"Lệnh sơ tán gần đây chúng tôi nhận được từ Chính phủ Israel liên quan đến hoạt động quân sự ở Rafah. Hiện có hơn 110.000 người phải di dời về phía bắc", người đứng đầu Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) ở Gaza, Georgios Petropoulos cho hay.
Điều phối viên cấp cao về tình trạng khẩn cấp của UNICEF tại dải Gaza, Hamish Young kêu gọi cung cấp nhiên liệu, viện trợ ngay lập tức cho dải Gaza.
"Hôm qua, chúng tôi đã đến khảo sát khu vực Al-Mawasi, nơi người dân ở Rafah được yêu cầu chuyển đến. Đã có hơn 100.000 người chạy trốn khỏi Rafah trong 5 ngày qua và dòng người di tản vẫn tiếp tục", ông Hamish Young nói.
Hôm 6/5, quân đội Israel cũng kêu gọi người dân ở dải Gaza rời khỏi miền đông Rafah. Mới đây, Israel bắt đầu một chiến dịch quân sự ở phần phía đông của Rafah và giành quyền kiểm soát cửa khẩu biên giới Rafah giáp với Ai Cập.
Dân số ở Rafah đã tăng lên khoảng 1,5 triệu người sau khi hàng trăm nghìn người Palestine chạy trốn khỏi cuộc chiến ở các khu vực khác của Gaza.
Nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Mỹ kêu gọi Israel không mở rộng cuộc tấn công trên bộ vào Rafah, do lo ngại thiệt hại đối với dân thường.
Quyết định này được đưa ra bất chấp lực lượng Hamas đồng ý với các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn do Ai Cập và Qatar đề xuất. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gọi thỏa thuận này là không thể chấp nhận được.
Hôm 8/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Washington sẽ hạn chế cung cấp vũ khí cho Israel nếu Tel Aviv tiến hành một cuộc tấn công quân sự lớn vào Rafah.
Ngay sau đó, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đáp lại rằng nước này sẵn sàng chiến đấu một mình kể cả khi Mỹ dừng viện trợ. Cố vấn Thủ tướng Israel, ông Dmitry Gendelman cho biết Israel lấy làm tiếc vì không nhận được hỗ trợ vũ khí từ "đồng minh thân cận nhất" là Mỹ.
Xung đột ở Gaza bắt đầu sau khi Hamas tấn công Israel khiến hơn 1.170 người, chủ yếu là dân thường thiệt mạng. Israel đã tiến hành cuộc tấn công trả đũa khiến hơn 34.900 người ở Gaza thiệt mạng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
Bình luận