• Zalo

Lính hình sự kể những trận đánh sinh tử với giang hồ có 'số má'

Pháp luậtChủ Nhật, 28/02/2016 05:06:00 +07:00Google News

Bên tách trà nóng hổi, đại tá Nguyễn Trường Tam trầm tư ôn lại những chiến tích đặc biệt của “Đội Anh hùng H88"

Bên tách trà nóng hổi, đại tá Nguyễn Trường Tam trầm tư ôn lại những chiến tích đặc biệt của “Đội Anh hùng H88"

Một ngày cuối đông, trời rét căm căm, bên tách trà nóng hổi tại nhà riêng của đại tá Nguyễn Trường Tam tại phường Minh Khai, quận Hồng Bàng, trầm tư, ông ôn lại những chiến tích đặc biệt của “Đội Anh hùng H88" - một đơn vị ghi dấu ấn quan trọng trong lịch sử trưởng thành của lực lượng cảnh sát hình sự Hải Phòng.


Những băng nhóm tội phạm khét tiếng vào cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 (thế kỷ trước) như: Đông “Động”, Tuyết “Băng Kốc”, Tuyến “Lợn”, Lợi “Ét”, Cu Nên, Dung “Hà” hay Lâm “Già”… đều bị Đội H88 khuất phục. Riêng với đại tá Tam, ông vẫn còn nhớ như in những lần săn bắt tội phạm, những trận đánh sinh tử với giang hồ có vũ khí nóng, hay mưu trí trong những lần đánh úp những kẻ cộm cán không để chúng kịp trở tay...

Từ Đội "Săn bắt lưu manh" đến Đội H88

Đã mấy chục năm nay, dù đã kinh qua nhiều vị trí công tác nhưng đại tá Nguyễn Trường Tam (Phó trưởng phòng cảnh sát truy nã tội phạm - CATP Hải Phòng) vẫn còn nguyên vẹn những kỷ niệm hồi mới chập chững bước vào ngành công an hay thời gắn bó với "H88". Đại tá Nguyễn Trường Tam nhớ lại, vào những năm 80 thế kỷ 20, tình hình tội phạm ở Hải Phòng có những diễn biến phức tạp và cụm từ "giang hồ đất cảng" đã xuất hiện.

Thời điểm này, những chuyến tàu viễn dương bắt đầu tấp nập tại cảng Hải Phòng và trở thành miếng mồi ngon cho giới giang hồ làm nghề bảo kê, trộm cắp, trấn lột. Thế nên, Cảng Hải Phòng được ví như nơi trung chuyển, trốn chạy, thậm chí là nơi “xuất nhập-khẩu” tội phạm của nước ta. "Một thế giới ngầm" được tổ chức có bài bản, lưu manh, như một sự thách thức đối với những người làm công tác chống tội phạm ở Hải Phòng lúc bấy giờ...


Trước tình hình như vậy, Đảng ủy, Giám đốc công an Hải Phòng quyết định thành lập đội "săn bắt lưu manh" (trực thuộc Phòng CSHS) để đối phó với các băng nhóm tội phạm và chiến công đáng nhớ nhất là bắt Nhật "xoăn" - một tên cướp khét tiếng về sự mưu mô, xảo quyệt.

Nhật “xoăn” quê ở An Hải (cũ). Tuy ít học nhưng Nhật "xoăn" được bọn đàn em kính nể bởi hắn luôn có những cao kế bất ngờ, giải quyết các phi vụ "làm ăn" đâu vào đấy. Thời ấy, hắn thường đóng giả công an, vác súng lên những chiếc xà lan chở hàng neo đậu ở dọc các sông, vờ kiểm tra giấy tờ rồi khống chế chủ tàu cướp tài sản...


Tinh ranh lắm, nhưng năm 1982, Nhật "xoăn" cũng bị sa lưới và nhận bản án 16 năm tù, giam ở tỉnh Hà Nam Ninh (cũ). Tuy nhiên, đến giữa năm 1984, Nhật trốn trại. Lần "đào tẩu" ấy của Nhật, vì sợ bị kỷ luật nên quản giáo trại đã không báo ngay sự việc lên cấp trên, mà cố gắng tự đi tìm hòng bắt lại. Nhưng đã trốn rồi, Nhật đâu dễ để bị bắt lại. Trở về Hải Phòng, Nhật vẫn dùng những chiêu thức cũ để cướp mà công an thời đó vẫn chẳng nghi ngờ gì bởi cứ nghĩ hắn vẫn ngồi tù.

Được thể, Nhật đã nhanh chóng móc nối với Giang Thành Long, một tên tội phạm đang có lệnh truy nã toàn quốc và Vương Tự Cường, cũng là một tên giang hồ có máu mặt, cả hai từ miền Nam dạt ra.

Để có tiền cho một chuyến vượt biên ra nước ngoài, cả 3 tên kéo nhau đi cướp. Chiêu cũ diễn lại, Nhật cùng đồng bọn vẫn đóng giả công an, bộ đội, nhưng lần này, chúng không cướp sông nữa mà chuyển sang đường bộ. Có thêm hai trợ thủ đắc lực, Nhật khá liều lĩnh trong việc ra tay cướp bóc, gây hoang mang trong nhân dân.

