• Zalo

Lâu lắm rồi, không thấy người “miền trong” ra xin ăn...

Tâm sựThứ Sáu, 22/10/2010 04:52:00 +07:00Google News

(VTC News) - Tôi không biết từ bé đến bây giờ mình đã bao nhiêu lần được “cho” người đi xin. Họ nhận bất kỳ thứ gì mình cho. Khoai, sắn, tí gạo, vài hào bạc...

(VTC News) - Tôi không biết từ bé đến bây giờ mình đã bao nhiêu lần được “cho” người đi xin. Họ nhận bất kỳ thứ gì mình cho. Khoai, sắn, tí gạo, vài hào bạc, quần áo đã mặc… thậm chí, cho họ 1 bát cơm họ cũng cho vào túi…

Lâu lắm rồi, không thấy người “miền trong” ra xin ăn nữa.

 

Cũng đã hơn 15 năm rồi, tôi không thấy những “ông bao bị” hay “bà còng” tay cầm gậy, bị, người cong queo đi vào từng nhà để xin ăn. Mỗi khi bố mẹ hay người lớn trong nhà đi vắng mà có người vào nhà ăn xin là lũ trẻ con chúng tôi sợ chết khiếp. Vì nhìn bộ dạng của họ không “đẹp”. Ở quê tôi, mỗi khi trẻ con khóc chỉ cần dọa “ông cụ ăn mày” thì lập tức nín thinh.

 

Tôi không biết từ bé đến bây giờ mình đã bao nhiêu lần được “cho” người đi xin. Họ nhận bất kỳ thứ gì mình cho. Khoai, sắn, tí gạo, vài hào bạc, quần áo đã mặc… thậm chí, cho họ 1 bát cơm họ cũng cho vào túi…

Ngày xưa, quê tôi cũng nghèo lắm. Người dân quê tôi vẫn có câu cửa miệng là tháng Ba ngày Tám - là những tháng ngày đói kém nói chung. Ngày em trai tôi còn bé, cứ mỗi năm mất mùa hay vào mùa đói thì nồi cơm bưng lên lúc trời chạng vạng chỉ thấy 1 màu đen, đó gọi là cơm.

 

Cơm của gia đình tôi cũng như nhiều gia đình không đủ ăn lúc bấy giờ chính là: nửa ống bơ gạo + nửa rá khoai khô thái lát (có hôm để cả củ, ghế lên trên cơm). Người Mường quê tôi gọi thức ăn chung của bữa cơm là “canh”. Mà cơm ăn với canh thời gian đó thật là canh theo đúng nghĩa đen. Chỉ có cơm độn khoai, sắn chan canh rau và húp đầy bụng. Hôm nào tôi đi chăn trâu bẫy được chim hoặc ra đồng móc được ít cua, tát được vài con cá… đem về bỏ nhiều muối vào thì cả 5 người ăn thoải mái. Em trai tôi bé nhất nên được cả nhà ưu tiên - xới phần cơm trắng đủ cho nó ăn. Phần còn lại đánh đều cho cơm dính khoai. Tôi có cảm giác là cơm trộn khoai chứ không phải khoai trộn cơm…!

 

Làng quê tôi thuộc vùng trung du - miền núi của tỉnh Thanh, thành ra ít khi bị nước vào nhà, thường chỉ ngập ruộng đồng, ao chuôm và đường xá thôi! Nhưng bão, lốc, gió xoáy đổ nhà là chuyện thường. Nhà tranh, vách đất, chống sao nổi thiên tai? Mỗi năm, vào mùa mưa bão, lũ trẻ con chúng tôi ham chơi, có để ý gì đâu, chỉ bố mẹ là luôn phải canh cánh nỗi lo “giữ nhà” - lên núi hay sau vườn đốn 4, 5 cây to, dài để chống đỡ ngôi nhà mình.

 

Năm 1989 hay 1990 gì đấy, không biết lúc đó tôi đã biết nhớ chưa, nhưng thực sự đến bây giờ những hình ảnh đó vẫn còn im đậm trong đầu tôi. Chiều tối, bố mẹ đem cả 3 chị em tôi sang mấy nhà hàng xóm có nhà xây kiên cố để gửi nhờ, còn mình thì ở lại giữ nhà. Năm đó là cơn bão số 12 trong năm. Không biết gió giật cấp mấy? Sáng hôm sau, trời quang mây tạnh, bố mẹ sang đón 3 chị em tôi về. Nhưng mà nhà thì đã không còn nữa…!

 

Những lần được nhận quà cứu trợ từ khắp nơi, không biết từ đâu đâu nữa nhưng cảm giác vui, hạnh phúc không thể nào tả hết!

 

Những năm tháng ăn khoai, sắn, cơm trộn, chống chọi với bão lũ,... bây giờ chúng tôi đã lớn.


Mấy năm nay, làng quê tôi đỡ bị bão “làm tội”, và cũng thấy vắng bóng những người đi xin ăn, lòng thằng trẻ lớn như tôi cũng vui lắm!

 

Tôi điện về hỏi thăm bố mẹ thì hay, cả mấy cơn bão kéo vào miền Trung vừa rồi đều không gây thiệt hại lớn cho địa bàn mình.

 

Nhưng xót xa lắm vì mấy vùng miền trong không tránh được cơn bão nào!

 

Bất kể ở đâu, bao giờ và khi nào, người nào, thời nào cũng vậy, không có cái gì thì họ sẽ mong ước có được cái đó. Những người dân rốn lũ miền Trung bây giờ mong, ước điều gì…? Họ đang ở dưới nước lạnh ngập người trong mưa lũ, chỉ mong cầm được 1 cái cọc để bấu víu vào thôi! Những tình cảm sẻ chia của người dân cả nước sẽ là ngọn lửa sưởi ấm trái tim, cơ thể đang rét run đồng bào vùng lũ!

 

Đây là những cảm xúc và chia sẻ từ đáy lòng tôi, chắc không ra ngô, ra khoai gì lắm. Mới đi làm, còn ít tiền cũng chỉ xin ủng hộ qua tin nhắn tới tổng đài 1405.

 

Mỗi người hãy hành động theo cách có thể của mình!

 

Phạm Đình Mạnh



Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UHgửi 1405 (10.000đ/tin) hoặc UH gửi 1409 (18.000đ/tin) của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực để cứu trợ đồng bào miền Trung ruột thịt.

Bình luận
vtcnews.vn