• Zalo

Lấy bằng sớm từ trạm CSGT: 'Cò' móc ngoặc với công an?

Pháp luậtThứ Sáu, 10/01/2014 08:30:00 +07:00Google News

(VTC News) - Luật sư phân tích, để lấy được bằng lái xe ra sớm, "cò" bên ngoài phải móc ngoặc "bắt tay" với những cán bộ trong ngành CSGT tỉnh Đồng Nai.

(VTC News) - Luật sư phân tích, để lấy được bằng lái xe ra sớm, "cò" bên ngoài phải móc ngoặc "bắt tay" với những cán bộ trong ngành CSGT tỉnh Đồng Nai.
Chiều 8/1, thượng tá Trần Tiến Đạt - Chánh văn phòng Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết thanh tra Công an tỉnh Đồng Nai vẫn đang tiến hành điều tra vụ việc "Bí ẩn 'dịch vụ' lấy bằng lái sớm từ trạm CSGT Suối tre" mà Báo điện tử VTC News đăng tải và sẽ có thông tin sớm nhất khi có kết quả điều tra.

Trước nghi vấn, "nếu chỉ có mình "cò" thì làm sao lấy được bằng lái ra sớm trước thời hạn, phải có "tay trong tay ngoài", có sự trợ giúp của cơ quan chức năng, mà ở đây trực tiếp là những người làm trong ngành CSGT tỉnh Đồng Nai.
Khu vực "cò" lộng hành.
Trao đổi với PV VTC News, luật sư Nguyễn Minh Tâm - Ủy viên Ban thường vụ, phó tổng thư ký liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, theo thông tin báo điện tử VTC News phản ánh thì ở đây đã thể hiện rõ tội môi giới hối lộ là "cò", và nhận hối lộ là những người đại diện pháp luật.

Nói nôm na dễ hiểu, "cò" bên ngoài móc ngoặc "bắt tay" với những cán bộ trong ngành CSGT tỉnh Đồng Nai để lấy bằng lái cho sớm trước thời hạn.
 
Riêng trường hợp tài xế do mong muốn được đưa ra "ánh sáng" những "góc khuất" của các cá nhân liên quan nên đã có hành động đưa tiền cho "cò" để phóng viên ghi hình, ghi âm lấy chứng cứ nhằm đưa lên mặt báo, phản ánh tiêu cực, nếu động cơ mục đích của họ trong sáng, không vụ lợi thì luật sẽ xem xét bỏ qua, không truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi đưa hối lộ.
 
Để răn đe và trừng phạt hành vi nhận hối lộ, Điều 279 Bộ luật Hình sự quy định về tội nhận hối lộ như sau:

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Gây hậu quả nghiêm trọng;

b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Có tổ chức;

b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội nhiều lần;

d) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

đ) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:

a) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.



Phan Cường
Bình luận
vtcnews.vn