• Zalo

Liên quân Mỹ - Hàn đánh chiếm Triều Tiên trong 2 tuần?

Thế giớiThứ Tư, 17/04/2013 01:56:00 +07:00Google News

(VTC News)- Truyền thông Hong Kong (Trung Quốc) nói liên quân Mỹ - Hàn có kế hoạch đánh chiếm Triều Tiên trong vòng 2 tuần.

(VTC News)- Truyền thông Hong Kong (Trung Quốc) nói liên quân Mỹ - Hàn có kế hoạch đánh chiếm Triều Tiên trong vòng 2 tuần.

Kế hoạch 5027 được xây dựng từ thập kỷ 70, nhằm phòng thủ trước lực lượng quân đội hùng hậu của Triều Tiên và tấn công, chiếm đóng thủ đô Bình Nhưỡng.
Lực lượng tên lửa Triều Tiên - Ảnh: KCNA 
Theo kế hoạch 5027 phiên bản mới được tờ Tuần châu Á mô tả, khi Triều Tiên phóng tên lửa Musudan bất chấp sự phản đối của Mỹ - Hàn, lực lượng liên quân sẽ tấn công qua bên kia biên giới, chiếm đóng thủ đô Bình Nhưỡng và hủy diệt quyền lực của ông Kim Jong-un sau hai tuần tác chiến.
Bước đầu tiên, máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-52 sẽ cất cánh, hủy diệt các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên. Sau đó, những chiếc cường kích F-22 sẽ oanh tạc những địa điểm lắp đặt radar phòng không Triều Tiên, khiến quân đội nước này vào tình cảnh bị “chọc mù mắt”.
Bước tiếp theo, liên quân Mỹ - Hàn với số lượng vượt trội về chiến đấu cơ F15 sẽ hạ gục các phi đội Mig-29 của Triều Tiên, tận dụng ưu thế để chiến thắng về không quân.
Binh lính Triều Tiên tuần tra ở biên giới - Ảnh: Chinanews 
Bên cạnh đó, tàu chiến Mỹ ngoài khơi cũng sẽ nã tên lửa hành trình vào những điểm đóng quân của Triều Tiên, dọn đường cho bộ binh vượt vĩ tuyến 38 (khu phi quân sự liên Triều) để tấn công thủ đô Bình Nhưỡng.
Điều đáng chú ý là, kế hoạch 5027 cũng đề cập khả năng quân đội Trung Quốc tham chiến. 
 

Triều Tiên thề sẽ đáp trả không thương tiếc nếu Hàn Quốc không chấm dứt ngay những hành động thù địch và chống Triều Tiên.

Tối hậu thư Triều Tiên gửi Hàn Quốc
 
Kịch bản này đặt ra bối cảnh Bắc Kinh đưa quân vượt biên giới để chi viện cho đồng minh giống như thời chiến tranh Triều Tiên những năm 1950 với khẩu hiệu “kháng Mỹ, viện Triều”. 
Tuy nhiên, theo nguồn tin của Tuần châu Á, với sự hiện diện của 28.500 lính Mỹ ở Hàn, và có thể lập tức điều động lực lượng chi viện với 33.122 lính Mỹ tại Nhật, cộng với ưu thế vượt trội về hỏa lực, Mỹ - Hàn vẫn sẽ giành thắng lợi trong 2 tuần. 
Trong trường hợp Trung Quốc không đưa quân sang Triều Tiên, các tác giả kế hoạch 5027 cho rằng liên quân Mỹ - Hàn chỉ mất vài ngày để đưa quân áp sát Bình Nhưỡng.
Chiến hạm của liên quân Mỹ-Hàn - Ảnh: Telegraph 
Cũng theo tờ Tuần châu Á, giới quân sự Nhật Bản lo lắng nhất là tên lửa Triều Tiên sẽ tấn công vào những nơi có quân Mỹ đồn trú ở Nhật như quần đảo Okinawa.
Giới chuyên gia quân sự, chính trị ở Nhật nói khả năng Bình Nhưỡng châm ngòi cho cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên là không lớn, nhưng rất có thể nước này sẽ bất ngờ thử tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan hoặc thử nghiệm hạt nhân. 

