• Zalo

'Lão nông dở người' thu tiền tỷ từ cây dược liệu

Kinh tếThứ Hai, 11/12/2017 07:56:00 +07:00Google News

Người đàn ông ở huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) đột nhiên chặt bỏ cây cà phê để trồng dược liệu khiến nhiều người dân xung quanh cho là dở người..., nhưng sau đó không lâu, ông đã thành công và mỗi năm thu cả tỷ đồng.

Câu chuyện khó tin về người đàn ông miền Bắc di cư vào tỉnh Lâm Đồng để lập nghiệp, vài năm sau đó, do cây cà phê cằn cỗi, giá xuống thấp nên ông chặt bỏ hết cây cà phê để chuyển sang trồng cây đương quy cùng các cây dược liệu khác.

Trong thời gian này, ông bị nhiều người hàng xóm được cho là... dở người. Tuy nhiên, với sự cố gắng học hỏi, miệt mài chăm sóc cây dược liệu nên hiện giờ mỗi năm, gia đình ông thu cả tỷ đồng.

Chặt cà phê trồng cây dược liệu

Một ngày cuối tháng 11, chúng tôi lân la trên khắp nẻo đường tại huyện Lâm Hà và nghe mọi người nơi đây mách bảo với nhau về câu chuyện người đàn ông suýt bị mất vợ cũng chỉ vì đam mê trồng thảo dược.

Chúng tôi gặp ông Lê Văn Biết (tại thôn Tầm Xá, xã Ðông Thanh, huyện Lâm Hà), người được mệnh danh là người đàn ông kỳ quái vì niềm đam mê trồng dược thảo.

Video: Người đàn ông suýt ly hôn vợ vì đam mê trồng cây thảo dược đương quy

Lúc này, trời sập tối, không khí tại khu vực huyện Lâm Hà dường như se se lạnh. Chúng tôi dừng lại bên con đường đất và liên lạc với ông Biết để được hướng dẫn vào nhà. Tuy nhiên, giọng một người đàn ông trong điện thoại vọng ra: "Trời tối rồi, giờ các chú đến chợ, tôi sẽ ra đón và cho ngủ lại nhà 1 đêm. Còn việc quay phim chụp ảnh, phỏng vấn... không làm".

Chúng tôi tiếp tục nhẫn nại trước lời ông Biết nói, rồi sau đó chờ đợi người đàn ông này đến đón. Khoảng chừng 20 phút sau, một người đàn ông chừng 60 tuổi râu xồm xoàm, ít nói, mặc quần áo Kaki và vóc dáng rắn chắc yêu cầu chúng tôi trèo lên chiếc chở về nhà. 

Ngồi chiếc xe gắn máy, mà tim chúng tôi dường như đứng lặng. Cũng bởi, mùi thơm của thảo dược lan tỏa trên người ông, ngoài ra đường đến nhà ông tối mịt khiến xe lúc nào cũng chao đảo và những ổ gà làm chúng tôi phải giật mình. 

2

Bà Trọng mỗi buổi sáng ra chăm sóc cây đương quy. (ảnh: Thanh Hải) 

Vừa đến nhà, ông mời chúng tôi vào nhà cùng ngồi ăn cơm với gia đình. Trong bữa cơm, bà Nguyễn Thị Trọng (vợ ông Biết) bày ra đơn sơ nhưng ấm cúng, thân thiện. 

Bà Trọng chia sẻ: "Nhiều người biết ông trồng dược liệu có kinh tế cao tìm đến lợi dụng hoặc lừa đảo nên chồng tôi phải cảnh giác”.

Tại bữa cơm, nhóm phóng viên chúng tôi chia sẻ, với mong muốn tìm hiểu về mô hình trồng cây dược liệu đầu tiên tại Lâm Đồng, ông Biết vui vẻ, cởi mở hẳn.

Thời còn trẻ, đi bộ đội ở Cao Bằng, ông thường xin theo các vị thầy lang vào rừng già tìm các vị thuốc quý về chữa trị cho cán bộ, bộ đội. Những ngày băng rừng, thầy lang bản địa lần lượt giải thích ngọn nguồn công dụng của các loài cây dược liệu cho tôi…

"Niềm đam mê tìm hiểu về cây dược của tôi cứ lớn dần", ông Biết nói.

123

Dược liệu được phơi khô để sấy bán. 

Ông Biết kể lại: "Những năm 80 về trước, các làng quê nghèo miền Bắc, trong đó có gia đình tôi di cư vào các tỉnh Tây Nguyên theo chủ trương của nhà nước".

Được hỗ trợ đất đai cộng với điều kiện tự nhiên thuận lợi từ chính quyền địa phương, họ cần cù lao động cải tạo, vun trồng những diện tích đồi hoang sơ thành nhiều diện tích cà phê tươi tốt. Theo tháng năm, những gốc cà phê ngày càng cằn cỗi, già nua và cho năng suất thấp khiến ông Biết lắm lúc trăn trở.

Vợ đòi ly hôn vì chồng quá đam mê thảo dược

Đến năm 2013, người dân thôn Tầm Xá há hốc từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi lão nông Lê Văn Biết một mình vào rẫy, tự tay đốn hạ toàn bộ diện tích cà phê vườn nhà đang ra trái.

