Theo Thiếu tướng Pat Ryder, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, các cố vấn quân sự do Mỹ gửi tới Ukraine sẽ đóng vai trò phi chiến đấu, chủ yếu hỗ trợ hậu cần, giám sát việc cung cấp vũ khí của Mỹ và hỗ trợ bảo trì vũ khí.
Thông tin này được đưa ra sau khi Hạ viện Mỹ thông qua gói dự luật viện trợ trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine. Theo Lầu Năm Góc, gói chi tiêu sẽ bao gồm "pháo binh và vũ khí hỗ trợ khả năng phòng không".
Tuy ông Ryder không tiết lộ cụ thể số lượng binh sĩ mà Mỹ sẽ gửi tới Ukraine nhưng theo nguồn tin của Politico, con số này có thể lên tới khoảng 60 người. Những người này sẽ làm việc tại Văn phòng Hợp tác Quốc phòng tại Đại sứ quán Mỹ ở Kiev (Ukraine).
Ukraine đang nỗ lực giành lại thế chủ động trên chiến trường sau cuộc phản công thất bại vào mùa hè năm 2023. Gần đây, lực lượng của Kiev cũng đang gặp tổn thất ngày càng trầm trọng do nguồn cung đạn dược nước ngoài đang dần cạn kiệt.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thừa nhận rằng “mọi thứ trên chiến trường bắt đầu thay đổi theo hướng có lợi cho Nga” và lực lượng của Kiev đang gặp khó khăn “trong việc giữ vững phòng tuyến”. Theo Politico, các cố vấn sẽ được giao nhiệm vụ hỗ trợ Ukraine sử dụng các thiết bị mới được chuyển giao. Theo tính toán của Mỹ, giao tranh sẽ gia tăng vào mùa hè tới.
Mặc dù Tổng thống Joe Biden cam kết sẽ không cử binh sĩ tới tham chiến trong cuộc xung đột ở Ukraine, tuy nhiên Moskva đã nhiều lần cảnh báo rằng họ coi Mỹ và các thành viên NATO khác trên thực tế là những bên tham gia vào cuộc xung đột. Nga đồng thời chỉ trích Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các chính trị gia châu Âu khác khi họ không loại trừ khả năng phương Tây sẽ triển khai quân đến Ukraine trong tương lai.
Đồng thời, Nga khẳng định rằng không có khoản viện trợ nước ngoài nào có thể thay đổi tiến trình xung đột hoặc cứu Ukraine khỏi thất bại. Lên tiếng về gói viện trợ 61 tỷ USD của Mỹ, ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên điện Kremlin, nhận định gói viện trợ này sẽ chỉ khiến thiệt hại và thương vong gia tăng ở Ukraine.
Bình luận