Video: Hàng nghìn cảnh sát, công an thiết lập 3 vòng bảo vệ tại Lễ hội Đền Hùng
Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Kỷ Hợi 2019 diễn ra trong 3 ngày từ 8-10/3 âm lịch (tức 12-14/4 dương lịch). Nét nổi bật tại lễ hội năm nay là phương châm xã hội hóa công tác tổ chức lễ hội. Theo đó, hầu hết các nhiệm vụ trong lễ hội được giao cho các sở, nghành, đơn vị, UBND huyện, thành, thị.
Vào khoảng 6h30 ngày 10/3 (tức 14/4), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ tham gia lễ dâng hương tại Đền Thượng. Chương trình buổi lễ được truyền hình trực tiếp và phát thanh trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Phú Thọ.
Song song với hoạt động dâng hương, tỉnh Phú Thọ cũng có chủ trương vận động mỗi gia đình làm một "mâm cơm tri ân" vào thời điểm Chủ lễ đọc Chúc văn trên Đền Thượng.
Mâm cơm tri ân do gia đình tự chuẩn bị, đảm bảo trang nghiêm, đầm ấm để tưởng nhớ, tri ân công đức tổ tiên chung của dân tộc
Theo đó, việc thực hiện “mâm cơm tri ân" tạo thành hiệu ứng xã hội nhằm tôn vinh di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”.
Bà Đào Thị Tuyết Thanh - Trưởng Ban Tuyên giáo Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: “Đây là năm đầu tỉnh Phú Thọ tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện “Mâm cơm tri ân" công đức các Vua Hùng với hình thức tự nguyện. Do vậy, Ủy ban MTTQ tỉnh xác định việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để các hộ gia đình trong tỉnh hưởng ứng.
Mâm cỗ được chuẩn bị chu đáo, thiết thực, kỹ lưỡng mang ý nghĩa tri ân chứ chưa đặt thành vấn đề bắt buộc phải có những vật phẩm gì. Để đáp ứng những yêu cầu đó, các Ban Mặt trận ở khu dân cư cùng với các thành viên trong khối đại đoàn kết dân tộc ở cơ sở tích cực tuyên truyền về ý nghĩa của việc làm này trong nhân dân”.
Bà Nguyễn Thị Yến ở khu 2, xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao đề xuất: “Theo tôi, vật phẩm cúng tế các Vua Hùng, bên cạnh xôi oản, hoa quả, rượu, gạo, muối, thịt gà, thịt lợn thì nên khuyến khích nhân dân sắp thêm món bánh chưng, bánh giầy và quả dưa hấu lên mâm cỗ tri ân này”.
Bình luận