• Zalo

Lấy phiếu tín nhiệm: ĐBQH kỳ vọng gì ở các ‘tư lệnh ngành’?

Thời sựThứ Sáu, 14/11/2014 09:30:00 +07:00Google News

(VTC News) – Nhiều đại biểu đồng tình với việc lấy phiếu tín nhiệm, coi đây là hình thức giám sát rất hiệu quả của Quốc hội đối với các tư lệnh ngành.

(VTC News) – Nhiều đại biểu đồng tình với việc lấy phiếu tín nhiệm, coi đây là hình thức giám sát rất hiệu quả của Quốc hội đối với các tư lệnh ngành.

Trước ngày Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 50 chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu và phê chuẩn, mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau về việc tiến hành lấy phiếu theo 2 mức hay 3 mức, xong đa số các đại biểu đều đánh giá đây là hoạt động cần thiết để đánh giá cán bộ.

>>>Xem danh sách chi tiết 50 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm

Nhiều đại biểu cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm thực sự quan trọng, nhưng chỉ nên coi đó là một kênh để đánh giá cán bộ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: "Cầm lá phiếu rất nhẹ nhàng, nhưng trọng trách các ĐBQH sẽ rất nặng nề "   (Ảnh minh họa)

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội, thì nhìn vào sự chuyển biến của các ngành như giao thông vận tải, ngân hàng, y tế… sau hơn một năm lấy phiếu tín nhiệm, mọi người hoàn toàn có thể đánh giá được hiệu quả của việc lấy phiếu này. 

Tuy nhiên, ông Kiên cũng cho rằng không nên đặt quá nặng nề vào việc lấy phiếu để đánh giá một cán bộ, phải nhìn nó trong mối tổng thể mới có sự đánh giá khách quan

“Chúng ta phải đặt vấn đề rằng, cái tín nhiệm hay không tín nhiệm đó nó chỉ là một cái phản ánh thôi. Còn lại mỗi một người trong quá trình đấy thì phải tự nhận trách nhiệm xem mình đã hoàn thành được nhiệm vụ chưa, chứ còn đừng câu nệ quá vào việc bỏ phiếu xong rồi không làm được gì trong nhiệm kỳ thì nó thành không hay”, đại biểu Nguyễn Đức Kiên nêu quan điểm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông Nguyễn Vinh Hà thì cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm như một sự nhắc nhở, để cho những người được lấy phiếu tín nhiệm cảm thấy trọng trách của mình cao hơn, có trách nhiệm hơn trước tâm tư nguyện vọng của dân.

Theo đánh giá của đại biểu Nguyễn Vinh Hà, sau đợt lấy phiếu tín nhiệm lần 1 vào tháng 6/2013, bộ máy hành chính đã có sự chuyển biến rõ rệt. Các tổng tư lệnh ngành đã quyết liệt hơn, công việc của các ngành như giao thông, ngân hàng, y tế… có những thay đổi rõ rệt theo chiều hướng tốt.

 

Các đồng chí tư lệnh ngành giao thông, ngân hàng, y tế... đã chỉ đạo làm được rất nhiều việc. Tôi hy vọng các đồng chí ấy sẽ còn làm tốt hơn nữa sau lần bỏ phiếu sắp tới.
ĐBQH Nguyễn Vinh Hà
 
Ngoài ra, đại biểu Hà cũng nhìn nhận, trước kỳ lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên, trong nhiều kỳ họp của Quốc hội, các đại biểu đánh giá một số ngành rất yếu, có nhiều vấn đề tồn tại, nhức nhối. Nhưng sau khi lấy phiếu tín nhiệm thì các tư lệnh ngành đó đã thể hiện trách nhiệm của mình rất lớn và tạo ra sự thay đổi rõ rệt.

“Tôi lấy ví dụ như ngành y tế chẳng hạn, trước khi được lấy phiếu tín nhiệm, ở vào đầu khóa họp thì cái ngành này người dân bức xúc nhiều. Nhưng sau khi lấy phiếu tín nhiệm thì Bộ trưởng Y tế đã có những chỉ đạo công việc sát sao hơn, quyết liệt hơn, ngành cũng đã có những chuyển biến rõ hơn.

