Những ngày qua, vụ bảo mẫu vừa bóp đầu vừa tát dã man trẻ mầm non ở Đà Nẵng khiến dư luận phẫn nộ.
Trước sự việc xảy ra, TS Vũ Thu Hương (Giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội) đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề bạo hành trẻ em.
TS Hương cho biết: “Vấn đề bạo hành trẻ em diễn ra quá nhiều. Năm ngoái, chúng tôi làm rất mạnh về vấn đề này. Tuy nhiên, tôi cũng cảm thấy rất sợ hãi vì một ngày có thể có đến 3 trẻ bị xâm hại, vấn đề bạo lực thì một ngày có đến hàng nghìn, hàng triệu chứ không phải là 3.
“Từ lâu, việc bố mẹ đánh con, bảo mẫu hành hạ trẻ... nhiều một cách kinh khủng khiến tôi rất bức xúc. Tôi thấy nguy hại khi bảo mẫu hành hạ trẻ không phải xuất phát từ bản thân con người đó mà là từ quan niệm của người Việt Nam là bảo mẫu có quyền đánh trẻ”, vị TS này nói.
Theo TS Vũ Thu Hương, vấn đề bạo hành trẻ không phải xảy ra một hay hai lần mà đã xảy ra nhiều. Vì vậy, không thể xác định mức độ tổn thương như thế nào vì phụ thuộc vào nhiều lý do như độ tuổi, tổn thương mà các cháu gặp phải.
TS Hương khẳng định, mức độ tổn thương của trẻ chắc chắn là có. Bạo hành trẻ em xảy ra nhiều nhưng gần như không giải quyết được chứ không phải liên quan tới mức độ.
Vị TS này cho rằng, có nhiều góc độ để xử lý việc bạo hành trẻ. Trước hết, về cơ quan chức năng, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn về Phòng GD-ĐT các quận, huyện, nên để mắt đến việc cấp phép cho các trường mầm non hoạt động, kiểm tra được mức độ sinh hoạt của các trường mầm non...
“Tôi thấy nên thay đổi về nhận thức vì bảo mẫu, giáo viên không nhìn ra được hành vi của mình là sai. Theo tôi nghĩ, cơ sở mầm non không khó kiểm soát. Tôi từng quan sát các cơ sở mầm non, họ vẫn kiểm soát rất chặt chẽ. Tuy nhiên, không ai có thể lắp camera xung quanh người bảo mẫu để kiểm soát”, chuyên gia tâm lý này nhận định.
Theo TS Hương, khi lắp camer trong lớp học, các bảo mẫu, giáo viên sẽ rất ức chế. Theo đó, camera không giải quyết được vấn đề mà còn gây áp lực cho người trông trẻ khi can thiệp quá sâu vào công việc của họ.
Video: Vì sao bạo hành trẻ em hay xảy ra với con công nhân?
GS. TSKH Phạm Tất Dong (Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam) cũng rất ngạc nhiên khi vẫn xảy ra tình trạng bạo hành trẻ em.
GS Dong cho rằng, bạo hành trẻ là sự xuống cấp về mặt đạo đức con người. Theo GS, phải xử lý mạnh những người có hành vi bạo hành trẻ. Đặc biệt, phải đưa ra pháp luật xử lý thật nghiêm để tránh tình trạng nương nhẹ lần này sẽ tiếp diễn lần sau.
Trước đó, mạng xã hội facebook đăng tải 2 đoạn clip đều ghi lại cảnh 2 người phụ nữ bạo hành trẻ. Một người mặc đầm trắng kẻ đen và một người khác mặc áo màu đỏ dài tay, bắt 2 bé trai cởi trần nằm ngửa dưới sàn nhà, liên tục đưa thức ăn vào miệng trẻ.
Đặc biệt, khi bé trai ăn chậm thì liền bị người phụ nữ này liên tục dùng tay tát mạnh vào miệng đứa trẻ. Ngoài ra, người phụ nữ này còn vứt chiếc khăn phủ lên mặt bé. Phẫn nộ hơn, một người phụ nữ còn dùng 2 tay bóp vào mặt đứa trẻ xách lên.
Cơ sở Nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười (Đà Nẵng) có giấy phép đăng ký và chủ nhóm trẻ từng cam kết với địa phương không để xảy ra bạo hành, bạo lực với trẻ, không để xảy ra mất an toàn thực phẩm, đảm bảo chăm sóc theo quy định chuyên môn.
Bình luận