• Zalo

Lo bị cắt 'cần câu cơm', dân khu phố đi bộ gần trăm tỷ ở Huế cầu cứu

Tin nhanh 24hThứ Sáu, 24/03/2023 17:31:57 +07:00Google News
(VTC News) -

Lo lệnh cấm xe khách trên 30 chỗ ngồi và xe tải trên 5 tấn sẽ làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh, buôn bán nên nhiều hộ dân phố đi bộ Hai Bà Trưng làm đơn cầu cứu.

Sáng 24/3, trả lời PV VTC News, ông Trần Song - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) xác nhận thông tin, đơn vị có nhận được đơn thư của một số người dân kiến nghị việc cho xe ô tô khách 50 chỗ ngồi và xe tải từ 5 tấn được lưu thông và giao nhận hàng hoá tại đường Hai Bà Trưng (phường Vĩnh Ninh - tuyến đường mới được đầu tư thành phố đi bộ và chuẩn bị khai trương vào ngày 26/3).

Theo đơn thư của người dân sống ở đường Hai Bà Trưng thì, ngày 10/3, ông Trần Song - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Huế và UBND phường Vĩnh Ninh có triệu tập cuộc họp đối thoại với các hộ dân đang sinh sống và kinh doanh trên tuyến đường Hai Bà Trưng. Sau khi nghe chủ trương của lãnh đạo thành phố và UBND phường Vĩnh Ninh thì các hộ dân sinh sống và kinh doanh tại tuyến đường Hai Bà Trưng tham gia nhiều ý kiến và đặc biệt là đề nghị cho phép các phương tiện giao thông được hoạt động tại tuyến đường này như trước kia và được chính quyền đồng ý. 

Lo bị cắt 'cần câu cơm', dân khu phố đi bộ gần trăm tỷ ở Huế cầu cứu - 1

Tại buổi đối thoại với dân, lãnh đạo TP Huế từng đồng ý chủ trường cho phép các loại phương tiện lưu thông như bình thường tại đường Hai Bà Trưng sau khi tuyến phố này được đầu tư làm phố đi bộ nhưng sau đó lại cắm biển cấm xe khách 30 chỗ và xe tải 5 tấn trở lên.

Tuy nhiên, từ ngày 19/3, cơ quan chức năng lại dựng biển cấm xe khách và xe tải lưu thông trên tuyến này và ngày 20/3, UBND TP Huế ban hành văn bản về phương án tổ chức giao thông đường Hai Bà Trưng khiến công việc của người dân và các cơ sở kinh doanh dịch vụ dọc tuyến đường đối mặt với nhiều chi phí phát sinh và bất cập, nhất là họ vừa trải qua khó khăn do dịch COVID-19. 

Đại diện Khách sạn Thanh Lịch Huế (đóng trên đường Hai Bà Trưng) cho rằng, đơn vị đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi thành phố ban hành văn bản về phương án tổ chức giao thông trên tuyến đường Hai Bà Trưng. Đặc biệt, khách sạn có nguồn khách tương đối đông, trong đó chủ yếu là khách đoàn thông qua các đơn vị lữ hành nên đa số đều sử dụng phương tiện xe từ 30-45 chỗ. Nhưng từ ngày 20/3, thành phố cấm xe khách trên 30 chỗ gây áp lực lớn cho việc kinh doanh của khách sạn.

Lo bị cắt 'cần câu cơm', dân khu phố đi bộ gần trăm tỷ ở Huế cầu cứu - 2

Đường Hai Bà Trưng là tuyến phố đầu tiên của TP Huế được lát 100% bằng đá để làm phố đi bộ.

Nhiều cơ sở kinh doanh khách sạn, gạo, trái cây, thực phẩm trên tuyến đường này cũng lo lắng vì lâu nay, đa số các xe vận chuyển hàng hóa đều có tải trọng trên 5 tấn. Nay thành phố cấm nên các phương tiện không thể vào, trong khi thuê xe dưới 5 tấn để vận chuyển vào cửa hàng sẽ khá tốn kém và mất thời gian. Việc cấm xe kể trên được người dân ví von như "cây kéo cắt đứt cần câu cơm" của cọ

Liên quan đến vấn đề này, trả lời PV VTC News, ông Trần Song - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đường Hai Bà Trưng đoạn từ đường Ngô Quyền đến đường Nguyễn Huệ là tuyến đường đô thị đầu tiên tại TP Huế được thiết kế và thi công lát đá toàn bộ mặt đường và vỉa hè, trong khi tuyến đường có lưu lượng xe cộ lưu thông đông nên cần có thời gian thử nghiệm về mặt áp dụng kỹ thuật và vật liệu mới qua việc lát đá mặt đường, chứ không phải bằng bê tông nhựa như truyền thống.

"Do đây là kỹ thuật mới chưa được khẳng định, cộng việc rút kinh nghiệm từ sự cố đá lát vỉa hè bị vỡ ở TP Hà Nội nên UBND TP Huế triển khai cấm ô tô 50 chỗ ngồi và xe tải trên 5 tấn để thử nghiệm về mặt kỹ thuật và đánh giá tải trọng tuyến đường trong khoảng thời gian nhất định từ 1- 6 tháng. Sau thời gian thử nghiệm, thành phố sẽ tổ chức họp bàn, lấy ý kiến các ban ngành liên quan để lên phương án tổ chức giao thông phù hợp với tình hình thực tế", ông Trần Song nói.

Lo bị cắt 'cần câu cơm', dân khu phố đi bộ gần trăm tỷ ở Huế cầu cứu - 3

Khu phố Hai Bà Trưng là khu phố sầm uất với nhiều cơ sở kinh doanh nên việc cấm xe khách 30 chô và xe tải 5 tấn trở lên có thể ảnh hưởng đến doanh số kinh doanh của người dân.

Đối với các kiến nghị của các hộ dân và chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác trên tuyến đường Hai Bà Trưng, lãnh đạo UBND TP Huế đề nghị UBND phường Vĩnh Ninh phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất UBND TP Huế ban hành cơ chế đặc biệt. Các trường hợp khác còn lại phải nghiêm chỉnh chấp hành theo phương án tổ chức giao thông tuyến đường Hai Bà Trưng, đoạn giao nhau từ đường Phan Đình Phùng đến đường Ngô Quyền đã được UBND TP Huế phê duyệt.

"Có thể, sẽ giải quyết bằng việc cho những ô tô 50 chỗ ngồi và xe tải 5 tấn mà các chủ hộ và chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác trên đường Hai Bà Trưng đăng ký để cấp phù hiệu sẽ được lưu thông đón, trả khách và giao nhận hàng trên tuyến đường Hai Bà Trưng như trước đây. Hiện việc này đang được giao cho phường và các phòng chức năng nghiên cứu tham mưu cho UBND thành phố trước khi làm báo cáo, xin ý kiến của UBND tỉnh", Phó chủ tịch thường trực UBND TP Huế chia sẻ.

Dự án chỉnh trang đường Hai Bà Trưng, phường Vĩnh Ninh do UBND TP Huế phê duyệt được triển khai từ cuối năm 2022. Dự án do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng khu vực TP Huế làm chủ đầu tư, với tổng số vốn 97 tỷ đồng, độ dài tuyến phố đi bộ là 850m. Dự án này cũng mới dính vào "lùm xùm" khi đơn vị thi công trồng cây bàng Đài Loan đè lên cáp viễn thông và ở độ sâu hố không đảm bảo. 

NGUYỄN VƯƠNG
Bình luận
vtcnews.vn