Chuyên gia quân sự Sera Mitsuhiro, người Nhật cho rằng, một khi tên lửa Musudan rời bệ phóng, tình hình trên bán đảo Triều Tiên sẽ “vô cùng căng thẳng”, không loại trừ khả năng liên quân Mỹ - Hàn sẽ “sử dụng biện pháp quân sự” với kịch bản cải tiến từ kế hoạch 5027 từng được thiết lập trong thế kỷ trước.
Truyền thông Nhật cho hay, nước này đã đưa 4 tàu khu trục Aegis thường tuần tra vùng biển quanh quần đảo Okinawa. 
Nhật Bản đánh giá cao sức mạnh tên lửa Triều Tiên - Ảnh: RT 
Trong khi đó, 16 khẩu đội phóng tên lửa Patriot (PAC-3) đặt tại 4 khu vực khác nhau của Nhật Bản. Số bệ phóng PAC-3 đơn lẻ được cho là 28. Lực lượng Mỹ tại Okinawa được cho là có 24 bệ phóng khác.
Để đề phòng vụ phóng của Triều Tiên, 4 khẩu đội PAC-3 đã được di chuyển tới trụ sở Bộ quốc phòng Nhật Bản ở Tokyo và 3 căn cứ quân sự quanh thủ đô.

Giới quân sự phương Tây nói họ tin rằng tên lửa Musudan có tầm bắn từ 2.500km đến 4.000km, tầm bắn này đủ sức bao phủ toàn bộ quần đảo Okinawa của Nhật. 
Trong khi đó, trang tin quân sự Defense News cho rằng quân đội Triều Tiên hiện sở hữu hơn 50 tên lửa Musudan, điều thật sự đủ sức uy hiếp các quốc gia láng giềng.
Triều Tiên có lực lượng quân đội hùng hậu - Ảnh: KCNA 
Tên lửa Musudan xuất hiện lần đầu trong quốc khánh Triều Tiên tổ chức năm 2010 nhưng được nói là mới chỉ thử nghiệm 1 lần.
Nguồn tin của Tuần châu Á nói Bộ Quốc phòng Nhật Bản đánh giá rất cao khả năng tác chiến của tên lửa Triều Tiên bởi Bình Nhưỡng đã đạt được “nhiều bước tiến rõ rệt” trong công nghệ tên lửa đạn đạo.
Tokyo thay đổi cái nhìn về sức mạnh tên lửa Triều Tiên từ sau vụ thử tên lửa thành công của Bình Nhưỡng tháng 12 năm ngoái.
>> Video: Sức mạnh quân đội Triều Tiên

Hôm 15/4, Triều Tiên gửi cho tối hậu thư cho Hàn Quốc, trong đó có đoạn: “Lực lượng vũ trang Triều Tiên sẽ bắt đầu ngay lập tức những hành động trả đũa bất cứ thế lực thù địch nào làm tổn hại đến danh dự, sự tôn nghiêm của các lãnh đạo tối cao Triều Tiên”.
“Binh lính Triều Tiên sẽ thể hiện sức mạnh của mình trong việc bảo vệ tôn nghiêm, danh dự cho lãnh đạo tối cao Triều Tiên. 
Triều Tiên thề sẽ đáp trả không thương tiếc nếu Hàn Quốc không chấm dứt ngay những hành động thù địch và chống Triều Tiên. Hãy thể hiện thiện chí đàm phán đối thoại một cách thực sự”.
Tối hậu thư của Triều Tiên nhấn mạnh một khi nước này "đã ra tay thì sẽ không báo trước" cho Hàn Quốc. Triều Tiên sẽ chờ lúc Seoul mất cảnh giác nhất để tấn công, theo truyền thông nhà nước Triều Tiên (KCNA).

Nguyên Vũ

Bình luận