Chiều 13/11, lãnh đạo UBND xã Quảng An, huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) xác nhận thông tin, địa phương vừa xảy ra vụ lật xe công nông trên cánh đồng ngập lũ khiến 2 người thương vong.
Theo thông tin ban đầu, mưa lũ khiến nhiều đoạn đường tại xã Quảng An ngập sâu trong nước. Lúc này, ông Trần Quang H. dùng xe công nông chở người nhà là anh Trần Quang Trung (SN 1998, cả hai cùng ngụ thôn An Xuân, Quảng An) vượt qua các đoạn đường ngập, để tiếp sau đó đón xe đến nơi làm là một bệnh viện tại huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) cùng một người bà con khác của ông H.
Lúc này, em Trần Thị Ngọc H. (SN 2001, người xã Quảng An, là sinh viên khoa Du lịch - Đại học Huế) muốn đến Huế để đi học, nên xin đi nhờ xe công nông của ông Hùng. Khi xe di chuyển từ thôn An Xuân đến đoạn đường thôn Mỹ Xá (Quảng An) thì xe bị lật khiến cả 4 người trên xe bị hất xuống cánh đồng đang ngập sâu trong nước lũ.
Vụ lật xe khiến em Trần Thị Ngọc H. tử nạn do đuối nước và anh Trần Quang Trung bị thương ở chân; 2 người còn lại may mắn thoát nạn. Hiện cơ quan chức năng cử lực lượng đến hỗ trợ gia đình lo hậu sự cho em H.
Trước đó, chiều 12/11, tại xã Phong Sơn (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cũng xảy ra vụ lật thuyền làm hai người chết đuối. Nạn nhân là ông H.VQ. (SN 1980) và cháu H.B (SN 2008, cùng trú ở thôn Hiền An, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền).
Theo UBND xã Phong Sơn, ông Q. và cháu B trong lúc đi bủa lưới bắt cá tại cánh đồng ngập lũ gần nhà thì không may bị lật thuyền. Tai nạn làm cả 2 người bị rơi xuống nước mất tích. Thi thể hai nạn nhân được lực lượng chức năng tìm thấy sau đó vài giờ.
Huế cấm người dân ra đường, nghiên cứu cho học sinh nghỉ học tránh bão số 13
Chiều 13/11, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có công điện hỏa tốc về việc ứng phó với với bão số 13 trong đó có nội dung yêu cầu người dân không ra khỏi nhà dự kiến từ 18h ngày 14/11 cho đến khi có thông báo lại.
Ngoài ra, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu cán bộ, công chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước không được ra đường khi có gió lớn, trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt. Các đơn vị căn cứ vào tình hình thực tế để điều chỉnh việc cấm ra đường cho phù hợp.
Để ứng phó với bão số 13, Thừa Thiên - Huế xây dựng kế hoạch di dời tập trung và tại chỗ 19.671 hộ dân, với 65.890 nhân khẩu đến nơi tránh trú an toàn và sẽ hoàn thành di dân trước 10h00 ngày 14/11.
Trước đó, ngày 12/11, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có công điện về việc triển khai ứng phó với cơn bão số 13.chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 13; lực lượng cứu hộ tạm ngừng tìm kiếm những nạn nhân còn mất tích trong vụ sạt lở ở thuỷ điện Rào Trăng 3 vùi lấp 17 công nhân xảy ra rạng sáng 12/10.
Tổ chức sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, các khu vực trọng điểm: Các vùng ven biển, cửa sông, ven sông ven sông suối; thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông; khu vực đèo Phú Gia, huyện Phú Lộc, khu vực A Lưới; sông Thượng Nhật huyện Nam Đông; sông Tả Trạch đoạn qua xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy; sông Bồ đoạn qua xã Phong An, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền; phường Hương Vân, phường Hương Văn thị xã Hương Trà; dọc các tuyến đường Quốc lộ 49 lên A Lưới, đường Hồ Chí Minh, đường tỉnh lộ 71 qua Phong Điền, đường tỉnh lộ 14 qua Nam Đông, đường cao tốc La Sơn - Túy Loan; khu vực ven biển, các vùng thấp trũng, ngập úng để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước.
Chỉ đạo các phòng ban chức năng, các địa phương rà soát các đối tượng dễ bị tổn thương: Trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo để chủ động sơ tán đến nơi an toàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo theo dõi sát diễn biến mưa bão thực tế tại địa phương để chủ động cho học sinh nghỉ học đảm bảo an toàn.
Bình luận