Thời gian qua, dư luận đổ dồn sự chú ý về Hương Giang, khi cô đạt vương miện Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế 2018. Từ một ca sĩ, Hương Giang trở thành hiện tượng, khiến ai cũng phải ngước nhìn.
Nhiều người cho rằng, Hương Giang tiến đến là một biểu tượng chuyển giới của Việt Nam nói riêng và trong tương lai, có thể là cả châu Á nói chung.
Ít ai biết rằng, châu Á từng có một biểu tượng chuyển giới, người truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ như Hương Giang ngày nay. Đó chính là ca sĩ Harisu của Hàn Quốc.
Giới tính bộc lộ sớm và tuổi thơ bị kìm kẹp
Harisu tên thật là Lee Kyung Yeop, sinh năm 1975 tại Seongnam, Hàn Quốc, trong một gia đình đông con.
Giống như nhiều người chuyển giới khác, xu hướng giới tính của Harisu bộc lộ từ rất sớm. Ngay khi còn nhỏ, cô tỏ ra yểu điệu, nữ tính và thích chơi những trò của con gái như nhảy dây, búp bê, đồ hàng... Ngay cả bạn bè của Harisu cũng chủ yếu là con gái.
Cô nói: "Tôi luôn là một cô bé thích chơi búp bê chứ không phải một cậu con trai. Từ khi biết nhận thức, tôi thấy được điều đó".
Gia đình Harisu cũng sớm nhận thấy chút khác biệt giới tính ở cô, nhưng vì quá đông con và phải lo kinh tế nên họ ít bận tâm tới vấn đề này.
Thế nên, Harisu ngày bé cũng có được khoảng thời gian tự do phát triển theo bản ngã con người mình. Cô ngày càng trở nên điệu đà, thích chăm sóc vẻ ngoài và có phong cách giống con gái.
Dù ngày đó, Harisu chưa nhận thức rõ về LGBT cũng như xu hướng giới tính của mình vì truyền thông hạn chế, nhưng cô không hề ngại ngần bộc lộ nó ra ngoài.
Cô nói: "Khi ấy, tôi chỉ biết mình thích cái này, chơi cái kia và cứ thế làm theo những gì mình muốn, chứ không biết tới việc chuyển giới là như thế nào". Giới tính ấy như thứ bản năng của Harisu, không thể giấu nó đi được.
Tuy vậy, Harisu vẫn bị kìm kẹp ít nhiều bởi văn hóa. Việc chuyển giới và đồng tính trong xã hội Hàn Quốc luôn là vấn đề cấm kị, nên cô chưa thể để tóc dài và vẫn phải học ở trường nam sinh.
Thời gian học ở trường nam sinh, Harisu thường xuyên phải hứng chịu sự kì thị, bắt nạt vì xu hướng giới tính khác thường của mình.
Cô tâm sự: "Nhiều bạn trong lớp thường bày ra những trò đùa ác ý để trêu chọc và chế giễu tôi. Họ thậm chí còn chẳng coi tôi như một người bạn. Tôi sống trong môi trường đó một cách cô độc và không thể tìm được tiếng nói chung. Tôi cảm giác, thế giới của mình khác xa những người đó".
Không những vậy, khi sự nữ tính của Harisu bộc lộ ngày một nhiều, mẹ của cô phải gửi cô tới trung tâm Woongbyun để giáo dục giới tính.
Bị cho là mắc bệnh tâm thần
Năm lớp 11, Harisu trải qua tình yêu đơn phương với một cậu bạn cùng lớp điển trai, học giỏi, có ngoại hình giống diễn viên Lee Chang Hoon. Bằng tất cả tình yêu và quyết tâm của mình, cô tỏ tình với cậu bạn đó. Nhưng đáng tiếc, cô bị từ chối vì không phải con gái.
Harisu nhớ lại: "Một người bạn trai học lớp 11 khiến tôi có quyết tâm phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Lúc đầu tôi cũng từng hẹn hò với một bạn nữ sinh trong trường gần đó.
Sau đó, cậu bạn trai mà tôi hẹn hò lần thứ 2 trong đời quyết định chia tay tôi vì nói tôi dù thế nào vẫn là một đứa con trai. Vì vậy tôi quyết tâm phải thay đổi mình thành một cô gái thực sự. Năm học lớp 11, tôi nuôi ý chí đó".