Cụ thể, mới đây có một số việc ngành này làm rất tốt, như vụ một công ty của Mỹ hối lộ quan chức ngành y chẳng hạn, thì Bộ trưởng Y tế phản ứng khá kịp thời, rất có trách nhiệm, chỉ đạo ngay ngành phải kiểm tra, rồi lập tức có công văn gửi cho Bộ trưởng Công an đề nghị phối hợp, rồi kể cả đại sứ quán của Mỹ, để phối hợp, tìm ra, thể hiện trách nhiệm rất lớn của “tư lệnh” ngành y tế”, ông Hà nhận xét.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Vinh Hà cũng đánh giá rất cao sự chuyển biến của ngành Giao thông Vận tải, ngành ngân hàng… sau lần lấy phiếu tín nhiệm.

“Các đồng chí tư lệnh ngành đó đã chỉ đạo làm được rất nhiều thứ, được các đại biểu đánh giá cao, thể hiện qua các phát biểu ở hội trường. Tôi hy vọng các đồng chí ấy sẽ còn làm tốt hơn nữa sau lần bỏ phiếu sắp tới”, ông Hà nói.

Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Xuyền, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cũng nhìn nhận việc lấy phiếu tín nhiệm là hoạt động cần thiết, nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội đối với các vị trí cán bộ chủ chốt.

>>>Xem danh sách chi tiết 50 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm

Đại biểu Xuyền cho rằng, sau lần lấy phiếu tín nhiệm thứ nhất đến nay, rõ ràng là rất nhiều bộ đã có những chuyển biến rất tốt. Các ngành như giao thông vận tải, ngân hàng, y tế, giáo dục – những lĩnh vực mà được đánh giá tín nhiệm thấp ở lần lấy phiếu trước thì theo ông Xuyền nay đã có những chuyển biến rõ rệt.

“Ràng là các bộ trưởng, các trưởng ngành y tế, giáo dục, giao thông, ngân hàng đã nhận rõ những tồn tại yếu kém của ngành mình, đòi hỏi phải có một sự đột phá mới trong điều hành, trong thực hiện nhiệm vụ, thì rất dễ nhận thấy đến nay những lĩnh vực này đã có rất nhiều chuyển biến. Tôi tin là đến lấy lấy phiếu này các ĐBQH sẽ đánh giá khác”, ông Xuyền nhận định.

 

Chúng ta cũng không thể đòi hỏi khắc phục ngay những tồn tại yếu kém vốn tồn tại từ rất lâu của các ngành như y tế, giáo dục... chỉ trong 1, 2 năm. Điều đó rất khó, chúng ta không thể cầu toàn như thế được.
Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình Bùi Văn Xuyền
 
Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cũng cho rằng, trong việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, đặc biệt đối với các thành viên Chính phủ thì cá nhân ông cũng như nhiều ĐBQH khác luôn phải cân nhắc, đánh giá từng bộ trưởng, trưởng ngành trong nhiều mối tương quan, nhiều góc độ khác nhau. 

“Có những ngành liên quan trực tiếp tới người dân, như ngành Y tế chẳng hạn, thì đương nhiên sẽ Bộ trưởng ngành sẽ chịu nhiều áp lực hơn. Nhưng có những ngành lâu nay nó chẳng động chạm gì cả, ví dụ như ngành khoa học công nghệ chẳng hạn, nó chẳng động chạm gì cả, nên khi xem xét mình phải đặt nó trong một mối quan hệ như thế để đánh giá khách quan hơn về trách nhiệm của các bộ trưởng”, ông Bùi Văn Xuyền nêu quan điểm.

Đại biểu Xuyền cũng mong muốn và kỳ vọng sau mỗi lần lấy phiếu tín nhiệm sẽ tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các bộ trưởng, các trưởng ngành.

Theo đại biểu Bùi Văn Xuyền, để các ngành có sự chuyển biến rõ rệt hơn thì phải có thời gian. “Chúng ta cũng không thể đòi hỏi khắc phục ngay những tồn tại yếu kém vốn tồn tại từ rất lâu của các ngành như Y tế, giáo dục mà chỉ trong 1, 2 năm. Điều đó rất khó, chúng ta không thể cầu toàn như thế được”, ông Xuyền nói.

Lan Uyên
Bình luận
vtcnews.vn