Ông là Nguyễn Đình Bin, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao kiêm Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài.
Ông là người đã sát cánh bên Lãnh tụ Fidel Castro mỗi khi ông làm việc với Việt Nam, là người phiên dịch được ông Fidel Castro yêu quý đặc biệt và được mọi người gọi là “con nuôi của Fidel”.
Những ân tình với lãnh đạo Việt Nam
Ông Bin vô cùng đau buồn khi nghe tin lãnh tụ Cuba Fidel Castro đã qua đời. Cuộc đời ông có một vinh hạnh, một đặc ân rất lớn là được quen biết, thậm chí trở nên thân tình với lãnh tụ Fidel Castro từ khi còn là sinh viên.
Nhớ lại, ông Bin chia sẻ, năm 1965, ngay khi còn học năm nhất Trường Đại học Labana, Đại sứ Cuba đương nhiệm lúc ấy đã có ý tin dùng và yêu cầu ông phục vụ Đại sứ cũng như Đại sứ quán trong công tác phiên dịch.
Trong quá trình vừa học, vừa làm, ông Bin vinh hạnh được tiếp xúc với Chủ tịch Fidel Castro rất nhiều lần, khi ấy các chuyến thăm cấp cao từ Việt Nam, Lãnh tụ đều dành thời gian tiếp.
Năm 1967, khi công việc tại sứ quán nhiều hơn, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh quyết định điều ông Bin chuyên trách công tác phiên dịch cho sứ quán. Từ khi chính thức trở thành cán bộ ngoại giao, số lần được gặp Lãnh tụ Fidel Castro càng nhiều và ấn tượng đối với vị lãnh tụ ấy trong ông Bin ngày càng sâu đậm.
“Ông Fidel Castro là vị lãnh tụ vĩ đạo, uyên bác, nhân hậu và giản dị. Ông cũng rất yêu quý tôi qua những cử chỉ gần gũi như ôm, bá vai. Nhiều người Việt Nam gọi tôi là con nuôi của Chủ tịch”, ông Bin nói và ánh mắt toát lên niềm tự hào.
Ông Bin đảm nhiệm vai trò phiên dịch trong tất cả các chuyến thăm lịch sử của Lãnh tụ Fidel Castro tới Việt Nam và ông ấn tượng nhất là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Fidel Castro vào tháng 9/1973 sau khi Việt Nam và Mỹ vừa ký kết Hiệp định Geneva.
Khi ấy, ông Fidel Castro là lãnh tụ nước ngoài duy nhất tới Việt Nam mà yêu cầu được đến Cam Lộ, Quảng Trị-vùng giải phóng miền Nam Việt Nam. Khi ông Fidel Castro ngỏ ý, lãnh đạo cấp cao ta khá chần chừ vì lo lắng về vấn đề an ninh do đạn bom, mìn ở khu vực đó vẫn còn rất nhiều nhưng ông Fidel Castro cương quyết khiến lãnh đạo ta phải đồng ý.
Lãnh tụ Fidel Castro đã thăm, gặp gỡ, nói chuyện với các chiến sỹ rất ân cần. Vị Chủ tịch đến từ đất nước cách Việt Nam “nửa vòng trái đất rẽ tầng mấy” ấy đã cùng phất ngọn cờ của quân giải phóng tại Đồi 241 và dặn các chiến sỹ rằng hãy mang lá cờ của quân giải phóng cắm vài Sài Gòn.
Gần hai năm sau, ngọn cờ ấy đã bay tại dinh Độc Lập. Trên đường quay trở về tới Vĩnh Linh (Quảng Trị), bom của quân Mỹ cài ngoài ruộng lúa phát nổ khiến người dân bị thương. Trong không khí lộn xộn, ông Fidel Castro yêu cầu đoàn xe dừng lại, tận tình hỏi han những người bị thương và còn gửi thuốc cho họ.
Điều mà ông Bin cảm nhận rõ ràng nhất là Lãnh tụ Fidel Castro vô cùng yêu quý lãnh đạo ta, nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi Bác Hồ mất ngày 3/9/1969, ông Fidel Castro không thể trực tiếp sang viếng Bác tại Hà Nội nhưng đã cử một đoàn cao cấp Cuba sang, trong khi đó, ông cùng nhiều lãnh đạo khác tới viếng Bác Hồ ngay tại Đại sứ quán. Ông còn nhắc lại tất cả các câu chuyện với Bác Hồ và bày tỏ sự tiếc nuối khi không được gặp Bác Hồ trước ngày 3/9/1969.
Ông Bin kể, khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu đoàn Việt Nam sang Cuba tháng 3/1974 để cảm ơn lãnh đạo Cuba theo lời di chúc của Bác sau khi kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, Lãnh tụ Fidel Castro đã tiếp Thủ tướng Đồng rất thân tình.
Hồi đó, đồng hồ điện tử mới ra đời và ông Fidel Castro đã tặng Thủ tướng một chiếc với những lời giải thích tỉ mỉ, còn nói sẽ gửi cả pin để Thủ tướng dùng.