Sau cuộc tỏ tình thất bại, Harisu buồn bã tới mức trầm cảm và còn suýt tự tử. Nhưng chính mối tình đơn phương này đã tiếp thêm sức mạnh, giúp cô nung nấu ý chí phẫu thuật chuyển giới.
Tốt nghiệp xong trung học, Harisu bắt đầu tiêm hoocmon nữ để trở nên nữ tính hơn. Chính vì thế, cô bị từ chối đi nghĩa vụ quân sự bắt buộc, với lí do "mắc bệnh tâm thần". Dù Harisu khá chạnh lòng vì lí do này, nhưng đó lại là may mắn với cô.
Thời gian sau đó, Harisu phải làm việc vất vả, kiếm sống với đủ mọi nghề, từ bồi bàn, tạp vụ tới bán hàng…
Cô kể lại: "Tôi làm việc quên trời đất, bất kể nắng mưa, chẳng biết đến nghỉ ngơi là gì. Một ngày, tôi có thể làm nhiều công việc khác nhau và có những hôm chỉ được ngủ vài tiếng.
Nhưng tôi không cho phép mình mệt mỏi hay kiệt sức. Tôi phải kiếm tiền để phẫu thuật. Ước mơ và động lực đó giúp tôi vượt qua được mọi khó khăn".
Đến cuối những năm 1990, Harisu bắt đầu trải qua các cuộc phẫu thuật chuyển giới, nâng ngực, tạo hình… Những cuộc phẫu thuật này không được diễn ra cùng lúc mà kéo dài thành nhiều đợt, thực hiện ở cả Hàn Quốc và Nhật Bản.
Vì vậy, nó khiến Harisu vất vả, mệt mỏi hơn rất nhiều. Cô nói: "Bạn không thể tưởng tượng được việc cơ thể mình bị cắt xẻ từng phần rồi lại phải di chuyển khắp nơi để làm tiếp phần tiếp theo khó khăn thế nào đâu.
Tôi còn chẳng biết mình có còn sống không nữa. Nhưng rồi tất cả cũng qua, tôi trở thành người phụ nữ như mình mong muốn".
Chuyển giới xong, Harisu học tạo mẫu tóc và làm việc ở Nhật trong nhiều năm. Sau này, cô chuyển sang làm người mẫu và được phát hiện bởi một công ty đào tạo tài năng.
Tới tận năm 2000, Harisu mới trở về Hàn Quốc để hoạt động giải trí dưới sự quản lí của TTM Entertaiment. Năm ấy, cô vừa tròn 25 tuổi.
Harisu tâm sự: "Tôi muốn trở về quê hương và hoạt động giải trí như một nghệ sĩ để mọi người biết tới mình nhiều hơn. Tôi không muốn bỏ phí và chôn vùi thành quả cũng như nỗ lực của mình trong nhiều năm trước đó. Tôi cảm thấy tự hào về bản thân và muốn bộc lộ hết những gì mình có".
Trở thành biểu tượng chuyển giới của châu Á
Năm 2001, Harisu xuất hiện lần đầu trong một quảng cáo truyền hình cho hãng mỹ phẩm DoDo. Quảng cáo này thành công một cách chóng mặt vì nhan sắc tuyệt đẹp của Harisu.
Nhiều người trầm trồ khen ngợi rằng, không có một diễn viên hay ca sĩ Hàn Quốc nào ở thời điểm đó đẹp như Harisu.
Cô vừa quyến rũ, nóng bỏng, lại vừa thuần khiết và có chiều sâu, mang chất rất riêng, không lẫn với ai. Vẻ đẹp của Harisu có thể sánh với mọi ngôi sao khác như Chương Tử Di, Thư Kỳ, Châu Tấn, Phạm Băng Băng…
Tuy nhiên, ngay sau khi quảng cáo được phát sóng, Harisu tự nhận mình là người chuyển giới, khiến công chúng rất bất ngờ. Cô nói: "Tôi muốn đối mặt với người dân một cách trung thực nên sẽ không che giấu giới tính của mình và muốn làm rõ ngay từ đầu".
Mọi người sau khi biết chuyện không những không quay lưng, mà còn mến mộ Harisu nhiều hơn. Đây là một kì tích tại Hàn Quốc, quốc gia nổi tiếng khắt khe và cấm đoán chuyện giới tính thứ ba.
Như vậy, Harisu chính là ca sĩ chuyển giới đầu tiên xuất hiện trên sóng truyền hình tại Hàn Quốc.
