Hôm 22/3, Trung Quốc đưa thành viên Nghị viện châu Âu và tiểu ban về nhân quyền vào danh sách đen để đáp trả lệnh trừng phạt của Brussels với các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.
Nghị viện châu Âu, nơi phê chuẩn thỏa thuận toàn diện về đầu tư (CAI) của Trung Quốc, mới đây hủy cuộc họp thảo luận về thỏa thuận này hôm 23/3 như một động thái phản đối quyết định của Trung Quốc.
Các đảng viên Xã hội & Dân chủ trung tả - nhóm lớn thứ hai trong EP khẳng định việc Trung Quốc dỡ bỏ lệnh trừng phạt là điều kiện để bắt đầu các cuộc đàm phán về CAI.
"Phải có giải pháp cho các lệnh trừng phạt trước khi chúng tôi quay trở lại thảo luận về vấn đề này", Bernd Lange, thành viên đảng Dân chủ Xã hội Đức, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế thuộc EP cho hay.
Các nghị sỹ EU bày tỏ lo ngại về tình trạng tình trạng lao động cưỡng bức ở Trung Quốc. Một số cho rằng nên phê chuẩn các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế về vấn đề này trước khi thỏa thuận đầu tư được thông qua.
Ông Reinhard Buetikofer - Chủ tịch phái đoàn quan hệ với Trung Quốc thuộc EP nằm trong số những người bị trừng phạt nhấn mạnh CAI được đưa ra để thông qua trong vòng một năm trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU kéo dài sáu tháng của Pháp.
Cuối năm 2020, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ủng hộ việc Đức thúc đẩy thỏa thuận CAI. Nhưng theo ông Buetikofer, nhà lãnh đạo Pháp có thể đã có cái nhìn khác về thỏa thuận này trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống chỉ còn cách hơn một năm.
"Số phận thương vụ này còn nhiều nghi vấn", ông Buetikofer cho hay.
Hôm 22/3, Pháp triệu tập Đại sứ Lu Shaye để phản đối một số bình luận của ông này cũng như các biện pháp trừng phạt của Bắc Kinh.
Trong buổi họp báo hôm 23/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định Bắc Kinh chủ trương hợp tác chứ không phải đối đầu.
"Phía châu Âu không thể mong đợi việc một mặt thì nói về hợp tác và đạt được lợi thế trong khi mặt khác làm tổn hại lợi ích của Trung Quốc bằng các lệnh trừng phạt", bà Hoa nhấn mạnh.
Tháng 12/2020, EU và Trung Quốc ký thỏa thuận toàn diện về đầu tư sau 35 vòng đàm phán kể từ năm 2013. Thỏa thuận này khi đó được ca ngợi như một phương tiện để đảm bảo khả năng tiếp cận tốt hơn cho các công ty châu Âu vào thị trường Trung Quốc.
EP dự kiến sẽ bỏ phiếu cho CAI vào đầu năm 2022.
Số phận không chắc chắn hiện tại của thỏa thuận này có thể hướng EU tới lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc của Mỹ và thúc đẩy khối này chống lại những gì mà họ coi là hành vi thương mại không công bằng.
Ông Hosuk Lee-Makiyama, Giám đốc tổ chức tư vấn thương mại ECIPE cho biết Bắc Kinh đang gửi tới EU một thông điệp rõ ràng. Hoặc tiếp tục với CIA và gỡ bỏ trừng phạt hoặc đối mặt với việc đánh mất cơ hội đầu tư của các công ty của châu Âu vào thị trường lớn nhất thế giới.
“Trung Quốc không cần phải mở cửa. Đó là thông điệp. Nó thể hiện một sự lựa chọn rõ ràng", ông Hosuk cho hay.
Bình luận