Với cả những lãnh đạo cấp thấp hơn, ông Fidel Castro cũng dành một tình cảm đón tiếp nồng hậu. Ông Bin nhớ lại dịp Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị thăm Cuba vào tháng 8/1967, ông Fidel Castro đã đích thân lái chiếc xe zeep đưa ông Nghị đi thăm nông trường chăn nuôi bò Picadura cạnh Thủ đô Labana. Suốt chuyến đi, ông Fidel Castro rất tâm huyết việc giúp Việt Nam quy hoạch xây dựng đất nước, phát triển kinh tế một cách cụ thể như vùng Tây Nguyên cần phát triển chăn nuôi đại gia súc ra sao... Sau đó, Cuba tặng giống bò, gà cho Việt Nam để phát triển chăn nuôi, để người Việt có thịt, sữa, trứng…
Người vĩ đại, hoàn hảo nhất thế gian
“Với cá nhân ông, có lẽ cũng có những kỷ niệm với vị Lãnh tụ ấy không thể nào quên?”- tôi hỏi. Ông Bin nghẹn ngào: “Lần nào gặp, ông Fidel Castro cũng gọi tôi bằng cái tên Cuba, với đại từ mà người Cuba dành để xưng hô giữa những người thân thiết nhất trong gia đình, có thể dịch là ‘con’.
Ông ấy là con người vĩ đại, hoàn hảo nhất trên thế gian này. Ông Fidel Castro đã ra đi nhưng sẽ sống mãi với hình ảnh người chiến sĩ cách mạng quốc tế mẫu mực, trong sáng, thể hiện qua những việc làm thực tế đối với Cuba, Việt Nam, đối với châu Phi, Mỹ Latinh và nhiều dân tộc khác”.
Chính ông Bin là người đã dịch câu “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng máu của mình” ông Fidel Castro nói vào ngày 2/1/1966 nhân cuộc mít tinh khổng lồ của 33 nghìn người dân Cuba tại Quảng trường Cách Mạng ở Habana, đồng thời là ngày chào mừng đoàn đại biểu đến dự hội nghị Đoàn kết lần đầu tiên của ba châu gồm châu Á, Phi, Mỹ Latinh do Cuba tổ chức.
Ông Bin chia sẻ, ông dịch câu nói ấy mà lòng rưng rưng, toàn bộ những người có mặt vỗ tay như sấm, đây chính là lời nói từ trái tim, không phải lời nói ngoại giao.
Ông Bin kể rằng Chủ tịch Fidel Castro là con người hào hiệp, không chỉ với Việt Nam mà cả với phong trào cách mạng ở Mỹ Latin, châu Phi, đặc biệt là Angola, bao nhiêu chiến sỹ Cuba đã đổ xương máu nơi đây. Với Việt Nam, suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tất cả chi phí của đoàn Việt Nam sang Cuba, tổ chức các hội nghị quốc tế đều do Cuba chi trả, Ủy ban đoàn kết Việt Nam – Cuba cũng hoạt động mạnh mẽ, phong trào quần chúng rất sôi nổi.
Video: Những câu nói nổi tiếng của Fidel Castro
Sang thăm Việt Nam năm 1973, ông Fidel Castro đã công bố hỗ trợ Việt Nam 5 công trình lớn như khách sạn Thắng Lợi, Bệnh viện Đồng Hới (Quảng Bình), con đường Xuân Mai (Hà Nội), trung tâm giống bò, gà quý.
Cuba còn tặng ta một khoản ngoại tệ để củng cố đường mòn Hồ Chí Minh. Năm 1972, hai tàu biển Cuba sang cung cấp nguyên vật liệu giúp Việt Nam xây dựng nhiều công trình.
Trong tâm trí của cán bộ ngoại giao hơn 70 tuổi, Lãnh tụ Fidel Castro còn là một người rất tài ba, thông minh và có tài hùng biện đáng nể phục. Lãnh tụ thường có các bài diễn văn kéo liên tục 3-4 giờ đồng hồ mà không cần tài liệu chuẩn bị sẵn. Trong quá trình dịch các diễn văn của Chủ tịch Fidel Castro nhân những chuyến thăm Việt Nam, ông Bin đều phải dịch đuổi.
“Cũng may mắn rằng sau khi dịch xong, đội ngũ chuyên gia nghe lại băng ghi âm đều đánh giá tôi dịch chuẩn, không phải sửa chữa thêm gì. Ông Fidel Castro có một trí nhớ siêu việt, tất cả các số liệu ông nói ra mọi người đều kinh ngạc về độ chuẩn xác của nó, nhiều người ví ông còn hơn cả một cái máy tính điện tử”, ông Bin nhớ lại. Sau này, năm 2013, mặc dù lúc đó sức đã yếu, ông Bin vẫn tham gia hiệu đính 2 cuốn sách hồi ký cách mạng của Lãnh tụ Fidel Castro dày 700 trang với tất cả lòng kính trọng và yêu mến.
Trong nhà ông Bin dường như không treo một bức ảnh nào ngoại trừ bức ảnh ông chụp cùng Chủ tịch Fidel Castro trong chuyến thăm Việt Nam cuối cùng vào tháng 2/2003. Kể cho tôi nghe về tấm ảnh, ông đứng lặng nhìn bức ảnh một lúc lâu, đó có lẽ là ánh mắt tiễn biệt 'người cha nuôi' đã ngưng hơi thở cách ông một nửa vòng trái đất.
Bình luận