• Zalo

Liên tiếp xảy ra sự cố hàng không: 'Giật mình' chất lượng nguồn nhân lực

Thời sựThứ Sáu, 19/12/2014 07:00:00 +07:00Google News

Máy bay Vietnam Airlines, hàng loạt sự cố hàng không nghiêm trọng liên tiếp xảy ra trong thời gian qua mà nguyên nhân chủ quan do con người chiếm tỉ lệ lớn

(VTC News) - Hàng loạt sự cố hàng không đặc biệt nghiêm trọng liên tiếp xảy ra trong thời gian vừa qua mà nguyên nhân chủ quan do con người chiếm tỉ lệ lớn.

Liên tiếp xảy ra sự cố hàng không nghiêm trọng

Thời gian vừa qua, hàng loạt sự cố liên quan đến công tác bảo đảm an toàn bay đã cho thấy nhiều vấn đề rất đáng lo ngại. Mới đây nhất là sự cố liên quan đến chuyến bay của Vietnam Airlines mang số hiệu VN1266, xuất phát từ TP Hồ Chí Minh đến TP Vinh, khi đến gần sân bay Vinh đã gặp trục trặc kỹ thuật, áp suất trong khoang giảm đột ngột.

Máy bay Vietnam Airlines phải hạ độ cao khẩn cấp từ 35.000 FT (tương đương khoảng 11.000 m) xuống 13.000 FT (tương đương khoảng 4.000 m) và mặt nạ dưỡng khí bung ra.

Tổ bay xin hạ cánh khẩn cấp tại Nội Bài để có điều kiện trợ giúp tốt nhất. Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài kịp thời triển khai công tác khẩn nguy sân bay. Tàu bay cùng toàn bộ 135 hành khách và 7 thành viên tổ bay hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài lúc 19h15 phút và được đưa về sân đỗ.

Cũng xuất hiện một số thông tin cho rằng khi máy bay giảm áp đột ngột, phi công đã thao tác nhầm.
Liên tiếp xảy ra sự cố hàng không: Dấu hỏi về nhân lực?
 Hàng loạt sự cố ngành hàng không liên tiếp xảy ra trong thời gian vừa qua (Ảnh minh họa) 
Trước đó một sự cố hàng không đặc biệt nghiêm trọng tại sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 20/11. Cụ thể, sự cố mất điện dẫn đến việc mất năng lực cung cấp dịch vụ điều hành bay của Trung tâm Kiểm soát tiếp cận đường dài Hồ Chí Minh và Kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất trong 35 phút. Đây là sự cố kỹ thuật đặc biệt nghiêm trọng lần đầu tiên diễn ra tại Việt Nam. 

Thời điểm xảy ra sự cố có 54 máy bay đang hoạt động trong vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh, ảnh hưởng đến 92 chuyến bay đến/đi từ Tân Sơn Nhất, cũng như các chuyến bay từ các vùng FIR lân cận đến TP Hồ Chí Minh, đặc biệt có 8 chuyến bay đã tiếp cận chuẩn bị hạ cánh. Nguyên do là cả 3 bộ lưu điện UPS đều gặp trục trặc.

Gần một tháng trước đó, vào ngày 29/10, một sự cố hy hữu xảy ra ở vùng trời Tân Sơn Nhất khi đài chỉ huy quân sự và dân dụng cấp huấn lệnh cho 2 máy bay cất cánh gần như đồng thời thiếu chút nữa xảy ra tai nạn.

Trước đó, vào ngày 16/10 máy bay Vietjet nhận hiệu lệnh hạ cánh xuống đầu 02 của đường băng sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa), nhưng tổ bay lại cho máy bay tiếp đất theo hướng ngược lại, vụ việc được xác định do lỗi của tổ bay. 

Dư luận cũng từng ngỡ ngàng khi máy bay Vietjet có lịch trình từ Hà Nội đi Đà Lạt nhưng hạ cánh xuống sân bay Cam Ranh vào ngày 19/6.

Giật mình chất lượng nguồn nhân lực

Từ các sự cố hàng không, có thể thấy số vụ việc có nguyên nhân chủ quan từ yếu tố con người khá cao. Liên quan đến sự cố mất quyền điều hành bay tại Trung tâm Kiểm soát tiếp cận đường dài Hồ Chí Minh, ngày 24/11, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp về công tác an toàn hàng không. 

Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu đánh giá lại toàn bộ chất lượng nguồn nhân lực của Tổng công ty Quản lý bay và cho nghỉ việc toàn bộ nhân viên yếu kém.

Trong khi đó, ông Đinh Việt Thắng - Tổng Giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã khẳng định, sự cố mất điện tại ACC Hồ Chí Minh vào ngày 20/11 là do lỗi chủ quan của con người gây ra. 

Liên tiếp xảy ra sự cố hàng không: Dấu hỏi về nhân lực?
Ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam từng khẳng định sự cố mất năng lực điều hành bay là sự cố đặc biệt nghiêm trọng, lần đầu tiên xảy ra tại Việt Nam (Ảnh: Minh Chiến)

Ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cũng khẳng định, an toàn hàng không luôn là ưu tiên số một bởi với ngành hàng không, mỗi vụ tai nạn đều rất thảm khốc, thế nhưng ngành hàng không Việt Nam đã để xảy ra một sự cố đặc biệt nghiêm trọng mà nguyên nhân là do lỗi chủ quan của con người. 

