• Zalo

Lê Hoàng chung tay làm nên ‘thảm hoạ điện ảnh’ 2012

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 27/12/2012 07:21:00 +07:00Google News

(VTC News) - Được chọn làm phim chiếu khai mạc LHP Quốc tế Hà Nội 2012, nhưng bộ phim "Cát nóng" của Lê Hoàng đã làm điện ảnh nước nhà phải mất mặt.

(VTC News) - Được chọn làm phim chiếu khai mạc LHP Quốc tế Hà Nội 2012, nhưng bộ phim Cát nóng của Lê Hoàng đã làm điện ảnh nước nhà phải mất mặt với bạn bè quốc tế.

Bài 1: Điểm danh những 'đại thảm họa' phim Việt năm qua

Lê Hoàng - Hồng Quế: Ai đáng xấu hổ hơn ai?

Sau vụ thất thoát gần 40 tỷ đồng ở Cục Điện ảnh hồi năm ngoái, kinh phí cấp duyệt cho các hãng phim Nhà nước là hết sức eo hẹp. Năm 2012 chỉ có 2 bộ phim được cấp ngân sách gồm Cát nóng (đạo diễn Lê Hoàng - Hãng phim Giải phóng) và Đam mê (Đạo diễn Phi Tiến Sơn - Hãng phim truyện I).

Đây cũng chính là hai phim được ra mắt trong LHP Quốc tế Hà Nội 2012 diễn ra từ 25-29/11/2012 vừa qua. Nhưng ngay sau khi chiếu ra mắt, cả hai phim đã được xếp vào danh sách “thảm hoạ điện ảnh” năm 2012.

Cát nóng là dự án phim được Hội đồng duyệt quốc gia duyệt kịch bản của nhà biên kịch Phạm Thuỳ Nhân cách đây vài năm với kinh phí 6 tỷ đồng. Nhưng do hai năm nay Cục Điện ảnh lao đao vì vụ thất thoát tiền tỷ nên dự án này bị đình lại.

Cảnh trong phim Cát nóng, Quách Ngọc Ngoan (vai Nam) và Kim Tuyến (vai Tuyết). 
Thời buổi lạm phát tăng, chi phí sản xuất phim truyện cũng tăng. Số tiền trên không thể đủ để làm phim. Đã từng có đạo diễn nhận sẽ làm phim trên kịch bản của Phạm Thuỳ Nhân nhưng với thời lượng ngắn hơn dự kiến, nhưng không được chấp nhận.

Dự án này cuối cùng về tay đạo diễn Lê Hoàng. Lê Hoàng đã chỉnh sửa kịch bản theo ý mình và cũng vì thế mà gây nên lời qua tiếng lại với biên kịch Phạm Thuỳ Nhân trong tuần qua.

Cát nóng xoay quang câu chuyện diễn ra tại một khu resort ở Miền Trung, nơi có vùng biển và những bãi cát dài đẹp mê hồn. Những người quản lý khu resort là Tuyết (Kim Tuyến đóng) - chủ tịch HĐQT và người yêu của cô là Nam (Quách Ngọc Ngoan đóng) làm Giám đốc phụ trách kinh doanh. Tuyết có sở thích là ăn dông - loài bò sát sống trong cát.

Trong khi đó, vì một ám ảnh thời thơ ấu, mà cô gái tên Cát - sống cùng chị gái tên Mai ở một ngôi nhà nhỏ gần khu resort không muốn con người làm hại loài vật này. Cát hồn nhiên, ngây thơ đến khờ dại… luôn tìm mọi cách để cứu những con dông tội nghiệp.

Phương Thanh (vai Mai).  
Cái táo bạo của Lê Hoàng ở chỗ anh rất “ngây thơ” khi dùng máy quay phim truyền hình cho dự án điện ảnh này. Trong buổi công chiếu hôm 25/11 tại LHP Quốc tế Hà Nội 2012, có ý kiến thắc mắc sao gọi một phim quay bằng máy quay phim truyền hình là phim điện ảnh, Lê Hoàng bảo: “Bộ phim được quay bằng máy quay truyền hình, nhưng đó lại là một bộ phim nhựa”. Vị đạo diễn Gái nhảy cũng tự tin cho rằng: “Là phim nhựa hay không là do cái đầu”.

