Bóng đá hiện tại đang chứng kiến cuộc chuyển giao quyền lực, khi các cầu thủ, với tài năng phi thường, thương hiệu lớn và khả năng lãnh đạo trời phú, có thể tạo nên giá trị và sức ảnh hưởng lớn không kém "chính thể" CLB mà họ đang khoác áo.
Song, nếu một cầu thủ có thể tạo ra ảnh hưởng lớn tới mức khiến CĐV trên khắp thế giới tuần hành, hay gián tiếp làm lung lay ghế của người đứng đầu ban lãnh đạo chỉ với một thông tin muốn rời CLB, người đó chỉ có thể là Lionel Messi.
Vị thế của siêu sao người Argentina ở Barcelona khó diễn giải bằng ngôn từ. Anh đứng trên sự vĩ đại, được kính nể, trọng vọng, nhưng sự nể phục ấy cũng khiến Messi gặp không ít rắc rối. Anh vừa là huyền thoại, vừa là nạn nhân trong cuộc chiến quyền lực điên rồ đang huỷ hoại những giá trị tốt đẹp nhất của Barca.
Âm mưu của Bartomeu
Không cần đợi đến khi cảnh sát ập vào tư dinh để bắt cựu Chủ tịch Barca, ông Josep Bartomeu, người ta mới tin vào "thuyết âm mưu" mang tên "Barcagate". Đó là cái tên được báo chí Tây Ban Nha đặt cho vụ bê bối chấn động của lãnh đạo Barca.
Cụ thể, giới chủ CLB bị cáo buộc hợp tác với một công ty truyền thông mang tên I3 Venture từ năm 2017 để sản xuất các thông tin bôi nhọ, công kích các cầu thủ có tầm ảnh hưởng (Messi, Gerard Pique), các ứng viên cạnh tranh chức chủ tịch và huyền thoại Barca thông qua 6 tài khoản giả mạo.
Theo báo cáo, Barca đã trả 1 triệu euro mỗi năm cho công ty I3 Ventures và chia thành các hợp đồng nhỏ không vượt quá 200.000 euro. Do đó, những thỏa thuận này không cần hội đồng quản trị phê duyệt.
Thông tin nói trên đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng nội bộ Barca, hay thực chất chỉ là "giọt nước tràn ly", cuộc điều tra tới đây sẽ mang đến câu trả lời khi vai trò "giật dây" của Bartomeu bị đưa ra ánh sáng. Tuy nhiên, cựu Chủ tịch Barca từng không ít lần lợi dụng báo chí, truyền thông để thao túng quyền lực tại CLB.
Bằng mối quan hệ thân hữu với một số tờ báo nổi tiếng như El Mundo, Mundo Deportivo, Bartomeu cùng các cộng sự thân tín rò rỉ thông tin CLB theo hướng có lợi, nhằm đánh bóng tên tuổi bản thân và hạ bệ người khác.
Messi là cầu thủ có ảnh hưởng nhất tại CLB, thậm chí ở mức tương đối, tầm phủ sóng của anh còn lớn hơn phần còn lại của đội bóng, thể hiện trên giá trị thương hiệu, thành tích cùng sự ngưỡng mộ.
Để gây dựng quyền lực, Bartomeu hoặc đứng chung chiến thuyền với Messi như cựu Chủ tịch Joan Laporta hay ứng viên Victor Font, hoặc gạt bỏ tầm ảnh hưởng của anh. Ông chọn phương án hai.
Tháng 4/2020, dịch COVID-19 đẩy LaLiga lâm vào khủng hoảng. Các CLB lớn như Real Madrid, Atletico Madrid đều đồng loạt giảm lương cầu thủ dựa trên sự đồng thuận của đôi bên, nhưng Barca vẫn "im hơi lặng tiếng".
Một số tờ báo lên tiếng rằng Messi, Pique không đồng ý cắt giảm thu nhập. Thông tin cầu thủ giảm 70% lương sau đó được Messi đăng tải, nhưng báo chí lại khẳng định: các cầu thủ Barca không tự nguyện giảm lương, mà bị ép buộc làm điều này.
