
Phụ nữ ai chả thích làm đẹp, mình lại là ca sĩ càng không thể ăn mặc úi xùi khi ra đường được. Hình thức không nói lên được tính cách con người. Trong con mắt của gia đình, người thân, bạn bè, tôi vẫn là Phương Thanh của làng quê mà thôi.
- Trong chương trình “Hoa hậu Bò” gần đây, chị cùng các ca sĩ như Uyên Linh, Lê Anh Dũng… được khán giả ôm hôn ngay trên sân khấu… Chị thấy sao?
Ôi, có thể nhạc trẻ thì không sao chứ tôi thì không quen, nói thật là ngượng chết đi được. Đỏ hết cả mặt luôn. Nhưng mà tôi thấy vui lắm bởi vì được yêu nến đến như vậy mà.
- Về mặt hình ảnh, chị có nghĩ nhất thiết, dân ca là phải áo dài và tỏ ra mình quê quê một chút?
Hình hài thì có ai được phép chọn, chỉ có cách làm cho mình phù hợp với nơi và bài hát mình sẽ biểu diễn thôi chứ. Gỉa dụ mà có chân dài, “hotgirl” đi hát dân ca thì cũng đã làm sao, miễn sao họ có tài và họ hiểu và biết hát dân ca. Phía tôi, thì tôi nghĩ, ngoại hình của tôi hợp với dân ca.
Xin cảm ơn chị!
Trần Lê (Thực hiện)
Bình luận