(VTC News)- Sau sự cố “phụ huynh xô đổ cổng trường”, Hiệu phó PTCS Thực nghiệm Lê Thị Mai Hương cho biết lãnh đạo nhà trường cảm thấy rất buồn.
- Thưa bà, khi xem lại những hình ảnh đêm 11/5, rạng sáng 12/5 với việc phụ huynh chen lấn xô đổ cổng trường thì lãnh đạo nhà trường có cảm xúc như thế nào?
Bà Lê Thị Mai Hương, Hiệu phó trường PTCS Thực nghiệm cảm thấy rất buồn khi thấy hình ảnh phụ huynh xô đổ cổng trường nhưng mong dư luận hãy thông cảm cho các phụ huynh (Ảnh: Phạm Thịnh) |
Bà Lê Thị Mai Hương: Nói chung chúng tôi cảm thấy rất buồn, thực sự nhà trường rất biết ơn phụ huynh khi phụ huynh quan tâm đến nhà trường như vậy.
Buổi sáng hôm 13 câu đầu tiên tôi nói đó là cảm ơn phụ huynh, rất biết ơn phụ huynh và cũng cảm ơn phụ huynh đã ngồi xuống hợp tác với nhà trường.
Tôi cũng rất thông cảm với phụ huynh khi mong muốn vào trường, việc đạp đổ cổng chỉ là tai nạn mà thôi, còn phụ huynh vẫn muốn là những người xếp hàng đàng hoàng.
- Tình trạng phụ huynh chen lấn xô đẩy xếp hàng mua đơn vào lớp 1 trường Thực nghiệm phải chăng đã diễn ra nhiều năm nay, thưa bà?
Bà Lê Thị Mai Hương: Mọi năm chuyện xếp hàng mua đơn cũng có gây căng thẳng nhưng chưa bao giờ như năm nay. Mọi năm những người chịu khó đến sớm họ đều mua được đơn và đương nhiên những người đến muộn quá thì hết đơn.
Nhưng năm nay số lượng tăng đột biến, nhà trường cũng không thể ngờ được phụ huynh lại quan tâm đến việc tuyển sinh năm nay lại đông như thế.
Nguyên nhân có lẽ do thông tin nhà trường tuyển 4 lớp, vì vậy số lượng học sinh sẽ ít hơn năm ngoái, nên phụ huynh năm nay mới quyết liệt sao cho mình có thể dành được một suất cho con.
- Như vậy, phải chăng là nhà trường đã không dự kiến được số lượng phụ huynh có nguyện vọng muốn nộp hồ sơ vào trường?
Bà Lê Thị Mai Hương: Số lượng phụ huynh tăng đột biến hơn so với mọi năm là nằm ngoài suy đoán ban đầu của nhà trường, trường cũng đã chuẩn bị như mọi năm để đủ đáp ứng cho những phụ huynh thực sự có nhu cầu thiết tha đến sớm thức đêm thức hôm. Số lượng quá lớn phụ huynh như vậy đúng là nằm ngoài dự kiến ban đầu của nhà trường.
- Theo đánh giá của bà, số lượng phụ huynh muốn nộp đơn tăng đột biến vào trường là do đâu?
Bà Lê Thị Mai Hương: Đến bây giờ, để nhà trường giải thích nguyên nhân vì sao của việc tăng đột biến này có lẽ để phụ huynh học sinh họ trả lời.
Còn về phía nhà trường, có lẽ trong một vài năm gần đây có những hoạt động, kết quả, những lứa học sinh ra trường đạt kết quả cao làm nên tiếng vang cho nhà trường.
Cũng có thế do trường tuyển sinh sớm, đây cũng là một lý do. Khi mà tất cả các trường chưa tuyển sinh thì trường đã bắt đầu, có lẽ các phụ huynh nghĩ rằng thôi cứ cho con thử thi xem sao. Nếu được thì tốt còn nếu không được thì vào trường khác.
- Có ý kiến cho rằng chính phụ huynh là người đã tạo ra hình ảnh phi giáo dục cho chính con em mình. Bà suy nghĩ gì về điều này?
Bà Lê Thị Mai Hương: Tôi nghĩ cần thông cảm với cả phụ huynh và nhà trường, nhà trường rất mong muốn quá trình tuyển sinh diễn ra tốt đẹp còn phụ huynh đương nhiên mong muốn con mình được vào.
Còn sự việc hiện tượng đó không ai muốn để sự việc đó xảy ra. Xã hội nên thông cảm với cả nhà trường và phụ huynh.
Công tác chuẩn bị của nhà trường là rất chu đáo, ngày hôm đó ban giám hiệu nhà trường đã phân công tới tất cả các bộ phận và thông báo kế hoạch tuyển sinh đến phụ huynh.
Còn việc phụ huynh, kỳ vọng, mong muốn để cho con em mình ít nhất bây giờ mua được đơn sau đó được vào trường thì đó là nguyện vọng đương nhiên và bình thường. Thực ra không chỉ có mỗi trường thực nghiệm mà có rất nhiều trường như vậy.
