Trong lúc nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính không thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng do những thủ tục khắt khe thì trái lại, các “liên minh ma quỷ” dễ dàng vay tiền hàng loạt ngân hàng.
Sau 2 buổi đưa ra xét xử công khai (ngày 4/7 và 7/7), ngày 8/7, TAND tỉnh Kiên Giang đã tuyên phạt Nguyễn Đông Hải (38 tuổi, chủ doanh nghiệp tư nhân Tấn Hải Đăng, thị trấn Thứ 11, H. An Minh, Kiên Giang) mức án tù chung thân về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cùng đồng phạm với Hải còn có hai nguyên nhân viên Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (QSDĐ) H. An Minh là Dương Văn Giàu (39 tuổi) lãnh án 15 năm tù và Nguyễn Hoàng Minh (29 tuổi) lãnh án 7 năm tù.
Nguyễn Đông Hải và các đồng phạm tại tòa. |
Đặc biệt trong vụ án này còn có bị cáo Nguyễn Văn Lượm (59 tuổi, nguyên Phó chủ tịch UBND H. An Minh) bị tuyên phạt 2 năm tù về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Quy trình làm “đất giả”
Theo cáo trạng, năm 2006, Hải thành lập doanh nghiệp tư nhân Tấn Hải Đăng, chuyên kinh doanh mua bán gỗ, vật liệu xây dựng, xây dựng công trình. Trong thời gian làm ăn, Hải đã vay vốn của khá nhiều ngân hàng với những tài sản thế chấp là giấy chứng nhận QSDĐ, bao gồm đất thổ cư và đất nông nghiệp của Hải và mượn của người thân.
Đến đầu năm 2010, kinh doanh thua lỗ, lãi suất ngân hàng tăng cao không đủ tiền để đáo hạn ngân hàng, Hải đã liều mình vay tín dụng đen để xoay xở. Nhưng trong hoàn cảnh “tài chính không lành mạnh” như vậy, doanh nghiệp của Hải lại “mở rộng đầu tư”, mua gom đất để triển khai thực hiện dự án “khu dân cư thu nhập thấp” ngay tại trung tâm thị trấn Thứ 11.
Được sự trợ giúp của các nhân viên Văn phòng đăng ký QSDĐ huyện là Dương Văn Giàu và Nguyễn Hoàng Minh, doanh nghiệp tư nhân của Hải không khó để tạo dựng những bộ hồ sơ “sạch” cho dự án.
Thậm chí, tháng 4/2011, Hải bàn với Minh lấy trộm phôi gốc giấy chứng nhận QSDĐ in khống số thửa, diện tích, mục đích sử dụng đất là đất ở đô thị và vẽ sơ đồ vị trí đất. Sau đó, Hải mang các giấy khống này cho Lượm ký tên, đóng dấu. Khi hoàn tất các thủ tục giấy tờ, Hải vô tư mang thế chấp các ngân hàng để vay tiền.
Những bước... rút tiền thật
Để qua mặt lãnh đạo Văn phòng đăng ký QSDĐ H. An Minh, khi làm hồ sơ vay vốn, Hải nhờ Giàu xác nhận thế chấp khống vào giấy chứng nhận QSDĐ theo yêu cầu của ngân hàng và giả chữ ký của lãnh đạo Văn phòng đăng ký QSDĐ huyện. Với thủ đoạn này, Hải, Minh, Giàu đã làm ra 7 giấy chứng nhận QSDĐ để cho Hải thế chấp vay các ngân hàng 22 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, lợi dụng việc người dân tại H.An Minh đưa giấy chứng nhận QSDĐ nhờ làm thủ tục thế chấp ngân hàng vay vốn, khi mang thế chấp ngân hàng, Hải vay số tiền lớn hơn gấp nhiều lần rồi đưa số tiền cho những người cần vay, số tiền chênh lệch còn lại Hải ung dung sử dụng.
Để tiếp tục vay thêm nhiều tiền, Hải còn được Giàu giúp sức tích cực bằng cách lấy các giấy chứng nhận QSDĐ đang nộp trong kho chờ hủy ra và chỉnh sửa biến động, sang tên khống cho Hải để đem đến ngân hàng.
Riêng ông Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Lượm, do có quen biết với Hải, nên từ tháng 4/2011, khi cán bộ Văn phòng đăng ký QSDĐ đem trình ký, ông này đã ký sai thẩm quyền 8 giấy chứng nhận QSDĐ cấp cho Hải. Tất cả đều không có hồ sơ, không có đất, không vào sổ cấp giấy chứng nhận QSDĐ nhưng sau đó đã được Hải mang thế chấp ngân hàng vay trên 36 tỉ đồng.
Chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 3/2010 đến tháng 11/2011, với sự giúp sức của cán bộ huyện, Hải đã có trong tay tổng cộng 55 giấy chứng nhận QSDĐ khống để thế chấp vay của 6 ngân hàng với số tiền gần 101,6 tỉ đồng. Ngoài ra, Hải còn phân lô bán nền trên giấy trong “khu dân cư thu nhập thấp” tại thị trấn Thứ 11 cho 21 người, với 74 nền khi chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng thu được hơn 18,6 tỉ đồng.
Phiên tòa khép lại với bản án nghiêm khắc dành cho các bị cáo nhưng dư luận địa phương đến nay vẫn chưa thôi bàn tán, bởi cách “vay tiền” của liên minh này sao quá đơn giản. Nhiều nhân chứng tại tòa cho biết, một số ngân hàng cho Hải vay tiền vài chục tỉ đồng nhưng lại ký hồ sơ tín dụng tại quán nước giải khát, thậm chí trong các quán nhậu!
Theo TNO
Bình luận