Vừa hoàn thành thủ tục nhập học vào lớp 10 cho con từ trường về, chị Trần Bích Thanh (40 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) được giáo viên gọi đăng ký lại tổ hợp. Trước đó, khi làm thủ tục nhập học, chị và con quyết định lựa chọn tổ hợp các môn tự chọn: Vật lý, Hoá học, Sinh học, Địa lý, Công nghệ. Với lựa chọn này, con chị muốn tập trung vào các môn nhóm Khoa học tự nhiên (Lý Hoá, Sinh), giảm nhẹ kiến thức các môn ở tổ hợp khác, trong đó "tránh" môn Lịch sử.
Chị khá bất ngờ khi nhà trường yêu cầu toàn bộ phụ huynh đăng ký lại tổ hợp, trong đó Lịch sử trở thành bắt buộc, xuất hiện ở tất cả các tổ hợp môn.
"Nguyên nhân của sự thay đổi này là do Bộ GD&ĐT quyết định điều chỉnh nội dung môn Lịch sử ở bậc THPT từ môn tự chọn thành môn vừa tự chọn, vừa bắt buộc. Như vậy con gái tôi sẽ phải bỏ Địa lý và thay vào đó là môn Lịch sử", chị Huyền nói và có phần không hài lòng với quy định mới này.
Cô Văn Liên Na, Phó hiệu trưởng trường THCS - THPT Lương Thế Vinh, cơ sở Tân Triều, Hà Nội cho biết, chuẩn bị cho việc triển khai dạy học lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông từ năm học mới 2022 - 2023 tới, trường đã xây dựng nhiều tổ hợp môn để phụ huynh, học sinh lựa chọn phù hợp với năng lực cũng như mục tiêu định hướng sau bậc THPT.
Nắm bắt được tâm lý của nhiều học sinh vốn không mấy "mặn mà" với các môn nhóm khoa học xã hội, nên khi xây dựng tổ hợp các môn, trường đã cân đối, học sinh chọn tổ hợp nhóm các môn khoa học tự nhiên vẫn phải học kèm ít nhất 1 - 2 môn trong nhóm khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế pháp luật). Điều này nhằm đảm bảo sự đồng đều giữa các môn và số giờ giáo viên môn được đứng lớp là ngang nhau.
Tuy nhiên, với sự sắp xếp lại của Bộ GD&ĐT, môn Lịch sử trở thành bắt buộc ở các tổ hợp, kéo theo 3 hệ luỵ. Thứ nhất, khi Lịch sử trở thành môn bắt buộc ở tất cả các tổ hợp thì nhà trường phải giảm môn Địa lý, Giáo dục Kinh tế pháp luật khi xây dựng tổ hợp. Điều này ảnh hưởng đến giáo viên dạy hai môn này, số giờ dạy bị giảm đi nghiêm trọng, kéo theo lương của họ cũng bị hạ xuống với không nhiều học sinh lựa chọn.
Thứ hai, các trường bị xáo trộn, phải xây dựng lại kế hoạch dạy và học khi đang ở thời điểm thí sinh trúng tuyển vào lớp 10 nhập học.
Thứ ba, dự kiến môn Lịch sử sẽ dạy 52 tiết bắt buộc/năm học, còn theo chương trình ban đầu, học sinh phải học 70 tiết/năm học. Câu hỏi đặt ra sau khi học sinh học hết 52 tiết thì sẽ sắp xếp lại thời khoá biểu thế nào và còn 18 tiết tự chọn sẽ dạy thế nào. Đặc biệt, chương trình Lịch sử tự chọn là các kiến thức chuyên sâu và nâng cao hơn so với chương trình bắt buộc đại trà như trước đây. Vậy, việc sửa nội dung, giảm tải kiến thức để phù hợp với đại trà học sinh là rất khó và cần nhiều thời gian. "Trong vòng 1 - 2 tháng, rất khó để Bộ GD&ĐT và các chuyên gia có thể biên soạn được nội dung phù hợp với học sinh đại trà", vị phó hiệu trưởng nói.
Từ những bất cập trên, bà Văn Liên Na hy vọng Bộ GD&ĐT sớm có hướng dẫn cụ thể về việc triển khai dạy môn Lịch sử bắt buộc thế nào từ năm học 2022 - 2023 để các trường lên kế hoạch cụ thể, đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.
Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, việc Bộ GD&ĐT thay đổi quyết định điều chỉnh môn Lịch sử từ tự chọn sang bắt buộc 52/70 tiết khiến các trường bị động. Đến thời điểm này hầu hết trường đã hoàn thành thủ tục nhập học cho học sinh trúng tuyển vào lớp 10. Khi nhập học, các em đều đăng ký tổ hợp sẽ theo học. "Giờ đây, trường phải họp để sắp xếp lại các tổ hợp môn sao cho đúng với quy định trên và học sinh sẽ phải chọn lại các tổ hợp", bà nói.
Vui mừng vì Lịch sử được trở thành môn bắt buộc, nhưng cô Nguyễn Phương Hoa, giáo viên dạy Lịch sử ở thành phố Hoà Bình (Hoà Bình) bày tỏ việc này khiến giáo viên lúng túng.
"Bộ GD&ĐT chỉ còn chưa đầy 2 tháng để điều chỉnh lại nội dung chương trình, tập huấn, in tài liệu hướng dẫn đến toàn bộ giáo viên, các trường trên cả nước trước khi bước vào năm học mới 2022 - 2023. Việc này khó đạt được hiệu quả như mong đợi.
Mặt khác, toàn bộ sách giáo khoa môn Lịch sử đã in và phát hành, nếu giờ sửa lại nội dung thì số sách giáo khoa này cũng cần tính toán lại", cô Hoa băn khoăn và mong Bộ GD&ĐT sẽ ban hàhn thêm hướng dẫn về việc kiểm tra đánh giá học sinh khi chuyển môn Lịch sử từ tự chọn sang bắt buộc 80%.
Ngày 11/7, Bộ GD&ĐT ban hành Kế hoạch điều chỉnh môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng bậc THPT. Theo đó, Bộ sẽ xây dựng một số nội dung ở môn Lịch sử bậc THPT trở thành bắt buộc dạy và học áp dụng từ năm học 2022 - 2023. Dự kiến, thời lượng phần bắt buộc 52 tiết/năm học (lớp 10, lớp 11, lớp 12) để dạy cho tất cả học sinh.
Động thái trên được đưa ra sau khi Quốc hội yêu cầu Bộ GD&ĐT nghiên cứu thiết kế lại môn Lịch sử bậc THPT trong chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng từ năm học 2022 - 2023 gồm cả hai phần tự chọn và bắt buộc.
Chương trình giáo dục phổ thông mới được chia làm hai giai đoạn gồm giáo dục cơ bản (lớp 1 đến 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (lớp 10 đến 12). Lịch sử là môn bắt buộc trong giai đoạn cơ bản, cung cấp kiến thức phổ thông, cốt lõi về toàn bộ lịch sử thế giới và Việt Nam.
Đến giai đoạn định hướng nghề nghiệp (cấp THPT), chương trình chỉ yêu cầu học bảy môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Lịch sử là môn lựa chọn, học sinh được tuỳ chọn học hay không theo sở thích và định hướng nghề nghiệp.
Bình luận