Từ ngày “liệt sỹ” Nguyễn Viết Thuấn về làng, nhà ông Nguyễn Viết Tuynh (em trai ông Thuấn) ở thôn An Thọ, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội lúc nào cũng đông như trẩy hội.
Anh em, họ hàng, đồng đội trong làng ngoài xã, người không tin muốn đến xem tận mắt, người tin rồi muốn đến trò chuyện, thăm nom người con quê hương trở về sau 42 năm xa cách.
Ngồi bên người anh trai mới trở về, ông Tuynh xúc động chia sẻ ký ức về ngày anh trai ra đi bộ đội, nỗi đau của bố mẹ khi nhận tin anh trai hy sinh và hành trình gian khổ khi tìm phần mộ của anh cho đến ngày hạnh phúc khi anh bỗng trở về.
Tờ giấy báo tử và di nguyện người quá cố
Rít một điếu thuốc lào rồi nắm chặt tay người anh ruột, ông Tuynh nhớ như in cái ngày anh trai mình lên đường nhập ngũ. Ấy là vào một ngày tháng 4/1971, chàng trai trẻ Nguyễn Viết Thuấn tự nguyện lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của tiền tuyến miền Nam.
“Anh khoác trên mình bộ quân phục mới, anh ấy phấn khởi mang ba lô, một mình đi bộ từ nhà ra xã để lên đường. Lúc ra đến cổng nhà, anh ấy quay lại vẫy chào bố mẹ và nói rằng ‘con đi đây, không về nữa đâu’ rồi hai tay đút túi quần ra đi” – ông Tuynh nói.
Giấy báo liệt sỹ Nguyễn Viết Thuấn hy sinh gia đình nhận được năm 1976. Ảnh: Nguyễn Dũng |
Năm 1973, gia đình nhận được thư của ông Thuấn, vì không biết chữ nên ông nhờ bạn viết. “Lúc đó, gia đình biết anh vẫn sống, vẫn khỏe mạnh, vẫn hăng say chiến đấu, bố mẹ tôi vui mừng chờ ngày chiến thắng, chờ ngày miền Nam hoàn toán giải phóng, chờ ngày anh tôi về…”, ông Tuynh nói thêm.
Tháng 4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, gia đình ông Tuynh nóng lòng chờ ngày người anh cả trở về.
Mỗi lần có lính trở về làng, bố mẹ đều hăm hở đến hỏi han về tình hình ông Thuấn, người nói có gặp ông nhưng sau đó không biết đi đâu, chiến đấu ở chiến trường nào… Cả những người cùng nhập ngũ cũng không nhớ.
“Chờ mãi, chờ mãi… cho đến một ngày giữa năm 1976, gia đình tôi nhận được giấy báo tử, báo tin anh tôi – chiến sỹ Nguyễn Viết Thuấn đã hy sinh vào ngày 8/4/1975 tại chiến trường miền Nam” – ông Tuynh lắng giọng.
Ngay sau đó, tang lễ chiến sỹ Nguyễn Viết Thuấn được chính quyền địa phương, xóm làng và gia đình tổ chức theo nghi thức tang lễ liệt sỹ, bàn thờ ông trong gia đình ngay sau đó được lập và thờ cúng lâu dài.
Gia đình ông Tuynh vui mừng khi tìm lại được người anh trai. Ảnh: Nguyễn Dũng |
Ông Tuynh nói rằng, thời điểm đó, bố mẹ nhận giấy báo tử trong niềm thất vọng và nỗi đau đớn vô hạn nhưng cũng tự hào vì sự hy sinh anh dũng của con mình, góp phần làm nên chiến thắng của toàn dân tộc, điều trăn trở nhất của ông bà là không biết thi hài của anh nằm ở khu vực nào để đưa về với quê cha đất tổ.
|
Sau năm 2000, kinh tế gia đình có nét khởi sắc hơn trước, gia đình ông Tuynh tập trung vào việc tìm mộ anh trai để đưa về quê, thực hiện di nguyện dang dở của người quá cố.
“Chúng tôi hỏi những người cùng đơn vị, những người cùng chiến đấu thì người ta nói có thời gian gặp anh Thuấn, có chiến đấu cùng nhưng chỉ được một thời gian rồi chuyển qua chỗ khác, không biết anh ấy về đơn vị nào, hy sinh ra sao?” – ông Tuynh kể.
Nhà ngoại cảm tìm thấy mộ 'người sống"
Cho đến năm 2006, gia đình được biết đến phương pháp tìm mộ bằng ngoại cảm. Tháng 6/2006, qua lời giới thiệu, ông Tuynh tìm đến một nhà ngoại cảm ở đường Bưởi (quận Ba Đình, Hà Nội) để nhờ người này tìm phần mộ anh trai.
Qua những thông tin gia đình cung cấp, nhà ngoại cảm này xác định ông Thuấn hy sinh ở một khu vực thuộc ấp Di Xá, Bình Long, Bình Phước; thi hài nay đã được quy hoạch về nghĩa trang ở Bình Phước.
Nhà ngoại cảm còn nói rằng thi hài ông Thuấn đang nằm ở nghĩa trang có người trông nom; miêu tả về việc ông Thuấn hy sinh vào ngày nào, giờ nào và hiện phần mộ đang nằm sau bia “Tổ quốc ghi công” và vẽ chi tiết sơ đồ, địa chỉ của phần mộ ông Nguyễn Viết Thuấn.
Sơ đồ chỉ ngôi mộ 'Liệt sỹ' Nguyễn Viết Thuấn do nhà ngoại cảm lập nên. |
Ngay sau đó, gia đình cầm sơ đồ này, nhờ một người đồng đội của ông Thuấn ở huyện Quốc Oai đi vào tỉnh Bình Phước để tìm.
Qua tìm hiểu, bà quản trang cho biết đây là ngôi mộ vô danh, được biết người nằm dưới là người Bắc nhưng không nhớ rõ là tỉnh nào.
Những tình tiết đó cùng với sự chỉ bảo của nhà ngoại cảm, sự giúp đỡ của người đồng đội ở huyện Quốc Oai khiến gia đình ông Tuynh chắc chắn rằng đó là phần mộ anh ruột mình và xin chính quyền sở tại, bốc phần mộ này về địa phương để an táng.
Cũng trong tháng 6/2006, ông Tuynh và gia đình đã đưa phần mộ được cho là của ông Nguyễn Viết Thuấn về an táng tại nghĩa trang liệt sỹ địa phương, tổ chức trọng thể lễ truy điệu tại gia đình.
“Từ giây phút đó, gia đình tôi tin chắc đã hoàn thành di nguyện của bố mẹ vì tìm thấy phần mộ anh trai. Chúng tôi ngày đêm hương khói, chăm sóc phần mộ đó cho đến chuyện bất ngờ xảy ra hôm nay” – ông Tuynh kể.
‘Liệt sỹ’ Nguyễn Viết Thuấn bên phần mộ khắc tên mình. Ảnh: Nguyễn Dũng |
Theo lời ông Tuynh, kể từ ngày có giấy báo tử của ông Thuấn, chính quyền xã An Khánh và huyện Hoài Đức thường xuyên quan tâm, đến động viên bố mẹ và thực hiện đầy đủ các chính sách đền ơn đáp nghĩa theo đúng quy định của Nhà nước.
Tên ông Thuấn được ghi rõ trong sổ chính sách của xã, được khắc tại bia đá tưởng niệm liệt sỹ của thôn và tại nghĩa trang liệt sỹ của xã.
Gia đình đã lập bàn thờ từ ngày nhận giấy báo tử và thường xuyên hương khói, dùng tấm ảnh thời niên thiếu của ông Thuấn để làm ảnh thờ cúng. Những kỷ vật và huân huy chương, bằng Tổ quốc ghi công được gia đình lưu giữ cẩn thận.
Trở về nơi chôn rau cắt rốn, ông Nguyễn Viết Thuấn cho biết, ông có cảm giác như vừa chết đi sống lại. Ông đưa phóng viên ra bia liệt sỹ khắc tên mình, rồi đứng bên nấm mộ ghi tên mình, thắp nén tâm nhang cho người đồng đội nằm ở dưới.
“Đồng đội tôi đã hy sinh để tôi được sống và trở về như ngày hôm nay, gia đình tôi sẽ tiếp tục hương khói, chăm sóc ngôi mộ như đối với người thân trong gia đình” – ông Thuấn nghẹn ngào.
Tại sao ông Thuấn còn sống mà gia đình lại nhận được giấy báo tử? Tại sao suốt 42 năm còn sống mà ông Thuấn không hề liên lạc hay tìm đường về quê hương?
Kỳ tiếp: Hành trình lưu lạc và trở về sau 42 năm của ‘liệt sỹ’
Nguyễn Dũng
Bình luận