• Zalo

Lãnh đạo VTC thăm ‘cha đẻ’ tàu ngầm mini Trường Sa

Thời sựThứ Ba, 24/09/2013 02:32:00 +07:00Google News

(VTC News) – Mục đích của chuyến thăm này và lời “hẹn ước” giữa lãnh đạo Đài truyền hình kỹ thuật số VTC cùng doanh nhân Quốc Hòa là gì?

(VTC News) – Mục đích của chuyến thăm này và lời “hẹn ước” giữa lãnh đạo Đài truyền hình kỹ thuật số VTC cùng doanh nhân Quốc Hòa, chủ nhân của dự án tàu ngầm mini Trường Sa là gì?

Mới đây, ông Nguyễn Văn Bình - Phó Giám đốc phụ trách Đài truyền hình kỹ thuật số VTC đã có cuộc gặp gỡ thân mật với doanh nhân Quốc Hòa – Chủ nhân của dự án tàu ngầm mini Trường Sa đang gây xôn xao dư luận. Không lâu sau chuyến thăm này, phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Bình.

- Được biết vừa qua ông đã có cuộc gặp gỡ với doanh nhân Quốc Hòa - chủ nhân của tàu ngầm mini đang gây xôn xao dư luận. Ông có thể tiết lộ về mục đích của chuyến thăm này?

Lý do tôi trực tiếp từ Hà Nội về Thái Bình thăm và tặng một món quà nhỏ cho doanh nhân Quốc Hòa là tôi muốn bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình trước sự sáng tạo táo bạo của ông ấy.

- Đó là dự án đang gây xôn xao dư luận. Ông có bình luận gì trước những ý kiến trái chiều về dự án này?

Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Giám đốc phụ trách Đài truyền hình kỹ thuật số VTC và tàu ngầm mini Trường Sa
Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Giám đốc phụ trách Đài truyền hình kỹ thuật số VTC và tàu ngầm mini Trường Sa 
Từ khi báo chí đưa tin về việc có một nhóm kỹ sư cơ khí đang triển khai dự án sản xuất tàu ngầm, đã có rất nhiều người nghi hoặc, ngờ vực về khả năng thành công của dự án. Có người còn cho rằng nhóm kỹ sư kia là điên rồ bởi họ mặc định muốn sản xuất được tàu ngầm thì cần sự đầu tư rất lớn về mặt vật chất, tài chính, chưa kể về mặt khoa học công nghệ cũng phải tối tân, mọi tính toán phải có tính chính xác cao...

Đúng là trước bối cảnh nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, nhóm gồm 5 kỹ sư dám đứng ra theo đuổi đam mê, sản xuất thứ tàu ngầm “đắt đỏ” như vậy quả thực là quá mạo hiểm. Người ta có quyền nghi ngờ về sự mạo hiểm đó, còn bản thân tôi, tôi có những suy nghĩ khác.

Theo tôi, đây không phải là dự án của một người mà là ý tưởng của một người, nhưng được sự đồng lòng, hưởng ứng của nhóm người có tri thức, trình độ chuyên môn ở lĩnh vực này.

Nói cách khác, ông Hòa chỉ là người có ý tưởng này và tập hợp ý kiến của các đồng nghiệp – 4 kỹ sư từng tốt nghiệp Đại học Bách khoa, những người có chuyên môn rất sâu ở lĩnh vực này.

Do vậy, tôi không có chút nghi ngờ gì cả vì giả sử ông Hòa có bị cho là “điên rồ” đi chăng nữa thì chắc chắn 4 người còn lại trong nhóm đó không phải là “người điên”. Từ đó có thể khẳng định việc họ làm không phải là điên rồ.

Thứ hai, tôi được biết dự án được triển khai bằng tiền của cá nhân ông ấy chứ không hề có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, doanh nghiệp hay tổ chức nào cả.

Khi người ta bỏ tiền túi ra làm, bao giờ họ cũng tính toán chặt chẽ, nghiên cứu kỹ lưỡng và tôi dám khẳng định không có sự nghiên cứu chặt chẽ, kỹ lưỡng nào hơn việc người ta chi tiêu chính đồng tiền liền khúc ruột của mình. Khi họ dùng chính đồng tiền mà họ phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có được ra đầu tư, chắc chắn họ phải có những tính toán kỹ lắm.

