Tối 9/4, lễ trao giải Cánh Diều 2016 đã diễn ra tại Nhà hát Quân đội (TP.HCM) với sự có mặt của khá nhiều đạo diễn, diễn viên nổi tiếng.
Ra đời từ năm 1994, do Hội Điện ảnh Việt Nam đề ra nhằm khuyến khích sự lao động sáng tạo của giới văn nghệ sĩ trên cả nước, Cánh Diều từng được kỳ vọng như một “Oscar của Việt Nam” nhưng đến nay giải thưởng vẫn chỉ mang tính chất nội bộ.
Khâu tổ chức giải thưởng cũng là một điều đáng bàn. Khán giả theo dõi lễ trao giải vài năm gần đây cảm thấy ngán ngẩm với cách thức tổ chức ngày càng tệ vì thiếu kinh phí, cũng như sự "kém mặn mà" của các văn nghệ sĩ với giải thưởng này.
Còn nhớ cách đây 2 năm, đúng 10 ngày trước khi lễ trao giải 2014 diễn ra, ban tổ chức (BTC) gần như không thể tổ chức sự kiện trao giải vì thiếu kinh phí. Các nghệ sĩ cũng ngại ngần khi được mời đến tham dự với tư cách khách mời hay biểu diễn góp vui.
Năm nay, Cánh Diều may mắn có được sự đầu tư, hỗ trợ của một công ty sản xuất phim tư nhân, và được kỳ vọng sẽ có một diện mạo mới, hoành tráng và chỉn chu hơn, xứng đáng là lễ trao giải thưởng điện ảnh hàn lâm "made in Vietnam".
Thế nhưng, một lần nữa, ban tổ chức (BTC) giải thưởng Cánh Diều lại khiến công chúng thất vọng. Sân khấu năm nay quá tẻ nhạt với màn hình LED và những cánh diều xơ xác, luộm thuộm như ở một sự kiện hội chợ nào đó. Những tiết mục giải trí cũng chẳng được đầu tư cho xứng tầm của một lễ trao giải.
Nhịp độ chương trình diễn ra đều đều, tẻ nhạt. Hết phát biểu thì đến ca hát, người lên công bố, kẻ xuống sau khi nhận giải. Đặc biệt, hàng loạt sự cố "dở khóc dở cười" diễn ra suốt chương trình khiến người xem không khỏi bức xúc.
Ở phần công bố đề cử và trao giải, người trao giải và MC đọc sai tên người nhận giải và không nhớ người lên trao giải là ai, liên tục gọi nhầm tên bộ phim Vẽ đường cho yêu chạy của đạo diễn Vũ Ngọc Phượng thành "Vẽ đường cho hươu chạy".
Bên cạnh đó, Cánh Diều 2016 còn gặp trục trặc kỹ thuật gây mất điện khiến chương trình buộc phải tạm dừng. Toàn bộ khu vực sân khấu và phía khán giả tối om khiến nhiều người bất ngờ, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Khán giả xem truyền hình trực tiếp cũng không khỏi ngơ ngác.
Đặc biệt, giải thưởng "Diễn viên chính xuất sắc" cho thể loại "Phim truyền hình" gọi tên ba nghệ sĩ: NSƯT Minh Trang (phim Chiều ngang qua phố cũ), Hồng Đăng và Lã Thanh Huyền (phim Zippo, mù tạt và em), nhưng BTC chỉ chuẩn bị hai chiếc cúp cho ba người nhận giải. Sự cố vô duyên này dẫn đến sự ái ngại cho cả người trao giải lẫn người nhận giải.
Video: BTC trao thiếu cúp gây bức xúc
Người trao giải cũng không biết "ai nên ai đừng". Lã Thanh Huyền và Hồng Đăng nhận cúp cũng "khó nuốt trôi" khi hàng loạt những ý kiến cho rằng họ nên trao lại cho người đồng nghiệp lớn tuổi cho "phải phép". Còn NSƯT Minh Trang, dù phải nắm tay Kim Tuyến "cười trừ" cũng không được "buông tha" khi giữa giây phút đáng phật lòng ấy vẫn được đề nghị phát biểu.
