Lập Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ "cụ" Rùa hồ Gươm

Thời sựThứ Sáu, 18/02/2011 09:02:00 +07:00

(VTC News) - Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo là triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách chữa trị, chăm sóc và bảo vệ “cụ Rùa” và chỉ đạo xử lý ô nhiễm hồ Gươm.

(VTC News) – Ngày 17/2, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo đã ra quyết định 807/QĐ-UBND về việc thành lập Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ “cụ Rùahồ Gươm trước tình hình sức khỏe của "cụ" đang được cảnh báo là rất nghiêm trọng.

Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ "cụ" Rùa do ông Nguyễn Văn Khôi, Phó chủ tịch UBND Thành phố làm trưởng ban chỉ đạo, ông Lê Xuân Rao - Giám đốc Sở Khoa Học và Công Nghệ làm Phó ban.

Các thành viên bao gồm giám đôc các sở:  Xây Dựng; Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm và PGS.TS Hà Đình Đức - Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.

Theo đó, Ban chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo và triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách chữa trị, chăm sóc và bảo vệ “cụ Rùa”. Đồng thời chỉ đạo các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường hồ Gươm. Trước mắt thu dọn chướng ngại vật, nạo vét lòng hồ theo kế hoạch, đánh bắt và xử lý rùa tai đỏ, xử lý ô nhiễm nước hồ Gươm.

Chủ tịch Thành phố yêu cầu Ban chỉ đạo khẩn cấp “cụ Rùa” triển khai ngay các nhiệm vụ được giao. Kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo do ngân sách Thành phố cấp.

Cũng trong ngày 17/2, trả lời phỏng vấn một số tờ báo, PGS-TS Hà Đình Đức, cho biết ông thấy “choáng” với các cách cứu “cụ Rùa” đưa ra tại hội thảo ngày 15/2 vừa qua. Theo ông thì có quá nhiều ý kiến, quá nhiều lý thuyết mà không có thực tế.  

 

“Quan trọng nhất là phải tiến hành đưa ngay “cụ Rùa” lên bờ để khám sức khỏe, từ đó đưa ra phương pháp chữa trị kịp thời. Tôi thấy hội thảo có vài chục ý kiến khác nhau nhưng chẳng đi được tới thống nhất sẽ dùng giải pháp nào. Cuối cùng vẫn chỉ dừng lại ở mức độ phỏng đoán theo kiểu “thầy bói xem voi”.


“Sức khỏe “cụ Rùa” đã trong tình trạng báo động, bởi vậy, việc chữa trị kịp thời lúc này là cần thiết và cấp bách. Cần phải đưa “cụ” rùa lên bờ, xử lý, chữa trị. Chừng nào “cụ” vẫn còn ở dưới hồ thì tính mạng vẫn còn bị đe dọa, không thể chữa trị được. Tôi khẩn thiết đề nghị đưa ngay “cụ” lên chân tháp Rùa để kiểm tra và chữa trị kịp thời, tránh để tình hình ngày càng xấu thêm, nhất là tình trạng xâm lăng của rùa tai đỏ.”

 

Quang Tùng

 

Bình luận