Tăng nhanh về số lượng
Trong 5 năm (2011 – 2016), số lượng người Việt Nam tại Nhật Bản đã tăng 4,5 lần. Hiện nay, theo ước tính, số lượng lao động Việt Nam tại Nhật Bản khoảng hơn 90.000 người.
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Tăng cường trao đổi nhân lực Việt Nam – Nhật Bản thông qua chương trình thực tập sinh kỹ năng” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp cùng với Đại sứ quán Nhật Bản và Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức tại Hà Nội mới đây.
Chỉ riêng trong năm 2016, lượng thực tập sinh Việt Nam được cử sang Nhật Bản đã lên tới hơn 40.000, nâng tổng số thực tập sinh Việt Nam tại Nhật tính đến cuối năm 2016 ước đạt trên 90.000 người. Chương trình đã đem lại cơ hội lớn cho lực lượng lao động trẻ của Việt Nam, giúp họ nâng cao thu nhập và đặc biệt là được giao lưu, học hỏi kỹ năng để phát triển sự nghiệp. Đồng thời, số lượng thực tập sinh trở về nước cũng đang tăng lên rất nhanh.
Tuy nhiên, trình độ và nguyện vọng của thực tập sinh về nước không tương xứng với nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tại địa phương, gây ra sự khập khiễng về kỹ năng trên thị trường lao động.
Nghiên cứu của VEPR phát hiện ra rằng, vấn đề tồn tại cốt yếu hiện nay là sự thiếu minh bạch và thiếu chia sẻ thông tin trên thị trường. Điều này khiến chi phí tuyển dụng thực tập sinh đang ở mức cao, tạo áp lực thu nhập cho thực tập sinh, ảnh hưởng tới tâm lý học tập, động lực tích lũy kỹ năng của họ.
Thêm vào đó, sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các công ty phái cử dẫn tới thực trạng là nhiều công ty không chú trọng đào tạo, định hướng đầy đủ cho thực tập sinh trước khi tham dự chương trình tại Nhật Bản, khiến cho thực tập sinh gặp khó khăn khi phải thích nghi với môi trường làm việc mới và cũng như duy trì động lực học tập.
Ông Nguyễn Lương Trào, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Lao động Việt Nam (VAMAS) cho biết, việc khó nhận diện các công ty phái cử làm ăn chộp giật đã phần nào làm xấu hình ảnh của chương trình, tạo khó khăn cho các bên tham gia.
Mặc dù Hiệp hội Xuất khẩu Lao động Việt Nam đã có một hệ thống xếp hạng các công ty nhưng số lượng các công ty tham gia xếp hạng còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn, nên vẫn gây ra tình trạng lộn xộn trên thị trường.
Bia rượu và trộm cắp
Tại diễn đàn, các ý kiến từ chuyên gia của Việt Nam và Nhật Bản cũng như của các thực tập sinh từng sinh sống, học tập và lao động tại Nhật đều có chung nhận xét là rất nhiều người lao động và du học sinh Việt Nam đến Nhật Bản hiểu rất ít về Nhật Bản, ngay cả những thông tin dưới dạng sơ đẳng, cơ bản nhất.
Những thông tin về nước Nhật từ phong tục, tập quán, sinh hoạt tới luật pháp, giao thông… đều có thể tìm kiếm trên internet hoặc từ sách. Sự tư vấn trực tiếp của những người đã và đang sống ở Nhật cũng là nguồn thông tin quý giá. Tuy nhiên, rất ít người Việt Nam trước khi đến Nhật chịu bỏ công sức tra cứu hoặc đọc sách, hoặc tham gia các nhóm cộng đồng người Việt sống ở Nhật trên các mạng xã hội để tham khảo thông tin.
Sự thiếu hiểu biết về người Nhật và nước Nhật còn tiếp diễn ngay cả khi người Việt đã đến Nhật sinh sống, học tập và làm việc, mà rào cản lớn nhất là ngôn ngữ. Các du học sinh vào học các trường tiếng Nhật, đặc biệt là các trường đưa ra lời hứa hẹn “vừa học vừa làm” hầu hết chưa nói được tiếng Nhật ở mức giao tiếp đời sống hàng ngày khi đến Nhật. Các thực tập sinh trước khi nhập cảnh vào Nhật thường có từ 3-6 tháng học tiếng Nhật ở các công ty phái cử.
“Rất ít người có quyết tâm học tiếng Nhật để cải thiện đời sống, môi trường làm việc và xây dựng nền tảng cho tương lai. Có những công ty trả cả tiền lương cho thực tập sinh trong thời gian họ học tiếng Nhật vào thứ Bảy, Chủ nhật nhưng cũng không nhiều người học hành chăm chỉ”, một chuyên gia Nhật Bản chia sẻ.
