Quảng bá Thương hiệu quốc gia -Liên hoan phim Việt Nam là một lựa chọn hàng đầu cho nhiệm vụ quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam. Đó cũng là một trong những giải pháp nằm phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó bao gồm công nghiệp điện ảnh.
Đây là nội dung cuộc hội thảo do Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 29/7 tại Hà Nội.
Tại hội thảo, các đại biểu nhận định, liên hoan phim là cơ hội cho sự sáng tạo và đa dạng của nền điện ảnh. Bởi lẽ, đây không chỉ là cơ hội cho các phim lớn, được quảng bá rầm rộ mà còn dành nhiều không gian cho phim nhỏ, phim độc lập ít bị chi phối bởi mục đích sinh lời. Một liên hoan phim chất lượng phải quy tụ được đông đảo các nhà làm phim và nhiều bộ phim hay, mang giá trị nghệ thuật cao.
Bên cạnh đó, liên hoan phim là cơ hội quảng bá hình ảnh quốc gia. Điện ảnh là một trong những phương tiện quảng bá hiệu quả, để lại những dấu ấn sâu đậm, bền vững, dễ đi vào lòng người.
Do vậy, muốn có một liên hoan phim chất lượng, trước hết phải tập hợp được nhiều bộ phim hay, thu hút sự tham gia của đông đảo đội ngũ làm phim. Đây cũng là ý kiến của đạo diễn Lương Đình Dũng, tác giả của bộ phim Cha cõng con từng dành nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế.
“Nếu coi Liên hoan phim Việt Nam là cơ hội quảng bá thì nên có ban giám khảo là người nước ngoài tham gia chấm giải. Nếu không thương hiệu Liên hoan phim sẽ khó được lan tỏa”- đạo diễn Lương Đình Dũng nói.
Cha đẻ của phim Cha cõng con cũng mong muốn, một liên hoan phim cần có ban giám đốc- những người cụ thể chịu trách nhiệm trong xây dựng thương hiệu của liên hoan phim; cần có quỹ liên hoan phim dành cho các dự án phim chất lượng. Mỗi năm chỉ cần 5 dự án làm nên những bộ phim nghệ thuật có chất lượng thì cơ hội quảng bá đất nước, con người Việt Nam sẽ rất cao.
Các liên hoan phim lớn của thế giới như Liên hoan phim Berlin, Liên hoan phim Busan, Liên hoan phim Toronto, Liên hoan phim Cannes... thường gắn với các địa danh nổi tiếng, mang đậm dấu ấn văn hóa và Liên hoan phim Việt Nam cũng có thể tạo dấu ấn với một địa danh cụ thể.
Bà Phạm Thanh Hường, Trưởng phòng Văn hóa, Văn phòng UNESCO Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm của các liên hoan phim quốc tế: Các liên hoan phim quốc tế luôn gắn với các thành phố văn hóa. Chính quyền thành phố cam kết một chính sách lâu dài để hỗ trợ liên tục cho các liên hoan phim.
Hầu hết các thành phố này đều có mối liên hệ với nhau trong các chương trình hoạt động chung và liên tục trong năm như: xóa mù điện ảnh, tổ chức cuộc thi dành cho các ứng dụng cho điện thoại thông minh để tìm hiểu các di sản điện ảnh; giải thưởng phim ngắn 48h, 72h, dự án giới thiệu, quảng bá và đào tạo, sản xuất phim... để công chúng có thể dễ dàng tiếp cận với điện ảnh.
“Khi chọn lựa các thành phố để tổ chức liên hoan phim thì chúng ta cần khuyến khích, hỗ trợ cho họ. Nếu Việt Nam có thể xác định được một nhóm 2, 3 hoặc 5 thành phố đủ điều kiện trong việc phát triển điện ảnh thì tại sao chúng ta không tạo ra mối quan hệ đối tác với Cục Điện ảnh?
Làm sao để họ không ở trong thế bị động, không biết năm nay mình có được chọn để tổ chức liên hoan phim không? 10 năm nữa mình có được chọn không? Nếu có một mạng lưới khoảng 3-5 thành phố thì mạng lưới ấy sẽ góp phần xây dựng thương hiệu, với những điểm nhấn, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam một cách chủ động”- bà Hương nói.