Nhiều người giật mình với con số trong một đợt rà soát, đánh giá nội bộ của Tổng Công ty quản lý bay mới đây, đội ngũ nhân viên kiểm soát không lưu hiện nay của ngành hàng không có tay nghề trung bình và yếu vẫn chiếm tỷ lệ 40%, trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh) của lực đội ngũ này có tới 30% chưa đạt mức 4 theo tiêu chuẩn tối thiểu của Tổ chức Hàng không quốc tế ICAO.

Bên cạnh đó, Cục hàng không cho biết, nhận thức trách nhiệm nghề nghiệp của một bộ phận kiểm soát viên không lưu còn hạn chế, chưa thấy hết được tầm quan trọng, sự sống còn của đơn vị trong việc đảm bảo an toàn dẫn đến còn hiện tượng chủ quan, phân tán khi làm nhiệm vụ.

Lý giải về số lượng nhân viên yếu và trung bình chiếm tỉ lệ cao, Tổng công ty Quản lý bay cho rằng chưa có sự quan tâm đúng mức của lãnh đạo các cấp dẫn đến không có chiến lược, chính sách hữu hiệu cho đầu tư phát triển nguồn nhân lực; chất lượng tuyển dụng đầu vào thấp, thiếu các chương trình, giáo trình, tài liệu có chất lượng. Đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên thiếu cả về số lượng, hạn chế cả về chất lượng.

Ngoài ra, sự cố hy hữu đã xảy ra ở vùng trời Tân Sơn Nhất máy bay dân dụng và máy bay quân sự suýt đâm nhau cũng được xác định nguyên nhân do sự phối hợp hiệp đồng bay giữa dân dụng và quân sự của kíp trực điều hành ngày hôm đó, đặc biệt là lỗi của kiểm soát viên không lưu kiểm soát viên hiệp đồng đã không nghe được huấn lệnh của các kiểm soát viên không lưu điều hành. 

Vụ máy bay Vietjet có lịch trình từ Hà Nội đi Đà Lạt nhưng hạ cánh xuống sân bay Cam Ranh được kết luận là lỗi của nhân viên điều phối bay cùng phi hành đoàn.

Tất cả các sự cố hàng không nghiêm trọng trên nguyên nhân chủ quan đều do yếu tố con người. Dư luận đang đặt ra câu hỏi, một ngành vận tải yêu cầu sự cẩn trọng, mức độ chính xác đến từng chi tiết mà để xảy ra những sai sót nghiêm trọng như vậy, phải chăng những nhẫn viên yếu kém về trình độ đang nhận được sự "ưu ái" đặc biệt trong ngành hàng không?

Sau hàng loạt sự cố uy hiếp an toàn hàng không, Bộ trưởng Thăng đánh giá những vụ sự cố cho thấy sự yếu kém của cả hệ thống. Bộ trưởng yêu cầu đánh giá lại toàn bộ chất lượng nguồn nhân lực của Tổng công ty Quản lý bay và cho nghỉ việc toàn bộ nhân viên yếu kém.

"Số nhân viên có chất lượng trung bình sẽ cho đào tạo lại trong thời gian nhất định, nếu không đạt phải chấm dứt hợp đồng", Bộ trưởng Thăng chỉ đạo.

Bộ trưởng Thăng thẳng thắn nhìn nhận, nếu ngành hàng không không kịp thời nâng cao năng lực điều hành bay của kiểm soát viên không lưu thì những sự cố về mất an toàn bay là hoàn toàn có thể xảy ra. Ở những vị trí khác nhân viên có thể có yếu kém được, nhưng kiểm soát viên dẫn đường mà sai thì sẽ có nhiều cái chết, sai lầm đó không có cơ hội sửa chữa.
Đã từng xảy ra nhiều sự cố, song trong khoảng 20 năm qua, ngành hàng không Việt Nam chưa xảy ra một tai nạn nào gây thiệt hại về người, tuy nhiên việc bảo đảm an toàn trong toàn ngành còn nhiều bất cập, các sự cố uy hiếp an toàn xảy ra ở tất cả các khâu, trong đó phần lớn đến từ nguyên nhân chủ quan do yếu tố con người.

Qua đó, việc chấn chỉnh công tác bảo đảm an toàn bay, quy rõ trách nhiệm để xử lý nghiêm các sai phạm khi để xảy ra sự cố, nâng cao năng lực nhân viên, cán bộ là những yêu cầu cấp thiết của ngành hàng không.

Rõ ràng, khi mà những sai sót nghiêm trọng, những bất cập nói trên chưa được giải quyết thì mối lo về an toàn của hành khách, mối lo ngại của dư luận về an toàn hàng không Việt Nam vẫn còn thường trực.

Minh Chiến
Bình luận
vtcnews.vn