Vẫn sự tự tin thái quá của Lê Hoàng còn khiến người xem cảm thấy bực bội vì lối thoại và tính cách nhân vật “ngây thơ” đến vô lý. Ví dụ như khán giả không hiểu tại sao một cô gái hồn nhiên như Cát lại... “trèo lên giường” của anh chàng Nam chỉ để cầu xin anh “đừng ăn dông!”.

Tương tự, người xem cũng khó có thể hiểu được vì sao Lê Hoàng phải lạm dụng những cảnh tàn sát dông rùng rợn, khiến người ta nổi da gà trong một chuyện phim được cho là đậm chất nhân văn về tình yêu của con người với loài động vật này.

Khán giả không hiểu tại sao một cô gái hồn nhiên như Cát lại... “trèo lên giường” của anh chàng Nam chỉ để cầu xin anh “đừng ăn dông!”.  
Trong Cát nóng, bà chủ resort tỏ ra thích thú khi dùng gót giày nhọn hoắt hành hạ con dông bé nhỏ đến hấp hối. Thế vẫn chưa kinh hãi bằng cảnh nhân vật này váy áo xúng xính, xông vào bếp chặt phăng đầu cả tá dông. Máy quay zoom cận vào khuôn mặt xinh đẹp vô cảm của Tuyết, vào những cú chặt chính xác lên những con dông giãy giụa...

Xem xong phim, NSND Thế Anh cho rằng: “Phim có quá nhiều cảnh phản cảm, đặc biệt là những cảnh máu me khi đầu bếp chế biến món dông, cảnh cô Tuyết cầm dao chặt đầu con dông, cảnh dông bị nướng chín, phơi mình trên đĩa, cảnh hàng trăm con dông bị cháy… Nếu mục đích của đạo diễn là dọa khán giả thì xem ra những cảnh phản cảm trên đã làm rất tốt nhiệm vụ của nó”.

Phim vừa khép lại, trên các mạng xã hội, đã có những bình luận, đại ý: “Cát nóng xứng đáng là một thảm hoạ điện ảnh”. Thậm chí không ít ý kiến còn bình luận ở LHP Quốc tế Hà Nội 2012,  Lê Hoàng - Hồng Quế: Ai đáng xấu hổ hơn ai?

Đam mê ngây ngô của Phi Tiến Sơn

Số phận không khá hơn là mấy, Đam mê của đạo diễn Phi Tiến Sơn cũng có kết cục khá buồn. Tại tuần phim Việt Nam, do Hội Điện ảnh TP.HCM tổ chức, khai mạc vào ngày 16/12 vừa qua dù chiếu miễn phí nhưng Đam mê cũng ế thảm khi không có người xem. 
 
Đam mê là dự án do Hãng phim truyện I sản xuất, có kinh phí 10 tỷ, trong đó 50% là ngân sách Nhà nước hỗ trợ. Khác Cát nóng, đạo diễn Đam mê đã chọn những thiết bị tân tiến để thực hiện bộ phim điện ảnh này với lời giới thiệu: “Sử dụng máy quay RED ONE, thu thanh đồng bộ - hòa âm và in bản tại Technicolor Thailand”. Do đó Đam mê ăn đứt Cát nóng bởi có những góc quay đẹp, tinh tế và đậm chất điện ảnh.

Đam mê' ăn đứt Cát nóng bởi có những góc quay đẹp, tinh tế và đậm chất điện ảnh.  
Thế nhưng cần đó chưa đủ để làm nên một tác phẩm hay. Lỗi của Đam mê là kể một câu chuyện không thuyết phục. Đam mê xoay quanh câu chuyện về niềm đam mê của các thành viên trong gia đình, một người cha thích nuôi, chăm sóc hổ, gấu, trong khi cậu con trai lại thích hút mật gấu, bẫy chim, còn cô con gái chỉ luôn mơ ước được làm người mẫu. Mỗi người có lý do riêng để theo đuổi đam mê, cả ba đều tìm cách khẳng định đam mê của mình, thậm chí họ còn sử dụng những thủ đoạn để ngăn cản đam mê của người khác. 

