Tăng 3,6 triệu đồng, giá vàng hôm qua 6/7 vọt lên sát mốc 40 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, mốc 40 triệu đồng/lượng đã không được chinh phục. Chỉ sau 1 đêm, giá vàng hôm nay 7/7 quay đầu suy giảm. Sau nhiều lần điều chỉnh, tới gần trưa, giá vàng chạm xuống “đáy” 37,40 triệu đồng/lượng.
Lỗ 3,6 triệu/lượng
Mặc dù cuối giờ, giá vàng đảo chiều đi lên và đạt mốc 37,8 triệu đồng/lượng nhưng trước đó, không ít nhà đầu tư đã “chạy làng” ở mức “đáy” 37,40 triệu đồng/lượng. Và nếu mua đúng “đỉnh”, bán đúng “đáy”, nhà đầu tư phải gánh chịu khoản giảm giá 2,4 triệu đồng/lượng.
Nhưng đó chưa phải tất cả thiệt hại mà nhà đầu tư phải gánh chịu. Trước khi đà giảm của giá vàng chưa xuất hiện, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng đã cảnh báo rủi ro về chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra. Theo TS Hiếu, các cửa hàng vàng đã nới rộng chênh lệch này lên mức cao kỷ lục 1,2 triệu đồng/lượng để bảo vệ bản thân. Như vậy, phần rủi ro đã bị đẩy cho khách hàng.
Và rủi ro này đã được “hiện thực hóa” ngay trong sáng 7/7. Bên cạnh việc gánh chịu thiệt hại do giá vàng giảm mạnh, những người mua vào vàng còn phải gánh chịu chênh lệch giá mua vào và bán ra. Hai thiệt hại này cộng lại khiến nhà đầu tư lỗ tới 3,6 triệu đồng/lượng.
Chị Bùi Hà (Hàng Bông, Hà Nội) méo mặt kể về cơn say vàng. Chị cho biết, khi thấy bạn bè đổ xô mua vàng, chị cũng rút tiết kiệm mua được 4 cây vàng (khoảng 159 triệu đồng). Khi mua vào, chị kỳ vọng giá vàng sẽ tăng lên 60 triệu đồng/lượng.
“Tôi không định lướt sóng vàng. Khi mua 4 cây, tôi tính để vào két, vài tháng sau khi giá vàng tăng lên 60 triệu đồng/lượng như chuyên gia nước ngoài dự báo, tôi mới bán ra. Vì vậy, tôi đã nghĩ mình sẽ không gặp nhiều áp lực” – Chị Hà chia sẻ.
Tuy nhiên, áp lực đã đến với chị chỉ sau chưa đầy 1 ngày. Không những không mang về được đồng lợi nhuận nào, 4 cây vàng mà chị Hà mới mua đã khiến chị thua lỗ 14,4 triệu đồng. Chị Hà cho biết, đến bây giờ chị mới thấm thía chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra nguy hiểm đến như thế nào.
Theo tính toán của chị Hà, nếu chị muốn hòa vốn, giá mua vào của các cửa hàng kim hoàn phải tăng thêm 3,3 triệu đồng/lượng. Ở thời điểm này, chị Hà không tin điều đó sẽ sớm xảy ra. Vì vậy, chị Hà chấp nhận minh sẽ gánh chịu thua lỗ trong một thời gian nữa.
Chờ mốc 100 triệu
Chị Hà chia sẻ, bây giờ chị và gia đình đang trong tâm trạng “đau tim” chờ giá vàng tăng lên 2.300 USD/ounce (tương đương 60 triệu đồng/lượng) như các chuyên gia kinh tế từng dự báo cách đây mấy ngày.
Cụ thể, mới đây, Ronald Stoeferle và Mark J. Valek đã đưa ra dự báo sốc trong báo cáo thứ 10 “In Gold We Trust”. Theo đó, giá vàng thế giới sẽ vọt lên 2.300 USD/ounce. Như vậy, so với thời điểm hiện tại, muốn đạt tới mức giá kỷ lục trong lịch sử này, giá vàng phải tăng 68%.
Và để giá vàng lập được kỷ lục này, chị Hà và nhiều nhà đầu tư khác lỡ mua vào vàng ở “đỉnh” phải chờ thêm khoảng thời gian dài nữa. Theo Ronald Stoeferle và Mark J. Valek, giá vàng chỉ đạt 2.300 USD/ounce vào tháng 6/2018, nghĩa là 2 năm sau.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư có thêm lý do để bớt đau tim hơn nếu tin vào dự báo của Christopher Wood. Chuyên gia phân tích tại CLSA – một nhà môi giới có trụ sở tại Hongkong khiến nhiều người sốc khi cho rằng giá vàng có thể lên mức 4.200 USD/Ounce (hơn 100 triệu đồng/lượng).
Nguyên nhân khiến Christopher Wood rất lạc quan vào vàng chính là việc các ngân hàng Trung Ương, bao gồm cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, khó thoát khỏi chính sách tiền tệ bất thường, từ đó, đe dọa sự ổn định và toàn vẹn của hệ thống tiền giấy hiện tại.
Trước quá nhiều dự báo lạc quan, thậm chí dự báo sốc về giá vàng của các chuyên gia thế giới, chị Hà cảm thấy bớt lo lắng hơn. Nhưng rõ ràng, không có gì là chắc chắn nên chị và gia đình vẫn đang “đau tim” chờ giá vàng chinh phục mốc 100 triệu đồng/lượng.
Bình luận