Nhiều khán giả đã bày tỏ sự bức xúc, phàn nàn về khâu tổ chức chương trình của giải thưởng Hội Điện ảnh Việt Nam: "Đã biết là có bao nhiêu giải thưởng mà thiếu cúp thì xin thưa quý vị đang làm trò cười hả?", "Xấu hổ đến tận tim gan. Xem đến 4/5 chương trình mà không biết phim nào họ đề cử, trao giải"
Giải thưởng Cánh Diều năm nay là "cuộc đua" của 19 phim điện ảnh, 20 phim truyền hình, 13 phim hoạt hình, 39 phim tài liệu, 11 phim khoa học, 16 phim ngắn cùng 5 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh.
Giải thưởng Cánh diều 2016
- Điện ảnh
Phim truyện xuất sắc:
Cánh diều vàng: Sài Gòn anh yêu em
Cánh diều bạc: 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy, Tấm Cám: Chuyện chưa kể
Bằng khen: Cha cõng con, Sút, Bao giờ có yêu nhau
Bằng khen của BGK: Tik Tak anh yêu em
Đạo diễn xuất sắc: Vũ Ngọc Phượng với 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy
Nam diễn viên chính xuất sắc: Hà Hiền với Sút
Nữ diễn viên chính xuất sắc: Jun Vũ với 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy
Nam diễn viên phụ xuất sắc: Huỳnh Lập với Sài Gòn anh yêu em
Nữ diễn viên phụ xuất sắc: Đỗ Quỳnh Chi với 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy
Âm thanh xuất sắc: Phạm Viết Thanh với Fan cuồng
Âm nhạc trong phim xuất sắc: Đức Trí với Sài Gòn anh yêu em và Tấm Cám: Chuyện chưa kể
Họa sĩ thiết kế xuất sắc: Nguyễn Anh Thao với Sài Gòn anh yêu em
Quay phim xuất sắc: Bob Nguyễn với Sút
Biên kịch xuất sắc: Ngọc Bích với Sài Gòn anh yêu em
- Truyền hình
Phim truyện xuất sắc:
Cánh diều vàng: Zippo, mù tạt và em
Cánh diều bạc: Chiều ngang qua phố cũ và Dòng nhớ
Bằng khen: Lựa chọn cuối cùng, Biên cương, Nguyệt thực, Lời nguyền
Bằng khen của BGK: Tình thù hai mặt
Đạo diễn xuất sắc: Trọng Trinh - Bùi Tiến Huy với Zippo, mù tạt và em
Nam diễn viên chính xuất sắc: Hồng Đăng với Zippo, mù tạt và em
Nữ diễn viên chính xuất sắc: Lã Thanh Huyền với Zippo, mù tạt và em và Minh Trang với Chiều ngang qua phố cũ
Nam diễn viên phụ xuất sắc: Công Lý với Chiều ngang qua phố cũ
Nữ diễn viên phụ xuất sắc: Minh Hương với Zippo, mù tạt và em
Quay phim xuất sắc: Nguyễn Hoàng Phương - Trần Kim Vũ với Zippo, mù tạt và em
Biên kịch xuất sắc: Chu Hồng Vân - Nguyễn Tuấn Thành với Lựa chọn cuối cùng
- Phim tài liệu và khoa học
Cánh diều vàng cho phim khoa học Một giải pháp chống xói lở bờ biển
Cánh diều vàng cho phim tài liệu: Hai đứa trẻ
Đạo diễn phim tài liệu hoặc khoa học xuất sắc: Tạ Quỳnh Tư với Hai đứa trẻ
- Phim hoạt hình
Cánh diều vàng cho Cậu bé Ma-nơ-canh
Đạo diễn phim hoạt hình xuất sắc: Phạm Hồng Sơn với Cậu bé Ma-nơ-canh
- Phim ngắn
Không có Cánh diều vàng
Cánh diều bạc cho XX2061, Áo đồng phục và Rito Rito
- Công trình nghiên cứu lý luận, phê bình điện ảnh
Không có Cánh diều vàng
Cánh diều bạc cho Quay phim điện ảnh & truyền hình của Lê Bình
- Giải thưởng thành tựu dành cho NSND Nguyễn Khắc Lợi (đạo diễn Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong, Hai bà mẹ, Tướng về hưu…), diễn viên, đạo diễn, NSND Trần Phương (Vợ chồng A Phủ).
Video: Trailer phim "Vệ sĩ Sài Gòn"
Bình luận