• Zalo

Lấy được 250 mũi kim ong đốt trên người lão nông ở miền Tây

Sức khỏeThứ Tư, 02/05/2018 11:56:00 +07:00Google News

Bị ong đốt đến mê sảng, lão nông ở Hậu Giang đã trải qua đợt điều trị 10 ngày tại bệnh viện và các bác sĩ lấy được khoảng 250 mũi kim ong đốt trên người bệnh nhân.

Sáng 2/5, bác sĩ Nguyễn Thành Luân, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc của Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long (TP Cần Thơ) cho biết, sau hơn 10 ngày điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân T.V.T. (53 tuổi; ngụ tỉnh Hậu Giang) bị ong đốt gần như hồi phục hoàn toàn. Riêng nhịp tim bệnh nhân T. vẫn không cải thiện, tim vẫn chỉ đập theo máy tạo nhịp mà không tự phát nhịp.

Theo các bác sĩ tim mạch, khi tình trạng bệnh nhân hoàn toàn ổn định sẽ được đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn để điều trị tình trạng rối loạn nhịp tim nghiêm trọng nguy cơ đe dọa tính mạng này.

6666666666666666666666

Bệnh nhân T.V.T. đang được điều trị tại bệnh viện. (Ảnh: Sông Hậu) 

Người nhà bệnh nhân T. cho biết, trước đó 10 ngày, ông T. trên đường về nhà từ nơi làm việc thì phát hiện một tổ ong mật. Ông T. đã lại gần tổ ong định lấy mật nên bị một đàn ong mật bay theo đốt.

Ông T. hốt hoảng bỏ chạy về nhà gần đó nhưng đàn ong vẫn đuổi theo đốt khắp người, người nhà phải phụ giúp xua tan đàn ong. Ngay sau đó, bệnh nhân lơ mơ, mê sảng, không thở nổi, không đứng vững, gia đình đưa ngay vào bệnh viện.

Tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, bệnh nhân T. lập tức được tiêm adrenaline theo phác đồ cấp cứu sốc phản vệ, đồng thời đặt ống nội khí quản để giữ đường thở.

Sau liều tiêm adrenaline đầu tiên, bệnh nhân tiếp tục diễn biến xấu hơn, huyết áp không đo được, nhịp tim chậm dần nên bệnh nhân được hỗ trợ hồi sinh tim phổi theo quy trình CODE BLUE của bệnh viện.

Khoảng 10 phút tiếp theo, bệnh nhân có nhịp tim trở lại, huyết áp đo được mức chấp nhận, nên được đưa sang Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc để điều trị.

Trong thời gian cấp cứu bệnh nhân, các nhân viên chăm sóc đã lấy trên người bệnh nhân ra khoảng 250 mũi kim ong đốt.

Sau đó, bệnh nhân được điều trị lọc máu liên tục ngay lập tức, các xét nghiệm vào thời điểm nhập viện và sau 6 giờ cho thấy bệnh nhân bị suy đa cơ quan nghiêm trọng (chức năng gan và thận xấu đi nhanh chóng) và tiêu hủy cơ vân, tổn thương cơ tim với biểu hiện rối loạn nhịp tim nặng nề nên được đặt máy tạo nhịp tạm thời.

Bác sĩ Luân cảnh báo, người dân không nên tự tiện chọc phá tổ ong để tránh nguy cơ bị ong đốt gây ảnh hưởng đến sức khỏe nghiêm trọng và ảnh hưởng tinh thần nặng nề.

Để tránh các trường hợp tương tự như bệnh nhân T., khi bị ong đốt thì chúng ta nên dùng các biện pháp như: Dùng tay bới đất, cát vung lên để xua đuổi ong; nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi khu vực có ong; đặt bệnh nhân nằm yên, tránh cử động nhiều; khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ngòi chích của ong ra, tuyệt đối không dùng tay nặn để lấy ngòi vì túi độc có thể sẽ vỡ khiến nọc độc lan ra và thấm sâu hơn vào cơ thể… trước khi đưa bệnh nhân vào các cơ sở y tế gần nhất.

SÔNG HẬU
Bình luận
vtcnews.vn