Lý do thứ ba khiến tôi ngưỡng mộ và đến với ông ấy là trong xã hội Việt Nam hiện nay, có rất nhiều công trình, dự án đầu tư cho khoa học đang nằm ở trên giấy hoặc không đưa vào được thực tiễn, không phát huy được hiệu quả thì trong vài năm trở lại đây, xuất hiện chuyện có rất nhiều nhà khoa học không nằm ở bất cứ cơ quan nghiên cứu, chưa có tên tuổi gì cả, nhưng họ vẫn say sưa sáng tạo, miệt mài với đam mê của mình để sản xuất, chế tạo ra những công cụ, máy móc, thiết bị rất gần gũi, thiết thực với thực tế.

Chẳng hạn, có những người nông dân tạo ra các máy chế biến lương thực, thực phẩm. Người ta cũng táo bạo tạo ra máy may mini hay gần đây nhất, FPT – doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam đã chế tạo thành công vệ tinh mini...

Trong bối cảnh khoa học, kinh tế như vậy, việc có những cá nhân hay nhóm cá nhân sẵn sàng đầu tư tiền của, công sức để sáng tạo ra những thứ như vậy, họ hoàn toàn thuyết phục được tôi. Tôi ngưỡng mộ họ. Khi tôi tận mắt thấy sản phẩm của họ, được sờ vào con tàu, sự ngưỡng mộ đó càng được củng cố.

- Cảm nhận của ông về con người doanh nhân Quốc Hòa ra sao?

Khi tôi gặp ông Hòa, ấn tượng đầu tiên của tôi về ông ấy là vẻ bề ngoài kiêm tốn đậm chất kỹ thuật. Ông ấy vừa giản dị, vừa kín đáo và đằng sau đó là cái chất mộc mạc của một người “làm thật”.

Ông Hòa không có ý định cung cấp thông tin đó cho báo chí, nhưng một nhà báo nào đó đã cố tình đưa thông tin lên khiến những ngày vừa qua ông ấy rất bận rộn và bị chi phối bởi rất nhiều cuộc trò chuyện. Ông ấy chưa muốn điều đó. Dự định ban đầu của ông ấy là khi nào thành công mới công bố. Từ đó tôi mới thấy được cái vẻ khiêm tốn của ông ấy.

Thậm chí, khi trò chuyện với tôi, ông ấy còn chia sẻ: “Làm khoa học như thế này, việc thất bại một vài lần cũng là chuyện thường và tôi dám chấp nhận điều đó”. Thực sự công nghệ ông ấy làm không quá cao siêu, xa vời như nhiều người vẫn nghĩ.
Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Giám đốc phụ trách Đài truyền hình kỹ thuật số VTC chụp ảnh cùng ông Quốc Hòa - "cha đẻ" tàu ngầm mini Trường Sa
Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Giám đốc phụ trách Đài truyền hình kỹ thuật số VTC chụp ảnh cùng ông Quốc Hòa - "cha đẻ" tàu ngầm mini Trường Sa 
Cũng theo tâm sự của doanh nhân này, khi báo chí đưa tin rầm rộ về con tàu này, một số đồng nghiệp ở Nga đã gọi về chia sẻ họ rất tin tưởng rằng với công nghệ và cách làm hiện tại, ông ấy sẽ thành công.

Ông Hòa cũng cho hay, họ chỉ lên ý tưởng còn rất nhiều trang thiết bị, máy móc phụ trợ lắp đặt con tàu này họ mua lại từ các hãng sản xuất có tên tuổi trên thế giới.

Do vậy, tôi tin tưởng vào sự thành công của dự án cũng như khâm phục và ngưỡng mộ nhà khoa học đã dám đi trước một bước, mở đường cho việc người Việt Nam có thể chế tạo được nhiều máy móc, phương tiện hiện đại.

Nhờ có những con người dám nghĩ dám làm như thế, chúng ta mới từng bước khám phá được thiên nhiên, tiếp cận được với nền khoa học trên thế giới.

- Ông đánh giá thế nào về việc theo đuổi niềm đam mê, ước mơ mà nhiều người vẫn rỉ tai nhau là “điên rồ” của ông Quốc Hòa?