Về phía phụ huynh tôi cũng không dám đánh giá gì, nhà trường cũng rất thông cảm, xã hội cũng nên thông cảm và đừng nên đánh giá nữa.
- Qua sự việc này, lãnh đạo nhà trường có cảm thấy vui mừng khi có rất nhiều phụ huynh tin tưởng vào mô hình giáo dục của nhà trường?
Bà Lê Thị Mai Hương: Điều làm cho phụ huynh nghĩ rằng đây là môi trường giáo dục tốt cho con em họ tôi nghĩ nên để cho phụ huynh trả lời là tốt nhất.
Còn về phía nhà trường tôi chỉ xin thông tin đó là có một số mặt chúng tôi cố gắng duy trì đó là về tiêu chí của nhà trường, xây dựng môi trường thân thiện, mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh, giữa giáo viên và phụ huynh.
Những cảnh như thế này liệu năm sau có còn tái diễn? |
- Theo quan điểm của bà, những yếu tố nào đã tạo nên sự tin tưởng rất lớn của phụ huynh dành cho mô hình giáo dục của nhà trường?
Bà Lê Thị Mai Hương: Bản thân các giáo viên của chúng tôi được cởi mở trong ngành, học sinh khi vào lớp được phát biểu ý kiến của mình, nếu học sinh phát biểu tốt thì cô khen, học sinh phát biểu sai cô nói cố gắng lần sau, không bao giờ cô chê.
Lý do thứ hai trường cố gắng thực hiện tốt chương trình giáo dục, không làm nặng nề, quá tải. Trong các tuần học sẽ có những tiết tự học, các cháu có thể hoàn thành bài tập ở lớp ngay không cần về nhà làm ở một số buổi.
Ngoài ra trường có rất nhiều các hoạt động ngoại khóa phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của các con. Trong các hoạt động đó, không phải các cô làm thay mà tự các con chủ động thực hiện, học sinh tham gia và các hoạt động đó và được chia sẻ.
Ví dụ như hoạt động hội chợ chúng tôi sắp làm tới đây. Hội chợ đồ cũ cuối năm là truyền thống của nhà trường, trong đó chúng tôi cho các em mang những đồ dùng, đồ chơi, quyển sách, quyển truyện không dùng đến để trao đổi với các bạn. Số tiền các lớp thu được thường được các em sử dụng để xây dựng môi trường xung quanh như vườn cây.
Về đội ngũ giáo viên, chúng tôi cũng rất may mắn khi có được đội ngũ giáo viên tâm huyết và được tiếp cận với rất nhiều các hình thức phương pháp dạy học từ các đề tài nghiên cứu được phân công thực hiện.
- Chương trình và phương pháp của trường Thực nghiệm khác gì những trường học tại Hà Nội?
Bà Lê Thị Mai Hương:Trường song hành hai nhiệm vụ giáo dục và nghiên cứu nên phải dạy song song 2 chương trình đại trà và thực nghiệm. Phụ huynh và nhà trường đã thống nhất khi con vào thì trường sẽ sắp xếp ngẫu nhiên. Năm nay có 4 lớp 1 thì sẽ phân 2 lớp đại trà, 2 lớp thực nghiệm. Các cô sẽ cố gắng đưa những gì tốt nhất vào hai chương trình.
Tiêu chí của trường là xây dựng môi trường thân thiện, mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh cởi mở. Học sinh vào lớp được phát biểu ý kiến, tốt thì cô khen, chưa tốt thì cô bảo lần sau cố gắng. Cô không bao giờ chê trò, không nói trò sai và cũng không để các bạn trong lớp moi móc xem bạn đang sai gì. Nhà trường luôn cố gắng duy trì môi trường giáo dục không mang bệnh thành tích, không có chuyện nhiều học sinh yếu thì cô bị phê bình.
Bên cạnh đó, trường Thực nghiệm thực hiện đúng chương trình giáo dục, không làm nặng nề, quá tải, hàng tuần có tiết tự học để học sinh có thể làm bài tập ngay trên lớp, có chương trình ngoại khóa phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh. Trong các hoạt động đó, cô không ôm hết mọi công việc mà học sinh chia sẻ với nhau. Như hội chợ cuối năm, trường tổ chức cho học sinh trao đổi đồ cũ, tiền các lớp thu được dùng để xây dựng vườn cây quanh trường.
- Như vậy, phụ huynh có thể kỳ vọng gì vào con em họ sau khi ra trường?
Bà Lê Thị Mai Hương: Học sinh thực nghiệm ra trường thường được nhận xét là có khả năng thể hiện quan điểm, trong tất cả hoạt động đều chủ động. Quan điểm của trường là đào tạo học sinh thể hiện đúng khả năng của mình, có tố chất gì thì phát huy tố chất đó.
Tuy nhiên, không thể khẳng định các em đều có tư duy xuất sắc bởi kết quả học tập cũng như lối tư duy của các em không chỉ do nhà trường quyết định, mà còn ở tự thân các em và sự tương tác của phụ huynh với việc học của con.
Xin cảm ơn bà!
Phạm Thịnh(thực hiện)
Bình luận