"Mỹ sẽ cung cấp cho Đài Loan dịch vụ quốc phòng cần thiết để cho phép hòn đảo này duy trì khả năng tự vệ đầy đủ, tương xứng với mối đe dọa từ Trung Quốc", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết khi trả lời phỏng vấn Nikkei Asia. Dự kiến, ông Lloyd Austin sẽ công du châu Á từ ngày 7/6.
Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ vào đầu tháng 5, Đại tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, nhắc lại Trung Quốc đặt mục tiêu thống nhất đảo Đài Loan vào năm 2027. Nhận định này của ông Mark Milley đặt ra tính cấp thiết của việc tăng cường bán vũ khí và huấn luyện quân sự cho các lực lượng của Đài Loan.
Hôm 23/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẵn sàng dùng vũ lực để bảo vệ Đài Loan. Ông Bien cho rằng nỗ lực của Trung Quốc sử dụng vũ lực nhằm cố gắng kiểm soát đảo Đài Loan sẽ “không phù hợp”, nhắn mạnh điều đó chỉ “sẽ làm mất ổn định trật tự toàn bộ khu vực".
Washington đã quyết định không gửi quân đến Ukraine, và khi được Nikkei Asia hỏi liệu Mỹ có loại trừ khả năng triển khai lực lượng trong trường hợp xảy ra sự cố ở eo biển Đài Loan hay không, Bộ trưởng Lloyd Austin nói rằng: "Đó thực sự là hai kịch bản rất khác nhau".
Người đứng đầu Lầu Năm Góc đã đề cập đến những tác động của thỏa thuận an ninh gần đây của Bắc Kinh với quần đảo Solomon. Thỏa thuận này sẽ cho phép Trung Quốc điều tàu hải quân đồn trú tại quốc đảo này.
“Thỏa thuận gần đây với Trung Quốc có thể làm gia tăng sự bất ổn với quần đảo Solomon, và sẽ đặt ra một tiền lệ cho khu vực đảo Thái Bình Dương rộng lớn. Mỹ sẽ tìm cách làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ lâu dài của chúng tôi với các đảo ở Thái Bình Dương và thực hiện các bước đi thúc đẩy một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", ông Lloyd Austin nói.
Bộ trưởng Lloyd Austin nhấn mạnh tầm quan trọng của "răn đe tổng hợp" để làm sâu sắc hơn hợp tác với các đồng minh trong mọi lĩnh vực. Ông bày tỏ hy vọng Nhật Bản sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong việc răn đe Trung Quốc.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có các kênh liên lạc để ngăn cạnh tranh với Trung Quốc leo thang thành xung đột. "Bộ Quốc phòng Mỹ cam kết duy trì các kênh liên lạc mở với Trung Quốc để tránh tính toán sai lầm", ông Lloyd Austin cho biết thêm.
Mỹ không thiết lập quan hệ chính thức với đảo Đài Loan, song là bên cung cấp vũ khí lớn nhất cho hòn đảo này. Chính quyền Tổng thống Bien hồi tháng 4 duyệt bán thiết bị và hỗ trợ huấn luyện trị giá 95 triệu USD để Đài Loan duy trì hoạt động của tên lửa phòng không Patriot. Hồi tháng 2, Washington cũng duyệt bán thiết bị và dịch vụ trị giá 100 triệu USD để hòn đảo này duy trì, bảo dưỡng và cải tiến các hệ thống tên lửa phòng không Patriot.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Mỹ sẽ sớm chuyển giao cho Đài Loan lô vũ khí trị giá hàng tỷ USD trong những năm tới gồm xe tăng, tiêm kích, pháo phản lực phóng loạt. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân, tổng giá trị các hợp đồng vũ khí Mỹ cam kết với Đài Loan đã vượt qua con số hơn 70 tỷ USD, nhiều thỏa thuận trong số này đang được thực hiện.
Bình luận