Mâu thuẫn nổ ra sau đó. Pique ám chỉ một số nhân vật ở CLB kết thân với báo giới và khơi mào cuộc chiến, còn Messi nói "một số kẻ ở CLB săm soi chúng tôi dưới kính hiển vi, gây áp lực bắt chúng tôi phải hành động theo ý muốn của họ".
Đây là lần hiếm hoi, Messi đề cập đến vấn đề nội bộ Barca. 6 năm dưới triều đại Bartomeu, siêu sao người Argentina chịu nhiều điều tiếng, như thao túng phòng thay đồ, cô lập đồng đội, bất tuân HLV,...
Anh phải tự mình giải thích, nặng nề nhất là cuộc khẩu chiến với cựu GĐKT Eric Abidal khi ông này tuyên bố có những cầu thủ "tập luyện thiếu nghiêm túc dưới thời HLV Ernesto Valverde". Abidal sau đó bị sa thải.
Sự kiện gửi burofax đòi ra đi cho thấy sức chịu đựng của Messi đã đến giới hạn. Tình yêu máu thịt với Barcelona cùng những tuyên bố muốn giải nghệ ở CLB cũng không níu giữ nổi cầu thủ 33 tuổi, là minh chứng cho thấy mâu thuẫn của anh với Bartomeu đã nghiêm trọng thế nào.
Messi là đối tượng bị đổ lỗi mỗi khi Barca thất bại, mà hầu như không lần nào được lãnh đạo CLB, đứng đầu là Bartomeu, lên tiếng ủng hộ hay cải chính tin đồn.
Messi không được yên
Để loại bỏ dần dần tầm ảnh hưởng của Messi, Bartomeu cùng bộ sậu bán những cầu thủ thân thiết nhất với anh. Luis Suarez bị "đuổi khéo" khỏi Camp Nou chỉ sau một cuộc điện thoại của HLV Ronald Koeman. Tuy nhiên, Koeman khẳng định đây là yêu cầu của lãnh đạo Barca.
Những cầu thủ không phù hợp với cách chơi của Messi được giữ lại như Antoine Griezmann hay Philippe Coutinho. Hè 2019, Messi khẳng định muốn tái ngộ với Neymar. Siêu sao người Brazil cũng hào hứng với viễn cảnh này, song Barca không hứng thú.
Bartomeu đàm phán để mua Griezmann. Trước đó, ông mang Coutinho và Ousmane Dembele về để lấp khoảng trống của Neymar, tất cả đều là hợp đồng thất bại.
"Dối trá" là cụm từ Messi dành tặng Bartomeu ở ít nhất hai bài phỏng vấn trên báo giới, khi cựu Chủ tịch Barca từng hứa cho anh đi ở mùa hè 2020 trước khi nuốt lời. Messi miễn gưỡng chấp nhận ở lại, song vẫn không được yên. Bản hợp đồng trị giá 555 triệu euro bị rò rỉ trên báo giới khiến siêu sao người Argentina nổi giận.
Ở thời điểm nhạy cảm nhất (thông tin Barca nợ 1,173 tỷ euro bị phát tán), Messi lại trở thành "vật tế thần". Con số trong hợp đồng, cùng những thông tin định hướng nặng nề của El Mundo, muốn lái dư luận theo chiều hướng Messi hưởng đãi ngộ quá cao khiến Barca nợ nần, mất khả năng thanh toán.
Biến cố nổ ra và một lần nữa, Bartomeu lên tiếng thanh minh chỉ để bảo vệ chính ông. Trong 6 năm cầm quyền, chưa bao giờ vị chủ tịch có biệt danh "Nobita" đứng về phía cầu thủ. Đó là lý do ông bị Messi, Pique và CĐV khinh miệt. Đến khi Bartomeu rời đi, Barca đã trượt rất dài so với ngày ông đến.
Messi chỉ muốn được yên ổn để cống hiến, nhưng Bartomeu không cho phép. Hôm nay, cựu Chủ tịch Barca đang từng bước phải trả giá vì đại họa ông gây ra.
Bình luận