“Mỹ phải đối mặt với mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với năng lực không gian của chúng ta. Trung Quốc và Nga, những đối thủ chiến lược của chúng ta, đang thúc đẩy rất rõ ràng năng lực chiến tranh không gian để vô hiệu hóa năng lực của Mỹ trong thời gian diễn ra xung đột. Các đối thủ tiềm tàng khác cũng đang thúc đẩy khả năng chống chiến tranh không gian như gây nhiễu, ngụy trang và tấn công mạng”, theo báo cáo của Lầu Năm Góc.
Báo cáo này cũng chỉ ra rằng Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ sẽ tập trung nỗ lực phát triển khả năng vào hệ thống giám sát mục tiêu tên lửa toàn cầu và các ưu tiên khác: “Các nỗ lực phát triển của Bộ Tư lệnh Không gian sẽ tập trung vào hệ thống Giám sát Toàn cầu Liên tục để theo dõi mục tiêu của tên lửa”.
Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ sẽ tập trung phát triển năng lực răn đe và năng lực chỉ huy, kiểm soát và liên lạc, ngoài ra hệ thống giám sát toàn cầu với trí tuệ nhân tạo và hệ thống cảnh báo gần sát thời gian thực trên không gian cũng là những vấn đề sẽ được ưu tiên.
“Các vấn đề ưu tiên của Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ sẽ bao gồm việc thiết kế và triển khai hàng loạt các hoạt động tập huấn và huấn luyện phối hợp trên không gian, với việc tập trung hỗ trợ Sáng kiến An ninh châu Á – Thái Bình Dương và Sáng kiến Ngăn chặn châu Âu”, theo báo cáo của Lầu Năm Góc. Nhiệm vụ của Quân chủng Không gian Mỹ sẽ ưu tiên cho việc xây dựng các chiến dịch không gian, các hoạt động tình báo không gian, triển khai các giải pháp kỹ thuật và đào tạo nhân lực cho các chiến dịch này để phục vụ cho các Bộ Tư lệnh của quân đội Mỹ.
Nguyên nhân Lầu Năm Góc nêu đích danh Nga và Trung Quốc là những quốc gia khiến Mỹ quyết chạy đua vũ trang trên không gian được Tư lệnh Bộ Chỉ huy chiến lược Quân đội Mỹ, đại tướng John Hyten nêu ra ngày 7/8. Tướng Hyten nhận định cả Trung Quốc và Nga đều tăng cường đầu tư, phát triển và thử nghiệm những công nghệ mới trong lĩnh vực không gian, những động thái này của Bắc Kinh và Matxcơva đang thách thức Washington trong lĩnh vực không gian.
Cuối tháng 6/2018, Hạ viện Mỹ thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) cho năm tài khóa 2019, trong đó quy định việc phát triển và triển khai các cấu trúc cảm biến thường trực trên không gian tới cuối năm 2022 để đảm bảo cho hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ hoạt động hiệu quả. Trước động thái này, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo “đối đầu quân sự trong không gian nguy hiểm không kém gì cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mà Washington khơi mào vào giữa thế kỷ 20”, đồng thời gọi đây là hành động mang tính chất phiêu lưu của Mỹ sẽ gây tác động rất xấu đến tình hình an ninh quốc tế.
Video: NASA phóng tên lửa Atlas V sử dụng động cơ RD-180 của Nga
Bình luận