Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về nghị quyết của phiên họp đặc biệt tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 2/3 về tình hình Ukraine, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
“Liên quan đến phiên họp khẩn cấp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc về tình hình Ukraine và việc bỏ phiếu Nghị quyết tại đây, quan điểm của chúng tôi là Việt Nam luôn theo dõi sát sao và hết sức quan ngại trước tình hình xung đột vũ trang tại Ukraine đang ảnh hưởng tới hoà bình, ổn định tại khu vực và trên thế giới".
Bà Hằng nhấn mạnh ưu tiên hiện nay là cần kiềm chế tối đa, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực để tránh gây thương vong và tổn thất đối với dân thường, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh nhằm đạt được giải pháp lâu dài, có tính đến lợi ích chính đáng của tất cả các bên, trên cơ sở phù hợp với Hiến chương của Liên hợp quốc các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam hoan nghênh đối thoại đang diễn ra giữa 2 phái đoàn Ukraine và Nga, mong các bên sớm tìm ra giải pháp hòa bình, lâu dài cho các bất đồng trên cơ sở phù hợp luật pháp quốc tế và tính tới quyền lợi chính đáng của các bên liên quan.
"Việt Nam ủng hộ và đề nghị cộng đồng quốc tế tiếp tục tạo điều kiện để các bên đối thoại, thúc đẩy viện trợ, cứu trợ nhân đạo cho người dân, đề nghị các bên liên quan đảm bảo an ninh, an toàn tạo điều kiện sơ tán khi cần thiết cho cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống tại Ukraine trong đó có cộng đồng người Việt Nam", đại diện Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Hôm 2/3, Đại hội đồng Liên hợp quốc bỏ phiếu nghị quyết chỉ trích hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine và yêu cầu Moskva rút quân.
Nghị quyết nhận được sự ủng hộ của 141 trong số 193 thành viên, và được thông qua trong một phiên họp khẩn cấp hiếm hoi do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi. Lần cuối cùng Hội đồng Bảo an triệu tập phiên họp khẩn cấp của Đại hội đồng là vào năm 1982, theo trang web của Liên hợp quốc.
Nga cùng với Belarus, Eritrea, Triều Tiên và Syria bỏ phiếu chống lại nghị quyết. Ba mươi lăm thành viên khác, bao gồm Trung Quốc, bỏ phiếu trắng.
Bình luận