Chặt cà phê xong, ông đi biền biệt. Vài tháng sau, người dân thấy dáng lão nông Lê Văn Biết lục tục quay về vác trên lưng bao hạt giống. Chẳng nói, chẳng rằng, một mình ông vào rẫy hì hục tỉa, cải tạo đất khiến nhiều người bảo ông dở người. Lời chê bai đến với tai vợ ông là bà Trọng khiến bà lo lắng.

“Hồi đó, tôi bàn với vợ bỏ cà phê trồng dược liệu nhưng bà phần vì lo ngại, phần vị sợ người đời chê bai nên không đồng ý. Dù vậy nhưng tôi đã quyết làm làm”, ông Biết kể.  

(3) 3

Ông Biết cùng với cây đương quy vửa rửa sạch để chuẩn bị sấy khô.

Với kiến thức cơ bản về cây dược liệu, ông Biết mạnh dạn liên hệ với Viện Nghiên cứu cây trồng dược liệu Trung ương đặt hạt giống cây đương quy về trồng trên diện tích 4.000 m2.

“Tôi can mãi nhưng chồng vẫn quyết trồng dược liệu. Lúc đó, vợ chồng tôi định ly hôn vì ổng cố chấp, đến khi tôi nghĩ lại vợ chồng sống từ thuở cơ hàn, giờ chồng quyết làm giàu mình phải ủng hộ chứ làm sao mà bỏ đi được”, bà Trọng cho hay.

“Và rồi thành quả sau một năm trồng đương quy mang lại hiệu quả ngoài mong đợi. Mọi yếu tố như năng suất, sản lượng, chất lượng củ đương quy được đánh giá cao và được các công ty dược liệu ở Hà Nội đặt hàng mua hết. Từ đó tôi… thoát nghèo!”, ông Biết nói.

Đến tháng 8/2017 vừa qua, được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, ông Biết mạnh dạng thành lập Hợp tác xã Dược liệu Biết Lộc Thành với 23 xã viên trồng trên 20ha dược liệu.

Theo ông Biết, việc thành lập hợp tác xã dược liệu nhằm khuyến khích nông dân trong và ngoài tỉnh liên kết phát triển cây dược liệu. Một nông dân cần điều kiện gì để vào hợp tác xã, tôi hỏi.

4 4

 Oong Biiết tại khu vườn cây đương quy

Ông Biết tiết lộ, xã viên phải có một diện tích đất trên 1ha. Khi vào, HTX sẽ cung cấp nguồn giống, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, thu hoạch và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho các xã viên.

Theo ông Biết, tiêu chí hàng đầu của HTX Dược liệu Biết Lộc Thành là nói không với thuốc bảo vệ thực vật. “Để kiểm tra quy trình khi các xã viên đều ở nhiều tỉnh thành, sau khi thu hoạch, HTX sẽ lấy nhiều mẫu dược liệu bất kỳ để xét nghiệm. Nếu các sản phẩm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật hoặc không đạt chất lượng, chúng tôi sẽ loại ngay. Nói vậy nhưng khi xã viên tham gia đều có ý thức rất cao”, ông Biết chia sẻ.

Tại sao lại trồng dược liệu đương quy mà không phải là dược liệu khác, tôi thắc mắc. Ông Biết kể, ông có kinh nghiệm về cây dược liệu nên ông hiểu ở Việt Nam có điều kiện trồng cây dược liệu nhưng thực tế các dược liệu bày bán trên thị trường vẫn còn không ít loại xuất xứ không rõ ràng, chất lượng không đảm bảo.

Từ những suy nghĩ đó, ông muốn xây dựng một hợp tác xã trồng cây dược liệu hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; quy trình trồng trọt, chế biến đều đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP...

“Qua quá trình khảo sát, tôi chọn trồng đương quy, thâm canh thêm cây ba hoàn, hà thủ ô đỏ, đan sâm… bởi những dược liệu này thích hợp với thổ nhưỡng bản địa, ít dịch bệnh và mang lại hiểu quả kinh tế cao”, ông Biết cho biết.

Hiện, HTX Dược liệu Biết Lộc Thành thu mua củ đương quy của các xã viên với đồng mức giá 25.000 đồng/kg.

Nếu trồng đương quy theo tiêu chuẩn quy trình kỹ thuật của HTX, sản lượng đạt khoảng 30 tấn/ha với thu nhập trừ các chi phí, mỗi nông dân thu trên 700 triệu đồng/ha. Đối với các công ty dược liệu lớn trên cả nước, HTX Biết Lộc Thành ký kết hợp đồng cung cấp dược liệu với giá ổn định, không thay đổi trong vòng 3 năm để tăng sự uy tín và tạo công ăn việc làm ổn định cho xã viên.

Nhận thấy hiệu quả từ việc trồng cây dược liệu của lão nông Lê Văn Biết, UBND huyện Lâm Hà đã hỗ trợ hàng trăm triệu đồng xây dựng một kho lạnh với công suất bảo quản 40 tấn nguyên liệu khô cho HTX Biết Lộc Thành.

Trên thị trường, sản phẩm dược liệu của HTX Biết Lộc Thành cũng được Viện Dược liệu (Bộ Y tế) lấy mẫu phân tích và kiểm nghiệm, kết quả đạt các tiêu chuẩn hàm lượng dược chất theo quy định.  

THANH HẢI
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn