• Zalo

Liệu pháp miễn dịch trị ung thư vừa đoạt giải Nobel Y học, có phát hiện đột phá thế nào?

Sức khỏeThứ Ba, 02/10/2018 10:40:00 +07:00Google News

Công trình vừa đoạt giải Nobel Y học có ý nghĩa đột phá, mang tính cách mạng trong việc phát hiện cơ chế "tự phanh" của hệ miễn dịch và tìm ra cách "tắt phanh", kích thích tế bào miễn dịch chống lại tế bào ung thư.

Điều trị ung thư bằng việc ức chế miễn dịch âm tính là công trình nghiên cứu vừa đoạt giải Nobel Y học 2018. Công trình này thuộc về 2 nhà khoa học James Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật Bản).

Nghiên cứu của 2 nhà khoa học phát hiện ra cơ chế tự phanh của hệ miễn dịch và tìm ra cách "tắt phanh" giúp kích thích tế bào miễn dịch chống lại tế bào ung thư.

Công trình này mở ra nguyên lý mới cho việc điều trị bệnh ung thư, bởi các phương pháp trước đây mới chỉ tập trung vào các tế bào ung thư mà chưa tập trung vào hệ miễn dịch.

nobel y hoc

 Hai nhà khoa học Tasuku Honjo (trái) và James Allison (phải). (Ảnh: Sam Yeh/Getty Images)

Tế bào ung thư đánh lừa hệ miễn dịch thế nào?

Phản ứng miễn dịch là khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể. Nhờ có hệ miễn dịch, các tế bào ngoại lai hay tế bào gây hại (trong đó có tế bào ung thư) đều có thể bị hủy diệt mà các tế bào khỏe mạnh không bị ảnh hưởng.

Chìa khóa của cơ chế này chính là tế bào bạch cầu T. Tế bào T có khả năng nhận diện và tiêu diệt các thực thể lạ như tế bào lạ, vi khuẩn hay virus thông qua thụ thể bề mặt.

Tuy nhiên, các tế bào khối u ranh mãnh có thể qua mặt tế bào miễn dịch để tiếp tục sinh sôi nảy nở và lan rộng. Chúng có thể kìm hãm thụ thể tế bào T, khiến tế bào T không nhận ra tế bào ung thư đang trú ngụ trong cơ thể, phản ứng miễn dịch của cơ thể cũng vì thế mà tạm ngưng lại.

Nói cách khác, các tế bào khối u khiến hệ miễn dịch tự tạo ra chiếc phanh kìm hãm hoạt động của tế bào T "sát thủ".

Phát hiện đột phá trong việc “phanh và nhả phanh” tế bào miễn dịch

Giáo sư James Allison (Đại học Texas, Mỹ) nghiên cứu về CTLA-4 - một loại protein có tác dụng ức chế hệ miễn dịch của một người, bằng cách kìm hãm hoạt động của tế bào T như một chiếc phanh. Ông nhận ra rằng, một khi "nhả phanh" (giải phóng tế bào miễn dịch), hệ miễn dịch sẽ tàn phá các khối u một cách mạnh mẽ hơn.

ung thu

Hình ảnh tế bào T (xanh) tấn công một tế bào ung thư (hồng) nhìn qua kính hiển vi điện tử quét.

Giáo sư Tasuku Honjo (Đại học Kyoto, Nhật Bản) cũng khám phá ra protein PD-1 ở tế bào miễn dịch hoạt động như một chiếc “phanh hãm” nhưng thông qua cơ chế khác. Ông nghiên cứu một loại thuốc để tắt chiếc phanh này, giúp làm thuyên giảm ung thư di căn trong một số thử nghiệm lâm sàng ở người.

Cả hai công trình đều tập trung vào việc loại bỏ các chất ức chế tế bào miễn dịch, phát triển loại thuốc được gọi là “chất ức chế điểm kiểm soát”. Chất này giúp ngăn cản việc tế bào ung thư vô hiệu hóa hệ thống miễn dịch, tạo điều kiện cho cơ thể tiếp tục tấn công các khối u.

Trong trường hợp này, chất ức chế điểm kiểm soát là các kháng thể được tạo ra để liên kết và tắt chức năng “hãm phanh” của CTLA-4 và PD-1.

Hiện nay, có 3 chất ức chế điểm kiểm soát được công nhận là liệu pháp điều trị u ác tính kết hợp với vắc-xin ung thư. Đó là chất ức chế kháng thể CTLA-4 ipilimumab, chất ức chế PD-1 pembrolizumab và chất ức chế PD-1 nivolumab.

Video: Cô gái 26 qua đời vì chủ quan không tái khám ung thư

Việc thử nghiệm 3 loại thuốc này trên động vật và người đều cho kết quả ấn tượng trong việc giảm kích thước và sự tăng trưởng khối u.

Tác dụng phụ có thể xảy ra, nhưng thường không quá nghiêm trọng. Và liệu pháp này vẫn được coi là mang tính cách mạng trong điều trị ung thư.

Dự kiến vài năm tới, 3 loại thuốc này sẽ được cấp phép để điều trị một số loại ung thư, trong đó có ung thư phổi và ung thư tuyến tiền liệt.

Phong Linh
Chuyên đề: Ung thư
Bình luận
vtcnews.vn