Cũng theo chuyên gia này, cũng khá nhiều các lao động và du học sinh Việt Nam khi sang Nhật không hiểu biết và không hòa đồng được vào cuộc sống, xã hội Nhật, thay vào đó là chỉ tụ tập nhau để uống bia rượu, thậm chí ăn cắp ở các siêu thị, cửa hàng.
“Hầu hết họ không nghe được những gì người Nhật nói. Những du học sinh dạng “vừa học vừa làm” sau đó sẽ bị cuốn vào chuyện đi làm tối ngày. Môi trường học tiếng Nhật có tính sách vở và giao tiếp thuần túy theo “bài” với giáo viên tiếng Nhật trên lớp, những người đã quá quen thuộc với cách nói tiếng Nhật của người nước ngoài không giúp họ cải thiện kĩ năng tiếng Nhật”, một chuyên gia Nhật nhận xét.
Cần có giải pháp tổng thể
Vấn đề tồn tại hiện nay là sự thiếu minh bạch và thiếu sự chia sẻ thông tin trên thị trường lao động. Điều này khiến chi phí tuyển dụng thực tập sinh đang ở mức cao, tạo áp lực thu nhập cho thực tập sinh, ảnh hưởng đến tâm lý học tập, động lực tích lũy kỹ năng của họ.
Từ thực tế trên, VEPR đã có những khuyến nghị giải pháp cụ thể để cải thiện tính minh bạch của thị trường, cung cấp nhiều thông tin hơn cho các bên liên quan, đặc biệt là các thực tập sinh; nâng cao vai trò của Hiệp hội Xuất khẩu Lao động Việt Nam trong việc chủ động hỗ trợ doanh nghiệp thành viên về các dịch vụ hành chính và giám sát quy tắc ứng xử, chất lượng hoạt động thông qua hệ thống xếp hạng hiện có.
Khuyến khích doanh nghiệp phái cử đưa ra tầm nhìn rộng hơn, phát triển thương hiệu thông qua uy tín và chất lượng, đồng thời cải thiện hệ thống tuyển dụng, tiếp cận trực tiếp với các ứng viên tiềm năng nhằm thu hẹp vai trò của trung gian.
Đối với Chính phủ, cần tiếp tục cải thiện hệ thống pháp luật nhằm giảm chi phí tuyển dụng thực tập sinh và hỗ trợ doanh nghiệp phái cử quản lý thực tập sinh. Cụ thể: xây dựng trang web để xử lý và cập nhật các thủ tục hành chính do chính quyền Việt Nam quy định nhằm đảm bảo công khai, minh bạch và giảm chi phí cho doanh nghiệp phái cử.
Ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 95/2013/NĐ-CP nhằm làm rõ các biện pháp xử phạt thực tập sinh nếu có hành vi vi phạm pháp luật tại Nhật Bản cũng như vi phạm quy định của chương trình và đàm phán với Nhật Bản để loại bỏ quy định thực tập sinh cần phải làm việc tại doanh nghiệp Việt Nam (công ty phái cử) trước khi được gửi sang Nhật. Ngoài ra, cần có chính sách ưu đãi để phát triển hệ thống đào tạo trước khi gửi thực tập sinh sang Nhật Bản.
Video: Cuộc sống khốn khổ của lao động Việt Nam bỏ trốn khỏi Hàn Quốc
Đối với Hiệp hội Xuất khẩu Lao động Việt Nam, cần cải thiện hệ thống xếp hạng và khuyến khích các doanh nghiệp phái cử tham gia vào hệ thống. VAMAS có thể đóng vai trò tích cực quá trình xử lý các thủ tục hành chính.
Đối với doanh nghiệp phái cử, nên có tầm nhìn rộng hơn đối với chương trình. Quan trọng là khả năng liên hệ trực tiếp với các ứng viên của doanh nghiệp. Sử dụng hệ thống xếp hạng của VAMAS để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường.
Một trong những giải pháp kỹ thuật quan trọng được đề xuất lần này là xây dựng Cổng thông tin kết nối việc làm và thực tập sinh (địa chỉ: www.ttsjapan.org.vn). Cổng thông tin đang trong quá trình thực hiện, dự kiến sẽ được đưa vào vận hành vào đầu tháng 7/2017, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp phái cử theo dõi cũng như hỗ trợ các thực tập sinh của mình trong quá trình thực tập ở Nhật Bản.
Bình luận