Sau thành công đầu tiên này, Harisu tích cực tham gia các hoạt động khác như viết tự truyện, đóng MV âm nhạc, phát hành album và đóng phim.
Các bộ phim Harisu đóng đều có tính xã hội và nhân văn cao. Chẳng hạn, ở vai diễn bị hoán đổi giới tính trong bộ phim Yellow Hair 2, Harisu chia sẻ: "Tôi muốn phá vỡ định kiến về người chuyển giới, về sự dơ bẩn và cực đoan mà họ thường bị gán vào".
Album thứ 2 mang tên Liar của Harisu từng vượt qua nhiều nghệ sĩ khác để tới vị trí 23 trên bảng xếp hạng trong tháng đầu tiên.
Đây là thành tích lớn nhất mà một nghệ sĩ chuyển giới có được tại Hàn Quốc từ trước đến nay. Nó cho thấy thành công lớn của Harisu trong quá trình tiếp cận công chúng để xóa nhòa ranh giới giới tính.
Ngoài ca hát và đóng phim Harisu còn mạnh dạn tham gia chuyên mục tư vấn chuyện phòng the dành riêng cho phụ nữ trên sóng phát thanh. Cô thậm chí còn gây sốc khi đóng quảng cáo băng vệ sinh.
Đây thực sự là những điều không ai nghĩ một người chuyển giới có thể làm được, nhưng Harisu lại làm được, khiến công chúng thêm phần nể phục cô.
Lâu dần, Harisu trở thành đàn chị trong làng giải trí Hàn Quốc. Cô sở hữu khối tài sản khổng lồ, từng lọt top những nghệ sĩ giàu nhất. Dù là một người chuyển giới, Harisu vẫn khiến cho những nghệ sĩ khác phải ghen tị và ngưỡng mộ.
Không chỉ thành công trong nước, Harisu còn lấn sân ra nước ngoài. Cô tham gia các phim truyền hình, điện ảnh tại Đài Loan, Hồng Kông và nhận được một số đề cử, giải thưởng tại các liên hoan phim. Tiếp đó, Harisu còn phát hành album tại Malaysia.
Với những thành công này, tên tuổi Harisu vươn ra châu Á. Cô được công chúng ưu ái mệnh danh là "Kylie Minogue của phương Đông".
Như vậy, có thể thấy, Harisu chính là biểu tượng chuyển giới của cả châu Á chứ không riêng gì Hàn Quốc. Tính đến thời điểm hiện tại, Harisu vẫn là ca sĩ chuyển giới nổi tiếng và thành công nhất châu Á, mà chưa ai thay thế được cô.
Tích cực bảo vệ người chuyển giới – niềm tự hào của giới tính thứ ba
Không chỉ phấn đấu trong nghề nghiệp, Harisu còn tích cực đấu tranh xã hội để "cải vận" cho mình và những người chuyển giới như cô.
Năm 2002, Harisu đệ đơn lên Toà án quận Incheon để yêu cầu xác định lại giới tính của cô trong sổ đăng ký gia đình. Tên khai sinh của cô được đổi từ Lee Kyung Yeeop sang Lee Kyung Eun. Tòa án chấp thuận các yêu cầu này.
Như vậy, cô trở thành người thứ hai tại Hàn Quốc thay đổi một cách hợp pháp giới tính của mình. Harisu nói: "Khoảnh khắc đáng xấu hổ nhất của tôi là khi tôi phải đưa chứng minh nhân dân trước mọi người...
Tôi không thể có hộ chiếu, thị thực hoặc thậm chí các tài khoản ngân hàng của riêng tôi chỉ vì tôi là người chuyển giới".
Năm 2007, Harisu tới tận Trung Quốc để hỗ trợ kinh phí phẫu thuật cho một người chuyển giới nghèo khó. Cũng trong năm đó, cô dùng tài sản của mình và vận động thêm các nhà hảo tâm để mở một trung tâm cho trẻ mồ côi.
Tới năm 2009, Harisu mở hẳn một câu lạc bộ dành riêng cho người chuyển giới tại Seoul.
Đến bây giờ, Harisu vẫn miệt mài tham gia các hoạt động xã hội và đấu tranh cho quyền bình đẳng giới. Với những đóng góp to lớn này, cô xứng đáng là niềm tự hào của người chuyển giới tại châu Á.
Video: Hương Giang có "số" làm Hoa hậu từ trước?
Bình luận