Phim đưa ra những luận đề rất ngây ngô. Để nhát cô con gái Nhã Lâm (Trúc Diễm) đam mê nghề người mẫu, cha cô - ông Tư Dược (Trung Dũng), đã tìm được Kim Kim (Kim Khánh), một cựu người mẫu sau nhiều năm lăn lộn trên sàn catwalk giờ phải ở ẩn nơi rừng núi với di chứng là cái chân thọt, về để cho cô này “mở mắt” biết cái giá phải trả cho nghề người mẫu.

Kim Kim là điển hình cho sự nặng nề đến vô lý trong cách xây dựng nhân vật. Cứ cảnh nào cô xuất hiện là hàng loạt những quan điểm về người mẫu đích thực, về cái đẹp, về lòng đam mê và tự trọng nghề nghiệp, bề nhân quả được đi kèm.

Người xem thấy sự cứng nhắc đến khó chịu của những luận đề mang nặng tính giáo điều mà các nhân vật của Đam mê trải qua.  
Để thuyết phục Khánh Lâm, Kim Kim kể kết cục của những đồng nghiệp đã hại mình: “Bảo Hoa tự sát bên Mỹ; Kiều Hạnh, Mỹ Hoàng ngơ ngác trong viện tâm thần; Lam Kiều thì vật vờ trong trại cai nghiện”. Tóm lại, đam mê sẽ phải trả giá như thế đó!

Ví dụ trên chỉ là một tuyến nhân vật trong Đam mê. Thực tế, toàn bộ các nhân vật trong phim đều đi vào “vết xe đổ” của Kim Kim. Người xem thấy sự cứng nhắc đến khó chịu của những luận đề mang nặng tính giáo điều mà các nhân vật của Đam mê trải qua.

Cái giá phải trả cho đam mê của mỗi người như sau: Khánh Lâm điên điên khùng khùng, lúc nào cũng diễn mặt lạnh như trên sàn catwalk, son phấn loè loẹt kể cả lúc đi ra mộ mẹ. Tư Dược vì đam mê nuôi hổ mà để hổ hại chết vợ. Kim Kim đam mê làm người mẫu phải hứng chịu di chứng là cái chân thọt và cuộc sống ẩn dật nơi núi rừng.

Chưa kể dàn diễn viên trong Đam mê diễn xuất khá căng cứng. Người xem có cảm giác như đạo diễn không có tác động nhiều đến diễn xuất của Trúc Diễm, Trung Dũng và Kim Khánh. Họ luôn ra vẻ nghiêm trọng khi truyền tài những luận đề mình muốn đưa ra.

Không ít người không ngần ngại xếp Đam mê vào danh sách những phim “thảm hoạ” của điện ảnh Việt không chỉ năm 2012. 
Chừng ấy lỗi, không ít người không ngần ngại xếp Đam mê vào danh sách những phim “thảm hoạ” của điện ảnh Việt không chỉ năm 2012. Thất bại của Cát nóngĐam mê, khiến người ta không khỏi thở dài.

Nên nhớ rằng ê kíp làm hai tác phẩm “thảm hoạ” trên từng là những người đã làm nên hai bộ phim vang danh một thời của hơn chục năm trước Gái nhảy và Lưới trời - toàn những người có danh trong nền điện ảnh nước nhà.

Tiền ngân sách ngày càng eo hẹp, các hãng phim Nhà nước đã chết nay sẽ càng chết hơn khi mỗi cơ hội làm phim hiếm hoi đều bị bỏ phí một cách đáng ngờ.

Đàm Mộng Hoài

Bình luận
vtcnews.vn