Tất cả mọi người khi làm bất cứ việc gì muốn đạt được thành công phải có sự đam mê. Bên cạnh đó là tri thức, công nghệ. Đó là những yếu tố điều kiện, căn bản. Ngoài ra, còn cần các yếu tố như môi trường khoa học, tiền vốn, trang thiết bị đi kèm...

Tôi thấy ở ông Hòa về cơ bản đã hội tụ đủ các yếu tố đó. Tôi tin tưởng ông ấy sẽ đi đến thành công và đó sẽ là chất xúc tác, khởi nguồn cho những sáng tạo to lớn hơn trong tương lai của kỹ sư này.

- Ông có dự định hỗ trợ, hợp tác gì để giúp chắp cánh ước mơ của ông Hòa bay cao, bay xa hơn nữa không?

 

Tôi tin tưởng vào sự thành công của dự án cũng như khâm phục và ngưỡng mộ nhà khoa học đã dám đi trước một bước, mở đường cho việc người Việt Nam có thể chế tạo được nhiều máy móc, phương tiện hiện đại.

Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Giám đốc phụ trách Đài truyền hình kỹ thuật số VTC
 
Tôi thấy thông tin này thực sự rất mới và nó thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Vì vậy, việc đưa thông tin này là cần thiết và chúng tôi muốn đưa thông tin tới bạn đọc càng sớm càng tốt.

Thế nhưng, giữ đúng lời hứa, cam kết với ông Hòa, sau những bước thử nghiệm con tàu này, VTC sẽ là đối tác, đơn vị đầu tiên đưa thông tin về dự án của ông Hòa.

Ngoài ra, lộ trình tiếp theo trong sự nghiệp nghiên cứu, sáng tạo khoa học của ông Hòa, VTC sẽ là đơn vị đầu tiên bảo trợ, lên sóng thông tin này.

Chúng tôi cũng đã tặng ông Hòa một món quà: bộ đầu thu HD của VTC. Ông Hòa rất khiêm tốn nói rằng, dự án của ông còn nhỏ bé so với thành tựu khoa học công nghệ mà VTC đã sáng tạo ra. Còn với tôi, sáng tạo của ông Hòa cũng vô cùng quý giá, đáng trân trọng.

- Vì sao ông lại chọn đầu thu HD chứ không phải các sản phẩm khác của VTC để tặng ông Quốc Hòa?

Thứ nhất, đó là thành quả lao động sáng tạo của đội ngũ những người làm khoa học ở VTC.

Thứ hai, trước chuyến thăm này, tôi có tìm hiểu, được biết nhà ông Hòa chưa có sản phẩm này.

Đây cũng là sản phẩm rất có ý nghĩa về mặt khoa học, trí tuệ để tặng làm kỷ niệm với một người nghiên cứu khoa học.

Khi trao tặng nó, tôi đã nhận được những tình cảm hết sức chân thành, nồng hậu từ ông Hòa.

- Ở góc độ người làm báo, ông thấy việc khai thác thông tin của các phóng viên trong vụ việc này ra sao?

Tôi nghĩ rằng người làm báo và tờ báo để lưu giữ được tình cảm tin cậy, quý mến của bạn đọc thì trước hết phải chú ý tới tính trung thực của thông tin, sau đó là thể hiện trí tuệ, tầm vóc, văn hóa... của người làm báo.
 
Thời gian qua, rất nhiều tờ báo ở Việt Nam đã đi theo hướng làm báo nghiêm túc. Dù có khó khăn bước đầu, nhưng cũng đã chiếm được niềm tin của công chúng.

Bên cạnh đó vẫn còn những tờ báo lá cải, đưa thông tin thiếu cẩn trọng, chộp giật, thậm chí mang tính vụ lợi để thu hút bạn đọc mà quên đi bản chất, sự thật của thông tin và thiếu sự tôn trọng của con người trong bài báo. Đó là việc cần lên án.

Đối với sự kiện này, ông Hòa cũng có phàn nàn, một số bài báo đã đưa tin thiếu chính xác gây ra những phiền toái, hiểu lầm không đáng có.

Nói chung, giới báo chí chúng ta cần phải bày tỏ thái độ, đấu tranh, phê bình mạnh mẽ với những bài báo, tờ báo đưa thông tin thiếu trách nhiệm nhằm xây dựng được một môi trường báo chí Việt Nam lành mạnh và ngày càng phát triển.

- Xin cảm ơn ông!

Minh Quân

Bình luận
vtcnews.vn