• Zalo

Lấy nhầm cồn để rửa mũi phải đi cấp cứu

Sức khỏeThứ Ba, 22/09/2015 12:35:00 +07:00Google News

Chị Nguyễn Th. L lấy nhầm lọ cồn để xịt rửa mũi, sau khi bơm cồn, mũi xót, đau nhức tận óc, lập tức chị bắt xe vào viện cấp cứu.

(VTC News) – Chị Nguyễn Th. L thường rửa mũi bằng nước muối sinh lý, mới đây, chị lấy nhầm lọ cồn để xịt rửa mũi, sau khi bơm cồn, mũi xót, đau nhức tận óc, lập tức chị bắt xe vào viện cấp cứu.


Chị L, vốn bị viêm mũi dị ứng, rất dễ biến chứng viêm xong. Để ngừa bệnh, hàng ngày, có thói quen rửa mũi bằng chai muối sinh lý to. Chị thường cắt phần đầu chai muối, mỗi sáng và tối trước khi đi ngủ, chị bơm nước muối sinh lý vào mũi để rửa.

Mới đây, sáng dậy, chị mắt nhắm mắt mở đi tìm chai muối mới và sử dụng. Không ngờ, vừa dùng, mùi cồn sực lên, niêm mạc mũi vốn mỏng manh bị cồn làm cho đau rát. Lập tức chị lấy chai khác rửa lại rồi nhanh chóng bắt  taxi đến Bạch Mai khám cấp cứu.

Rửa mũi bằng nước muối sinh lý nhưng nhiều người nhầm với chai cồn.
Tại khoa Nhi, BV Bạch Mai vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nhi Lê V.N K (28 tháng tuổi, Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội) bị mẹ nhỏ nhầm cồn vào mũi.

Bệnh nhân nhi có tiền sử hen phế quản. Bé thường được mẹ  rửa mũi bằng nước muối sinh lý Natriclorid 0,9% bằng cách hút vào xi lanh rồi bơm rửa mũi cho trẻ. Tuy nhiên, vừa qua, do sơ suất, mẹ bệnh nhân nhi Ngọc K đã hút nhầm cồn 90 độ để bơm và rửa mũi cho con. Mẹ bé K. cho biết, chị đã bơm khoảng 20ml vào mũi con, sau khi đó, bé khóc nhiều kèm chảy nước mũi.

Sau khi phát hiện bơm nhầm cồn, chị đã gây nôn và cho rửa mũi nhiều lần cho con. Tuy nhiên, không thấy đỡ, sau 1 tiếng, chị đã cho con vào nhập viện.

Thăm khám lâm sàng, bệnh nhân nhi tỉnh, không sốt, chảy nước mũi nhiều. Các bác sĩ khoa Nhi đã hội chẩn với Trung tâm chống độc Bạch Mai và làm các xét nghiệm sơ bộ.

Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, trưởng khoa Nhi cho biết việc nhỏ cồn vào mũi trẻ vô cùng nguy hại. Nó có thể gây bỏng niêm mạc mũi, kích thích niêm mạc mũi. Nặng hơn, nếu hít vào nhiều còn có thể dẫn đến ngộ độc, viêm phổi.

Trung bình mỗi năm, khoa Nhi tiếp nhận khoảng 10 trường hợp nhỏ nhầm cồn. Các bậc phụ huynh nên hết sức chú ý vì chai cồn và chai nước muối rất giống nhau về hình thức và kích cỡ.

Trước đó, y tá của một phòng khám tại Yên Hòa, Hà Nội, khi rửa mũi cho bệnh nhi đã vô tình lấy cồn để rửa mũi. Sau đó, gia đình và phòng khám đã thỏa thuận để giải quyết tai nạn trên êm thấm.

Ds Nguyễn Như Hiền, BV Nhi đồng 1, TP.HCM cho biết:  Việc sử dụng dung dịch nước muối sinh lý và một dạng khác là nước muối biển làm giảm nồng độ muối chưa đẳng trương hoặc dưới dạng đẳng trương (0,9%)  giúp giảm tắc nghẽn mũi.

Tuy nhiên, việc sử dụng nước muối sinh lý nhỏ mũi hợp lý, cần tránh lạm dụng và bị quảng cáo quá mức là cần thiết  để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ cũng như chi phí khám chữa bệnh của gia đình.


 Việc vệ sinh mũi cho trẻ hằng ngày có thể giúp rửa trôi vi khuẩn, loại bỏ chất tiết, dị vật, giúp mũi bé thông thoáng, giúp bé dễ thở hơn. Khi mũi bị viêm nhiễm, lớp niêm mạc bị tổn thương, các lớp dịch tiết ứ đọng, lúc này cần làm sạch mũi bằng nước muối sinh lý trước khi nhỏ thuốc cho bé để thuốc phát huy được hiệu quả.

Tuy nhiên nếu bé không ốm bệnh, việc lạm dụng nước muối sinh lý để rửa mũi cho bé sẽ làm hư hại lớp niêm mạc mũi dễ gây nên tình trạng viêm nhiễm. Lúc này chỉ cần nhỏ rửa mũi cho bé 1 lần/ tuần hoặc chỉ khi đưa bé đến những nơi có nhiều bụi bặm.

 Đối với trẻ nhỏ, nên sử dụng các loại nước nhỏ mũi không bơm áp suất, nhỏ từ 2-3 giọt, trẻ lớn hơn từ 4-5 giọt, dùng dụng cụ hút mũi thích hợp hút mũi cho bé, chú ý tránh dùng các vật nhọn làm trầy xước mũi.

Trẻ lớn có thể dùng loại có bơm áp suất và cho bé tự xỉ mũi. Tránh dùng có loại bình xịt áp suất cao với trẻ nhỏ có thể ảnh hưởng đến cấu trúc xương mũi bé cũng như rất dễ gây tình trạng sặc nước muối vì các khoang trong miệng trẻ được thông với nhau làm trẻ sợ hãi, quấy khóc.

Không nên sử dụng các loại nước muối tự pha nếu không có hướng dẫn thích hợp. Khi tự pha cần đảm bảo nồng độ nước muối là 0,9% tức khoảng 9g muối tinh khiết cho 1 lít nước. Chú ý nguồn nước cần sạch và tinh khiết.

Đã có một số báo cáo về một số trường hợp tự pha nước muối nhỏ mũi trên thế giới bị nhiễm amip “ăn não người” Naegleria fowleri, một loài sinh vật đơn bào có thể chui vào mũi, lên não gây nên tình trạng viêm nhiễm và hoại tử não.

Các chuyên gia y tế ở Mỹ khuyến cáo nước đem pha là nước vô trùng hoặc nước cất mua trong các cửa hàng, hoặc nước máy đun sôi ít nhất 3 phút để nguội, cũng có thể dùng nước đã qua một bộ lọc với kích thước lỗ lọc không quá 0,001 mm.

Cha mẹ lưu ý, khi trẻ vị viêm nhiễm đường hô hấp cần sự tư vấn của bác sĩ để điều trị thích hợp chứ không thể chỉ rửa mũi bằng nước muối sinh lý để tự chữa trị.

» Răng mọc những chỗ kỳ quái
» Trị cảm cúm bằng thảo dược thiên nhiên
» Đừng coi thường chảy máu mũi
» 50 con giòi đục khoét mũi
Nam Anh




Bình luận
vtcnews.vn