Tại hội thảo, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cho rằng sự quảng bá của liên hoan phim chưa đủ mạnh, dù chúng ta đang ở thời kỳ 4.0 thì công tác truyền thông của liên hoan phim vẫn không khác nhiều so với cách đây vài thập kỷ mà ở thời điểm đó, sự kiện liên hoan phim lại không bị che lấp bởi hàng chục, hàng trăm những sự kiện khác được quảng bá rầm rộ như ở thời điểm này.
Cũng giống như một bộ phim chỉ được quảng bá trước khi chiếu vài tuần sẽ khó có thể có doanh thu tốt như một bộ phim được đầu tư khâu truyền thông bài bản từ khi bắt đầu hình thành dự án, tổ chức casting, làm tiền kỳ... Chúng ta có một lịch sử phát triển liên hoan phim đã nửa thế kỷ. Trong 21 kỳ liên hoan phim đó, có rất nhiều bộ phim đã tham gia, đã đoạt giải.
"Nếu chúng ta có những kênh quảng bá riêng, có những nhóm làm nội dung riêng để đưa những bộ phim cả cũ, cả mới tới khán giả theo những hình thức mới mẻ nhất, (ví dụ như tạo những clip ngắn là những trường đoạn đặc sắc của các phim...) thì chưa nói đến thương hiệu, cái tên Liên hoan phim Việt Nam sẽ dần dần trở nên thân quen với tất cả người dân Việt Nam.
Chúng ta cũng có thể mở thêm những giải bình chọn của khán giả cho các bộ phim, các diễn viên nổi tiếng. Bởi chính lượng fan của họ cũng là kênh quảng bá vô cùng chất lượng cho liên hoan phim. Tôi nghĩ ở phần này, giải thưởng Ngôi Sao Xanh - cũng là một giải thưởng điện ảnh thường niên tại Việt Nam, đã làm rất tốt"- đạo diễn Đinh Tuấn Vũ nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, để mang lại hiệu quả cho mỗi kì liên hoan phim, cần có sự phối hợp với các nhà sản xuất, các nhà phát hành trong suốt quãng thời gian 2 năm giữa mỗi kỳ liên hoan phim cũng như trong những ngày diễn ra sự kiện.
"Ví dụ, ta có thể tạo ra những chợ phim Việt Nam với sự tham gia của các nhà phát hành quốc tế. Tạo ra một cơ hội thực sự cho các nhà sản xuất phim Việt Nam, cho các bộ phim Việt Nam dù là phim kinh phí lớn hay những phim độc lập, có thể bước ra những thị trường ở nước khác một cách dễ dàng hơn"- đạo diễn Đinh Tuấn Vũ nói.
Có thể thấy sau nhiều kỳ Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội được tổ chức thành công thì việc tổ chức một chợ phim như vậy tại Liên hoan phim Việt Nam hoàn toàn khả thi.
Liên hoan phim Việt Nam thực sự phải là một sự kiện được sự quan tâm, đón nhận của đông đảo công chúng chứ không chỉ riêng những người trong nghề hoặc các nhà báo. Quảng bá vẫn là khâu thiết yếu để một liên hoan phim lan tỏa đến các tầng lớp trong xã hội.
Ở các kỳ liên hoan phim trước, công tác truyền thông thường chỉ được bắt đầu từ trước khi sự kiện diễn ra vài tháng. Và đó là khoảng thời gian quá ngắn để người dân Việt Nam có thể biết, có thể tiếp nhận, chứ chưa nói đến việc tò mò và háo hức về sự kiện Liên hoan phim Việt Nam.
Có lẽ vì thế mà đã có những thực tế đáng buồn, nhiều người lại có sự nhầm lẫn giữa Giải Cánh Diều (Giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam trao hàng năm) và Giải Bông sen Vàng (Giải thưởng lớn nhất của Liên hoan phim Việt Nam do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với Cục Điện ảnh tổ chức hai năm một lần).
Bình luận