Lính hình sự, cảnh sát hình sự, những chuyến đi... "săn", săn bắt lưu manh, Hồng Bàng, Hải Phòng, Giang hồ đất cảng
"Gã mũ trắng" Nguyễn Trường Tam 

Lại nói về người quản giáo để "sổng" Nhật, sau một thời gian "đốt đèn" tìm kiếm mà không thấy, đành phải báo cáo với cấp trên sự thật. Tin đó kịp thời được chuyển về Hải Phòng. Nhanh chóng, Đội "săn bắt lưu manh" rà soát lại những mối liên hệ của Nhật “xoăn” trước đây và đi đến khẳng định, hắn đã xuất hiện trở lại ở Hải Phòng và những vụ trọng án xảy ra liên tiếp trong thời gian qua đều do hắn gây ra.

Biết vậy, nhưng bắt Nhật “xoăn” lại rất khó. Đánh hơi thấy công an đã nhận ra mình, hắn liên tục thay đổi chỗ ẩn nấp và luôn có nhiều thủ đoạn để đánh lạc hướng sự truy lùng của trinh sát.


Ngày 14/4/1985, Đội "săn bắt lưu manh" nhận được tin báo Nhật hẹn gặp người tình tại nhà của cô này ở ngõ Đông An, đường Cát Dài. Lập tức các trinh sát triển khai kế hoạch vây bắt. Trong khi đó, Nhật xoăn vẫn bộ quần áo bộ đội, thong thả đạp xe như một anh lính mới về thăm lại phố phường.

Trinh sát xác định, đang thời gian ban ngày, nếu không có yếu tố bất ngờ thì rất khó bắt Nhật bởi hắn rất nguy hiểm. Lúc nào hắn cũng dắt khẩu súng trong người và quả quả lựu đạn mi-ni được ngụy trang rất khéo, sẽ không an toàn cho người tiếp cận. Vả lại, ngõ Đông An lại khá đông dân nên nếu không khéo sẽ xôi hỏng bỏng không. Các trinh sát ý định sẽ bắt Nhật ngay khi hắn vừa bước vào ngõ, nhưng kế hoạch nhanh chóng bị phá sản do sự ma mãnh của Nhật. Hắn không vào ngõ ngay mà cảnh giác đạp xe thẳng đến công an phường ở gần đó rồi mới quay xe trở lại.


Kế hoạch thứ hai được các trinh sát nhanh chóng vạch ra, ấy là bắt khi hắn quay ra. Gặp người yêu xong, Nhật nhanh chóng trở ra và lập tức bị quật ngã bởi các trinh sát Đội "săn bắt lưu manh". Với những tội ác tày đình đã gây ra, Nhật “xoăn” đã phải nhận sự trừng phạt nghiêm khắc nhất của pháp luật với bản án tử hình...

Theo đại tá Nguyễn Trường Tam thì sau khi xóa sổ được băng nhóm của Nhật xoăn, tình hình ANTT ở Hải Phòng có dịu lại đôi chút, nhưng không lâu sau đó lại diễn biến hết sức phức tạp. Lúc này, các băng, ổ nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức nổi lên hoành hành ngang dọc, kéo bè kết đảng, phân chia “lãnh địa” làm ăn dẫn đến những cuộc thanh trừng lần nhau xảy ra không ít. Bất kể ở đâu chúng cũng ngang nhiên dùng vũ khí uy hiếp người dân để cướp tài sản, gây tâm lý lo lắng, bất an trong nhân dân.

Trước tình hình đó, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Thành ủy Hải Phòng, Giám đốc Công an đã quyết định thành lập Đội Cảnh sát Hình sự đặc biệt, trực thuộc Phòng CSHS-CATP Hải Phòng, mà thành phần nòng cốt là những "chiến binh" dày dặn kinh nghiệm của Đội "săn bắt lưu manh" và còn được bổ sung một số chiến sỹ từng kinh qua những trận đánh lớn.

Đại tá Nguyễn Trường Tam khi đó được "chọn mặt gửi vàng" cử làm đội phó, ông nhớ lại: Khi đội "Cảnh sát Hình sự đặc biệt" đến ra mắt lãnh đạo thành phố thì Bí thư Thành ủy hồi đó là đồng chí Lê Danh Xương cho rằng cái tên của đội là hơi dài, nên đặt lại là Đội H88 (H là Hải Phòng và cũng là Hình sự, 88 là năm thành lập và cũng là biểu tượng của chiếc còng số 8 để trấn áp tội phạm).


Chỉ sau 3 ngày H88 ra đời, 16 cán bộ, chiến sỹ của đội đã lập được chiến công đầu tiên. Đó là vào ngày 21/5/1998, Đội H88 tổ chức vây ráp tụ điểm của nhiều băng ổ nhóm gồm những tên đã có tiền án, tiền sư, thường tụ tập tại khu vực vườn hoa Nguyễn Văn Trỗi (gần khu vực Nhà hát thành phố) để bàn mưu tính kế đi cướp, cướp giật tài sản của nhân dân và đâm thuê chém mướn. Trận đánh này đã bắt được 12 tên, thu 4 lê 5 tác dụng và 3 quả lựu đạn.

Tiếp đó, đội cũng đã xác lập hàng chục chuyên án; phá trên 130 vụ án hình sự, bắt trên 200 tên cướp, cưỡng đoạt tài sản, trong đó có tên cướp đã bị tiêu diệt tại chỗ, nhiều tên chịu những mức án cao; thu 21 súng, 23 lựu đạn, hàng chục lê, dao găm các loại. Điều đặc biệt là sau 10 năm thành lập, không có cán bộ, chiến sỹ nào bị thương vong, đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng, sức khỏe cho nhân dân. Đội H88 cũng hai lần được nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1990 và 1995.

Nguồn:Đức Tùng (An ninh Hải Phòng)
Bình luận
vtcnews.vn