• Zalo

Lê Hữu Minh - người đàn ông đam mê chế tạo máy cơ khí

Khoa học - Công nghệThứ Ba, 10/04/2018 11:25:00 +07:00Google News

Với niềm đam mê sáng tạo và sự cần mẫn, anh Lê Hữu Minh (39 tuổi, phường Hương Văn, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế), với trình độ học vấn lớp 8 đã chế tạo ra máy ép dầu đậu phụng (lạc), dầu mè bằng thủy lực và máy xay nghệ tươi.

Bên trong căn xưởng nhỏ, anh Minh vừa chăm chú hàn miếng sắt vừa mở đầu câu chuyện: “Ngày xưa, gia đình tôi kinh tế khó khăn nên tôi học xong lớp 8 thì nghỉ. Sau đó, tôi theo học nghề cơ khí của bố, một người thợ cơ khí lành nghề có tiếng trong vùng. Năm 2009, bố tôi qua đời. Khi đó tôi với thâm niên 14 năm theo nghề đã được tiếp quản cơ sở cơ khí và tiếp tục sản xuất cho đến nay”.

Nhờ sinh ra trong gia đình có truyền thống sản xuất cơ khí nông cụ cùng sự chỉ bảo từ người bố của mình, anh Minh không chỉ tiếp tục làm ra những sản phẩm mà bố đã truyền nghề mà anh còn tự tay làm ra những sản phẩm mới như máy ép dầu lạc, mè bằng thủy lực và máy xay nghệ tươi, máy bóc vỏ lạc, mè, máy sàng lạc…, mỗi năm cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng và tạo công ăn việc làm cho 4 lao động với thu nhập ổn định từ 4-6 triệu đồng/tháng/người.

Chính sự lao động không biết mệt mỏi, năm 2017 anh đã đoạt giải ba và giải khuyến khích của hội thi bình chọn sản phẩm công nghiệp - nông thôn tiêu biểu thị xã Hương Trà với 2 loại máy ép dầu phụng, mè bằng thủy lực và máy xay nghệ tươi. Riêng máy ép dầu phụng - mè bằng thủy lực được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp - nông thôn tiêu biểu tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2017.

1

 

“Qua nghiên cứu tôi thấy có thể ứng dụng nguyên lý hoạt động của máy xe múc đất để chế tạo ra máy ép dầu thủy lực. Từ đó, tôi bắt đầu tìm tòi chế tạo máy, và sau hơn một năm với nhiều lần thất bại tôi mới chế thành công chiếc máy ép dầu phụng, dầu mè bằng công nghệ thủy lực được nông dân trồng đậu, mè trong vùng rất ưa chuộng bởi chỉ cần đổ lạc vào máy xay mịn để làm nhuyễn sản phẩm.

Sau đó đem đi nấu để cho vào máy ép dầu. Thông qua các bộ phận, máy sẽ ép những cân lạc thành những giọt dầu béo ngậy, thơm mùi lạc. Máy do tôi chế tạo đã giúp người dân tăng năng suất chế biến dầu lên gấp 3 lần so với phương pháp ép thủ công. Máy hoạt động với công suất ép 1 - 1,5 tấn lạc/ngày (tùy thuộc vào công suất lớn nhỏ của máy), qua đó giảm bớt đi nhân công" - anh Minh chia sẻ.

Từ đó đến nay, anh Minh đã chế tạo gần 10 máy theo đơn đặt hàng của người dân ở các tỉnh miền Trung với mỗi máy từ 45 đến 55 triệu đồng, tùy theo công suất của máy.

Chưa hết, năm 2016, trong quá trình làm nghề, có một số người đặt máy xay nghệ, anh cũng mạnh dạn nghiên cứu, học hỏi dựa trên nguyên lý hoạt động máy cắt sắn tươi. Trời không phụ người, sau bảy tháng cực nhọc nghiên cứu và thực nghiệm, anh đã làm ra được máy xay nghệ tươi. Anh Minh cho biết, hiện nay chỉ cần nửa tháng, anh sẽ hoàn thành được một chiếc máy xay nghệ. Cấu tạo của máy gồm trục, mô tơ và nhiều bộ phận khác. Với chiếc máy này, người dùng chỉ cần đổ nghệ và chờ máy xay ra thành phẩm chứ không mất sức làm thủ công, có thể xay từ 5 tạ - 1 tấn nghệ/ngày.

So với các máy đang có trên thị trường, máy do anh Minh chế tạo giá thành dao động từ 5-10 triệu đồng có công suất và mức năng lượng tiêu hao tương tự nhưng giá thành của sản phẩm rẻ hơn vài triệu đồng. Chính vì vậy hiện có nhiều người đặt máy xay nghệ và máy ép dầu thủy lực nhưng anh chưa đáp ứng được.

Nhã Phương
Bình luận
vtcnews.vn