Trong lúc 'dầu sôi lửa bỏng' về ngân sách, cũng nên lấy đề xuất của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng về việc cán bộ lãnh đạo trong ngành đi máy bay giá rẻ để làm cú đột phá...
Tại phiên họp Quốc hội ngày 23/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, dự báo của Chính phủ về kinh tế năm 2014 sẽ tiếp tục gặp khó khăn, do vậy, việc chi từ hầu bao quốc gia phải hết sức chặt chẽ. Còn các chuyên gia kinh tế đều lên tiếng về siết chặt tài chính, cắt chi tiêu thường xuyên, giảm chi cho bộ máy cồng kềnh, không hiệu quả.
Giảm vé hạng C, hạn chế chuyên cơ
Cũng nên lấy đề xuất của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng về việc cán bộ lãnh đạo trong ngành đi máy bay giá rẻ thay vì đi hạng thương gia để làm cú đột phá. Trong lúc “dầu sôi lửa bỏng” này, nếu như tất cả cán bộ lãnh đạo được hưởng tiêu chuẩn đi máy bay hạng thương gia theo quy định tại Thông tư 142/2009/TT-BTC đồng lòng chuyển sang đi máy bay hạng thường; cán bộ, công chức chuyển sang đi máy bay giá rẻ thì đó là cách thực hành tiết kiệm hiệu quả.
Đi trong nước, xa nhất cũng trên dưới 2 giờ bay, lãnh đạo chịu khó ngồi ghế thường nhưng được nhiều việc, cán bộ công chức đi công tác bằng máy bay giá rẻ vẫn đảm bảo thời gian và công việc, tại sao không chọn phương án tiết kiệm này.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa có đề xuất về việc cán bộ lãnh đạo trong ngành đi máy bay giá rẻ. Ảnh:Đặng Tiến |
Tuy nhiên, trong lúc khó khăn, nếu như hạn chế được chuyên cơ mà thay bằng máy bay thương mại thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều. Bỏ chuyên cơ, doanh nghiệp, báo chí muốn tham gia đoàn công du của lãnh đạo cao cấp, phải tự mua vé máy bay, đó là cách loại bỏ một thứ bao cấp còn tồn tại. Hạn chế chuyên cơ cũng là làm gương cho cán bộ, công chức, là bài học sinh động về thực hành tiết kiệm.
Bỏ chính sách “tân quan tân xa”
Tính đến hết năm 2012, cả nước có 34.565 chiếc xe công, tổng giá trị hơn 18.000 tỉ đồng. Chuyện xe cộ của quan chức được báo chí nói rất nhiều. Xe công đi chùa, xe công xài như của chùa nói mãi không hết. Có những vị trí cần phải trang bị xe, khai thác, sử dụng hiệu quả, phục vụ đúng công việc. Nhưng cũng có rất nhiều vị trí, xe công chỉ dùng làm cảnh, phục vụ tư tác nhiều hơn công tác, đó là một thực tế.
Dân gian thường nói “tân quan tân chính sách”. Một ông mới lên quan thì sẽ có những thay đổi trong công việc. Nhưng kèm theo đó, còn có “tân quan tân xa” (quan mới sắm xe mới). Một quan chức vừa được bổ nhiệm, thường không muốn đi xe cũ của người trước để lại, mà tìm cách sắm cho được xe mới.
Đây cũng là cách làm cho số xe công tăng lên. Riêng năm 2012, số xe công tăng 2.391 chiếc với tổng giá trị 2.756 tỉ đồng. Trong tình hình khó khăn hiện nay, việc siết mua sắm xe công là rất cần thiết. Tại phiên họp Quốc hội ngày 23/10 vừa qua, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khuyến nghị tiết kiệm chi tiêu, giảm tối đa chi hội nghị, khánh tiết, không bố trí xe công.
Xe công đi liền với chi phí sử dụng xăng dầu, bảo trì, sửa chữa, quỹ tiền lương cho lái xe. Cho nên, lương của một quan chức có tiêu chuẩn đi ôtô chỉ chục triệu đồng/tháng, nhưng chi phí cho phục vụ đi lại của người này lại cao gấp hai, gấp ba lương. Đó là một sự bất hợp lý.
Cho nên, về lâu dài, giảm xe công bằng cách khoán xe công để tiết kiệm ngân sách và dẹp bỏ thói sử dụng của công lãng phí đang hằn sâu trong không ít người. Hãy nghiên cứu, học tập các nước văn minh, tính hết vào lương, tự dưng, quan chức sẽ chọn phương tiện tiết kiệm nhất để đi lại. Điều này vừa có lợi cho cá nhân, vừa có lợi cho ngân sách quốc gia.
Bình luận